Tổng thống Donald Trump cho rằng "đã đến lúc đưa binh sĩ Mỹ trở về nhà". Ảnh: AP
Tổng thống Trump vẫn thường "khoe" những thắng lợi của ông trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Nhưng lần này ông thực sự gây bất ngờ với chính đội ngũ an ninh của mình, trong đó có những quan chức quốc phòng từng cảnh báo bây giờ chưa phải là lúc rời khỏi Syria.
"Chúng ta đã đánh bật IS khỏi hang ổ. Chúng ta sẽ sớm rời khỏi Syria. Lúc này, hãy để những người khác lo cho họ (Syria)", ông Trump nói trước đám đông ủng hộ tại Cleveland hôm 29/3.
Tiếp đó, hôm 3/4, phát biểu trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng với lãnh đạo ba nước Baltic đang ở thăm thủ đô Washington, Tổng thống Trump khẳng định: "Tôi muốn đưa quân đội Mỹ về nước". Ông nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Mỹ tại Syria là xóa sổ IS và Mỹ gần như đã hoàn thành.
Những phát biểu nói trên đã gây bất an trong cộng đồng an ninh-quốc phòng Mỹ. Một số quan chức quốc phòng Mỹ phát biểu với CNN rằng Lầu Năm góc chưa nghe được bất cứ thông tin bổ sung nào từ Nhà Trắng kể từ sau tuyên bố của Tổng thống. Các quan chức này cũng lưu ý rằng, chính sách của Mỹ về Syria không thay đổi, họ vẫn đang tập trung vào cuộc chiến chống IS, và bất cứ quyết định nào của Tổng thống về việc rút quân khỏi Syria cũng sẽ đi ngược lại các tiếp cận quân sự hiện nay.
Tuy vậy, nếu Mỹ thực sự rút quân, thì đó sẽ là quyết định ảnh hưởng lớn tới tất cả các bên có liên quan ở Syria.
Bên nào sẽ mất nhiều nhất?
Quân đội Mỹ hiện đang hậu thuẫn cho lực lượng đối lập SDF tại Syria. Ảnh: AP
Mỹ đang duy trì khoảng 2.000 quân tại Syria, chủ yếu là hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF - lực lượng đối lập chính tại Syria) chiến đấu chống IS. Lực lượng này gồm khoảng 50% là người Arab, 50% người Kurd, tuy nhiên, hầu hết lãnh đạo là người Kurd.
Ý định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi Syria càng sớm càng tốt chắc chắn sẽ dấy lên lo ngại trong các nhóm vũ trang do Mỹ hậu thuẫn trong khu vực, đặc biệt là SDF, và có thể là cú hích với các lực lượng thuộc Chính phủ Syria, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn lâu nay còn e ngại tấn công các đồng minh Mỹ ở Syria vì sợ bị trả đũa.
"Điều giữ SDF còn ở lại trên chiến trường là do các lực lượng khác không dám động tới họ. Nhưng nếu không còn sự ủng hộ của Mỹ, làm thế nào để họ duy trì và nếu họ tự tìm được một vị trí yếu ớt thì liệu có thể thỏa thuận với chính phủ không?", CNN dẫn lời giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc Quỹ Phòng vệ Những nền dân chủ, David Adesnik.
Gần đây sự hiện diện của lực lượng Mỹ đã ngăn cản lực lượng Nga và quân đội Chính phủ Syria giành lại các giếng dầu và vùng lãnh thổ do SDF kiểm soát. Nhưng nếu quân đội Mỹ không còn hiện diện,thì không còn gì ngăn cản các lực lượng Nga và chính phủ tăng cường tấn công.
Điều tương tự cũng đang diễn ra ở Manbij và At Tanf, nơi quân đội Mỹ đã ngăn lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ mở những cuộc tấn công quy mô lớn. Mỹ cũng giúp các tay súng SDF kiểm soát vùng biên giới Syria với Iraq trong lúc IS vẫn hiện diện trong khu vực. Nhưng công việc sẽ khó khăn hơn nhiều nếu không còn lính Mỹ.
Nguy cơ IS hồi phục
Nếu Mỹ rút quân khỏi Syria, cuộc tranh giành ảnh hưởng đẫm máu ở miền Đông Syria sẽ lan sang miền Tây, kích động một cuộc leo thang xung đột nghiêm trọng.
Trong cuộc hỗn loạn đó, quân khủng bố IS sẽ tranh thủ thời cơ hồi phục lực lượng. Tàn quân IS hiện đã lợi dụng tình hình nhân hành động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ vào miền bắc Syria.
Hồi đầu tháng 3, giới chức Mỹ từng cảnh báo IS bắt đầu tái hồi sinh ở một số khu vực tại Syria do chiến dịch quân sự c ủa Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc đã đẩy các đồng minh người Kurd của Mỹ ra khỏi cuộc chiến chống tổ chức khủng bố này. Giới chức Mỹ cho rằng, chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ chống người Kurd ở Afrin sẽ làm suy yếu cuộc chiến chống IS.
Những bên hưởng lợi
Sự can dự của cả Mỹ và Nga tại Syria đã khiến cuộc xung đột tại Syria phức tạp hơn, buộc hai bên phải dè chừng lẫn nhau để tránh va chạm trực tiếp, dù trên thực tế cách đó không phải lúc nào cũng hiệu quả. Hồi tháng 2, cuộc không kích do Mỹ tiến hành đã khiến hàng chục tay súng chiến đấu bên lực lượng ủng hộ Tổng thống Assad đã thiệt mạng. Nga và Mỹ cũng đã thiết lập các kênh liên lạc để tránh xung đột trực tiếp, nhưng đụng độ đôi khi vẫn xảy ra.
Chính vì thế một cuộc rút lui của lực lượng Mỹ sẽ tạo ra khoảng trống trong khu vực, tương tự như khi binh sĩ Mỹ rời Iraq. Hầu hết các chuyên gia chính sách đối ngoại cho rằng, khoảng trống như vậy sẽ được Nga lấp đầy.
Angela Stent, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Âu, Nga và Đông Âu Eurasian, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, phát biểu với CNN rằng, "nếu Mỹ rút quân, tôi cho rằng người Nga sẽ rảnh tay" ở Syria và các lực lượng nổi dậy sẽ suy yếu đi.
Lực lượng Chính phủ Syria và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ hưởng lợi từ các bước tiến kinh tế như giành lại thêm các giếng dầu hiện do liên minh đối lập do Mỹ hậu thuẫn kiểm soát. Thống kê cho thấy, Chính phủ Syria đã mất đi gần 90% sản lượng dầu kể từ khi cuộc nội chiến bắt đầu.
Nhưng liệu Tổng thống Trump có thực sự rút quân?
Xe bọc thép của quân đội Mỹ tại Manbij. Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 3/4, Tổng thống Donald Trump phàn nàn rằng nước Mỹ đã "mất không 7 nghìn tỷ USD ở Trung Đông trong 17 năm qua" - một con số được cho là dựa trên chi phí chiến tranh của Mỹ tại Iraq, Afghanistan và các nơi khác ở Trung Đông.
Ông Trump kết luận: "Tôi muốn rút (khỏi Syria). Tôi muốn đưa binh sĩ của chúng ta trở về nhà". Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng các nước Arab như Saudi Arabia nên đền bù cho nước Mỹ về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực.
"Ở một vài phương diện, ông Trump bị chia rẽ giữa mong muốn của bản thân về một cuộc rút lui nhanh với những lo ngại quân sự sau khi để lại khoảng trống tại Syria" - tờ Washington Post dẫn lời nhà phân tích Karen DeYoung - "Bằng cách ra lệnh một cuộc rút quân, dựa trên sự tiêu diệt của Nhà nước Hồi giáo, nhưng lại không đưa rõ lịch trình, ông ấy đã để lại dư địa lớn cho những cuộc thảo luận tiếp theo về nghĩa của khái niệm 'tiêu diệt' là thế nào".
Tại cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia hôm 3/4, Tổng thống Trump đã nhất trí sẽ tiếp tục duy trì binh sĩ tại Syria, dù ông vẫn giữ quan điểm không muốn đóng quân dài hạn tại đây.
Tuy nhiên, tuyên bố rút quân càng sớm càng tốt của Tổng thống Trump được nhiều nhà phân tích cho rằng chỉ là một cách nói cường điệu, và cơ bản là phản ánh quan điểm rút quân khỏi Syria trong dài hạn.
Cần biết rằng quân đội Mỹ hiện vẫn đang xây dựng hai căn cứ quân sự mới ở miền Bắc Syria. Khoảng 2.000 binh sĩ đóng tại đây vẫn luôn sẵn sàng hỗ trợ lực lượng vũ trang người Kurd và Arab.
https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ai-duoc-ai-mat-khi-tong-thong-trump-rut-quan-my-khoi-syria-20180405145444895.htm