Theo học giả Sergei Sudakov, chuyên gia phân tích chính trị và các vấn đề về Mỹ, giáo sư thuộc Học viện khoa học quân sự Nga, nhận định mục tiêu của Trump là tranh giành những điều kiện có lợi nhất trong các cuộc đàm phán sau này với Trung Quốc.
Tàu sân bay Mỹ tuần tra biển Đông
Ông Sudakov cho rằng việc chính quyền Trump lần đầu phái nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tuần tra ở biển Đông từ hôm 18/2 "chủ yếu là để hư trương thanh thế".
"Hành động này nhằm thách thức dư luận và chính phủ Trung Quốc. Mỹ có khả năng bị thiệt hại lớn hơn Trung Quốc về thương mại và quân sự, nhưng cần hiểu rằng tính phụ thuộc giữa hai nước lớn Mỹ-Trung rất mạnh. Trong tình huống này, Mỹ áp dụng một phương án tiêu chuẩn mà ông Trump dùng để đói phó với các cường quốc khác nhau," ông nói.
Quan điểm của Trump là thế giới tồn tại với ba trung tâm sức mạnh cơ bản: Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Theo Sudakov, Mỹ buộc phải xây dựng quan hệ với Nga, Trung, nên xung đột với bất cứ bên nào trong hai nước cũng bất lợi cho Washington. Nhưng Mỹ cũng xác định Nga-Trung là đối tác mật thiết, thậm chí tiệm cận đồng minh.
Điều này là rắc rối đối với Nhà Trắng, đồng thời lý giải ý nghĩa quan trọng của việc quân đội Mỹ "khoe" được sức mạnh và giá trị của mình tại châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ (Ảnh: US Navy photo/Sean Castellano)
Sudakov chỉ ra, chỉ hơn 1 tuần sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc "điện đàm thân mật", đánh dấu sự hòa dịu mang tính bước ngoặt giữa hai nước kể từ khi Trump đắc cử, Bắc Kinh đã chứng kiến sự xuất hiện của tàu sân bay USS Carl Vinson trong chiến dịch gìn giữ tự do hàng hải trên biển Đông.
"Mỹ cần phải quan sát thấy phản ứng của Trung Quốc, qua đó xác định rõ các vấn đề ưu tiên," học giả người Nga nói.
Ở biển Đông, Mỹ đối đầu với những yêu sách của Bắc Kinh trong khu vực, như một cách để buộc chính phủ Trung Quốc hạ thấp điều kiện trên bàn đàm phán.
"Mục đích của Mỹ khi áp dụng phương án này là nhằm giành được tình thế đàm phán có lợi nhất, đồng thời hoạch định lộ trình đàm phán theo hướng buộc Bắc Kinh phải chấp nhận điều kiện Mỹ đặt ra," theo ông Sudakov.
Chính quyền Trump gây sức ép để buộc Trung Quốc đánh đổi những điều kiện có lợi cho Mỹ? (Ảnh: Cankaoxiaoxi)
Chính quyền Trump lôi Trung Quốc vào cuộc chơi "Ai là gà"
Game of chicken (tạm dịch: Ai là gà) là lý thuyết trò chơi mà hai người chơi đối đầu nhau trên một con đường hẹp theo kiểu "dê đen dê trắng". Nếu không ai tránh đường thì cả hai sẽ đâm vào nhau và cùng thua cuộc, nhưng nếu một người rút lui trước thì sẽ thua trước và bị gọi là "gà".
Ông Sudakov nhận định, Tổng thống Trump đang hành động ở châu Á-Thái Bình Dương theo lý thuyết trò chơi này.
"[Mỹ đưa tàu sân bay tuần tra biển Đông] là điển hình của 'game of chicken', bao gồm mượn sự hỗ trợ từ các tổ chức đồng minh, mục đích nhằm cảnh cáo đối thủ để giành lấy điều kiện có lợi.
Hiện tại chúng ta không tiến tới chiến tranh hay hành động quân sự thực tế, những điều đó sẽ không xảy ra. Các động thái của Trump nhằm tạo ấn tượng nhóm của ông là những thành viên cứng rắn, trong khi ông đóng vai hòa dịu."
"Trump nghĩ rằng chiến lược này sẽ giúp ông có được các quân chủ bài trong cuộc đối đầu Bắc Kinh, hơn nữa là ông biết cách để sử dụng những chủ bài ấy," Sudakov kết luận.