Tên lửa S-400 Nga khiến Israel ngồi không bỗng... vớ bở

Lâm Vy |

Nếu Mỹ làm đúng như lời đe dọa của mình là hủy bỏ tư cách tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án F-35 thì họ sẽ vô tình mang đến một số tác động có lợi cho Israel.

Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400, khiến Mỹ nổi giận

Cuộc khủng hoảng nổ ra giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ xung quanh việc Ankara có kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga đã có những tác động sâu rộng tới Israel.

Washington đã đe dọa hủy bỏ thỏa thuận quy mô lớn cung cấp các tiêm kích F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ, trừ phi Ankara hủy bỏ thỏa thuận với Nga.

Quyết định cuối cùng của Mỹ sẽ ảnh hưởng tới vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông – nhưng từ quan điểm của Israel thì điều này có thể loại bỏ một mối nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai. Nó thậm chí có thể tác động tới ngành công nghiệp quốc phòng và các kế hoạch mua sắm trong tương lai của Không quân Israel.

Theo tờ Haaretz, Thổ Nhĩ Kỳ là 1 trong 8 quốc gia đầu tiên tham gia dự án F-35, và thậm chí còn giữ vai trò đặc biệt.

Ankara có kế hoạch mua ít nhất 116 mẫu máy bay loại này, hai chiếc đầu tiên – do Lockheed Martin sản xuất – đã được chuyển giao cho Không quân Thổ Nhĩ Kỳ khoảng 1 năm trước. Cho tới trước thứ Hai vừa qua, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang trải qua khóa huấn luyện vận hành tại Mỹ.

Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, căng thẳng đã gia tăng giữa Mỹ-Thổ xung quanh thỏa thuận S-400 trị giá 2,5 tỷ USD và dự kiến công tác chuyển giao sẽ bắt đầu trong tháng Bảy.

Tên lửa S-400 Nga khiến Israel ngồi không bỗng... vớ bở - Ảnh 1.

Thỏa thuận mua S-400 đã khiến mối quan hệ Mỹ-Thổ gia tăng căng thẳng.

Washington lo ngại rằng, nếu Thổ Nhĩ Kỳ vừa có S-400 của Nga, vừa có F-35 của Mỹ thì Moscow có thể khai thác được nhiều thông tin và điểm yếu của mẫu máy bay này.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ vận hành các tổ hợp phòng không của Nga một cách hoàn toàn riêng biệt so với các hệ thống vũ khí khác (phần lớn do Mỹ sản xuất). Ankara thậm chí còn đưa ra tuyên bố kỳ lạ rằng Israel mới là bên để lộ sơ hở khi triển khai F-35 trong khu vực do thám của các tổ hợp S-400 đang bảo vệ căn cứ không quân Nga ở Khmeimim, Syria.

Chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa chịu nhượng bộ trước những tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuần trước, quyền Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan đã gửi một bức thư cảnh cáo tới Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.

Trong thư, ông Shanahan cho biết, Washington rất thất vọng khi hay tin Thổ Nhĩ Kỳ đã cử các kíp lính phòng không tới Nga để huấn luyện vận hành các tổ hợp mới.

Nếu Ankara vẫn muốn tiến hành thỏa thuận với Moscow thì Washington sẽ cân nhắc khả năng hủy bỏ tư cách tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án F-35. Không chỉ ngừng cung cấp mẫu máy bay này cho Ankara, Mỹ sẽ đình chỉ toàn bộ hợp đồng với các công ty Thổ Nhĩ Kỳ tham gia dự án.

Washington đã tạm ngưng đào tạo các phi công Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ và từ chối tiếp nhận phi công mới từ đối tác. Sắp tới, nước này có thể cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Thỏa thuận mua S-400 sẽ làm suy yếu mối quan hệ thương mại song phương, cũng như hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ và quân đội Mỹ, cùng nhiều lực lượng quân đội của các quốc gia thành viên NATO.

Cơ hội đáng giá dành cho Israel

Israel – quốc gia đã có mối quan hệ căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ vì các sự kiện xảy ra trong thập kỷ trước – không đưa ra bất cứ bình luận công khai vào về cuộc khủng hoảng hiện tại.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ khăng khăng muốn tiến hành thỏa thuận với Nga, bất chấp những lời đe dọa từ Mỹ, sẽ khiến Ankara phần nào đứng về phía “phe của Nga” ở Trung Đông.

Tình hình đã thay đổi rõ rệt kể từ sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Thế giới không phân định giống như trước đây và chính quyền Tổng thống Trump hiện đang có một mối quan hệ phức tạp với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin. Mặc dù vậy, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn tới những hệ quả chiến lược.

Israel có lẽ sẽ không quá thất vọng nếu Mỹ ngừng cung cấp các máy bay chiến đấu tiên tiến cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không xem nhau là kẻ thù nhưng hai phía có mối quan hệ không mấy vui vẻ, vì thế rất khó dự đoán Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ phản ứng như thế nào trong các viễn cảnh tương lai, chẳng hạn như leo thang xung đột giữa Israel và Hamas ở dải Gaza.

Theo lập trường của Israel thì ngừng cung cấp F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ không phải là một diễn tiến tồi tệ.

Tên lửa S-400 Nga khiến Israel ngồi không bỗng... vớ bở - Ảnh 2.

Việc Mỹ hủy bỏ tư cách tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án F-35 sẽ mang lại cho các công ty Israel nhiều cơ hội đáng giá.

Trước đó, theo một thỏa thuận giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ thì trung tâm bảo dưỡng động cơ cho F-35 sẽ được thành lập tại Thổ Nhĩ Kỳ, và sẽ phục vụ các lực lượng không quân trong khu vực.

Bên cạnh đó, nhiều công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã ký hợp đồng để trở thành nhà thầu phụ trong dự án này. Tương tự như vậy, tại Israel, tổ hợp hàng không vũ trụ Israel (IAI) đã trở thành nhà thầu phụ phụ trách sản xuất phần cánh của các tiêm kích F-35.

Nếu những hợp đồng với Thổ Nhĩ Kỳ bị hủy bỏ thì đây sẽ là cơ hội đáng giá dành cho các công ty Israel. Những hợp đồng mới sẽ có giá trị lên tới hàng triệu USD, mặc dù không nên lạc quan quá sớm bởi khó có thể đoán trước được những gì mà hai nhà lãnh đạo – Trump và Erdogan – có thể sẽ làm.

Vấn đề trên cũng có thể tác động tới quyết định mua sắm phi đoàn tiêm kích mới của IAF. Như tờ Haaretz đã đưa tin hồi tháng Một, tư lệnh IAF Amikam Norkin đang nghiêng về hướng thay đổi các kế hoạch mua sắm.

Trước đây, Israel có kế hoạch mua 2 phi đoàn với khoảng 50 chiếc F-35. Dưới thời người tiền nhiệm của Thiếu tướng Norkin – ông Amir Eshel, IAF dự định mua phi đoàn thứ 3, với 25 chiếc F-35, vào giữa thập kỷ tới.

Tuy nhiên, ông Norkin cho rằng Israel nên trang bị một phi đoàn mới gồm các tiêm kích F-35 do Boeing sản xuất, sau đó mới quay trở lại mua F-35.

Mặc dù quan điểm của IAF đã rõ nhưng quyết định mua phi đoàn tiêm kích tiếp theo đã bị trì hoãn trong hơn 1 năm. Một phần là do việc bổ nhiệm Tham mưu trưởng mới, Aviv Kochavi, vào tháng Một năm nay.

Ông Kochavi muốn quyết định cuối cùng phải được đưa ra dưới sự giám sát của mình. Trong khi đó, thời gian trước, những sức ép khác từ nguồn ngân sách quốc phòng và mối bận tâm tới cuộc bầu cử trong tháng Tư và tháng Chín khiến IAF không có thời gian để thảo luận sâu về vấn đề mua sắm.

Giờ đây, do các diễn tiến phức tạp hiện nay không liên quan trực tiếp tới Israel nên nước này có thể cân nhắc lại quyết định của mình.

Các yếu tố mới có thể được đưa vào xem xét và quyết định mới có thể sẽ bao gồm một loạt các thỏa thuận mới dành cho ngành công nghiệp quốc phòng Israel, như trở thành các nhà thầu phụ của dự án vũ khí lớn nhất và đắt đỏ nhất trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại