Từ 2011, vị chủ tịch người Nga thường trả khoản tiền dao động từ 1-3 triệu bảng cho việc thuê nhà tại London để tiện việc đi lại và theo dõi đột bóng con cưng. Tuy nhiên, mọi chuyện giờ đã thay đổi.
Abramovich đã không đóng tiền thuê nhà từ cuối năm 2018. Hiện tại, ông cũng không cho thấy dấu hiệu sẽ chi trả khoản tiền đó (khoảng 1 triệu bảng cho đến lúc này). Companies House - công ty chịu trách nhiệm theo dõi hoạt động này ghi nhận mọi giao dịch đã kết thúc từ cuối năm ngoái và chưa được tái kích hoạt.
Đây là điều dễ hiểu bởi đã rất lâu, Abramovich không còn xuất hiện tại sân Stamford Bridge nữa. Lý do bởi vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal đã làm xấu đi mối quan hệ Anh - Nga rất nhiều. Những người Nga có ảnh hưởng lớn như ông chủ của Chelsea sẽ không được đặt chân đến Anh vì phía chính quyền xứ sương mù không gia hạn visa.
Abramovich không thể trực tiếp nhìn thấy Chelsea thi đấu tại Anh. Ảnh: Telegraph.
Phát ngôn viên của The Blues chia sẻ với Telegraph rằng, ông chủ của đội bóng từ giờ sẽ ít xuất hiện hơn tại Anh. Tuy nhiên, chuyện gắn bó với Chelsea vẫn được đảm bảo, trái với tin đồn Abramovich sẽ bán CLB để rút lui êm thấm.
Tháng trước, The Blues nhận đòn chí mạng từ FIFA với án cấm chuyển nhượng 2 kì liên tiếp. Tuy nhiên, xét trên phương diện tài chính, mọi chuyện đến lúc này vẫn ổn. Bằng chứng là lãi ròng của đội chủ sân Stamford Bridge cuối năm 2018 đã tăng mạnh từ 13,1 triệu bảng lên 65,3 triệu bảng. Trong nhiều CLB tại Anh, Chelsea là đội hiếm hoi bắt đầu có lãi và duy trì được đà ổn định vài năm trở lại đây.
Sir Jim Ratcliffe - người giàu nhất Anh quốc đồng thời là chủ sở hữu tập đoàn Ineos đã ngỏ lời muốn mua lại Chelsea vài tháng trước với giá 1 tỉ bảng. Phía Abramovich không cho thấy dấu hiệu sẽ ngồi vào bàn đàm phán. Thế nhưng, chưa chắc ông chủ người Nga sẽ giành phần thắng trong cuộc chơi này.
Sir Jim đang nắm nhiều lợi thế trong phi vụ mua lại Chelsea. Ảnh: Telegraph.
Abramovich nếu tiếp tục không thể đến Anh, nội bộ CLB được dự đoán sẽ còn xảy ra nhiều vụ lùm xùm như chuyện thủ thành Kepa bật ra mặt với HLV Sarri. Dù đang có lãi trên sàn chứng khoán, thế nhưng nếu đội bóng dần lao dốc, không ai đảm bảo chuyện tài chính của đội bóng tây London có thể duy trì ở mức ổn định.
Một mặt, những người như Jim Ratcliffe liên tục ép giá để mua Chelsea. Mặt khác, nội tình đội bóng có thể gặp nhiều biến động trong 1 năm tới. Đó là 2 sức ép khiến Abramovich rơi vào thế "gọng kìm".
Không biết vị tỉ phú với gương mặt lạnh lùng này có "chịu nổi nhiệt" hay không?