Mỹ-Nhật tái khẳng định quan hệ đồng minh
Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) mới đây dẫn nguồn Asahi Shimbun (Nhật Bản) cho hay, ngày 2/2, hải quân Mỹ đã triển khai lực lượng máy bay cảnh báo sớm E-2D tại căn cứ quân sự của nước này ở Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ triển khai hệ thống máy bay cảnh báo sớm hiện đại nhất tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Trước đó, hồi trung tuần tháng 1 vừa qua, lần đầu tiên lô chiến đấu cơ tàng hình F-35 được điều tới căn cứ không quân Iwakuni thuộc lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ.
Tờ National Interest (Mỹ) nhận định, triển khai F-35 ở châu Á cho thấy, Washington nhấn mạnh thực hiện cam kết đồng minh an ninh Mỹ-Nhật cũng như có dụng ý ngăn chặn sự lớn mạnh của Trung Quốc thời gian gần đây.
"Điều này cho thấy, chính quyền của Donald Trump có thái độ nghiêm túc trên phương diện củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật", Hoàn cầu viết.
Cũng theo Hoàn cầu, mới đây trang tin Stratfor (Mỹ) cũng đăng tải bài viết cho rằng, chính quyền Trump coi Trung Quốc là một trong những mối đe dọa hàng đầu của Washington, thậm chí trên toàn thế giới.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia mới đón chuyến viếng thăm của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sẽ phát huy vai trò nòng cốt khi Nhà Trắng tiến hành "ràng buộc" hoặc "kiềm chế" Bắc Kinh về quân sự.
Bên cạnh đó, theo Giám đốc Trung tâm Đánh giá chiến lược và Ngân sách Mỹ Andrew Krepinevich thì dù cho đội ngũ của tướng Mattis tuyên bố Nga tạo ra mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ nhưng trên thực tế về khía cạnh quân sự, Trung Quốc mới là mối đe dọa chính.
Ông Krepinevich nhận định, cục diện quân sự khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện đang nhanh chóng chuyển biến theo hướng có lợi cho Trung Quốc nên Mỹ cần nỗ lực hành động trước khi quá muộn.
Phó giám đốc Trung tâm Chính sách châu Á Thái Bình Dương của Công ty nghiên cứu RAND (Mỹ), ông Scott Harold đánh giá, sứ mệnh trong chuyến công du Hàn-Nhật của tướng Mattis chính là tái khẳng định cam kết của Mỹ và hy vọng làm dịu căng thẳng trong quan hệ với hai nước Đông Bắc Á này.
Theo đó, tướng Mattis đã đem đến một thông điệp quan trọng: nước Mỹ vẫn đứng về phía các đồng minh nhưng Mỹ muốn các đồng minh này cần đóng góp nhiều hơn.
Thời báo Los Angeles (Mỹ) thì cho rằng, tướng Mattis đang làm "công tác mở đường" cho chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vào ngày 10/2 sắp tới.
Tướng James Mattis trong chuyến thăm Nhật Bản hôm 4/2 vừa qua. Ảnh: Reuters
Vai trò quan trọng của Thủ tướng Nhật Bản
Trong khi đó, theo Hoàn cầu, dư luận và giới truyền thông Nhật Bản cũng rất quan tâm đến cuộc hội đàm sắp tới giữa hai ông Trump và Abe.
Theo dự đoán, hai nhà lãnh đạo sẽ cùng đáp chuyên cơ của Tổng thống Mỹ - Không lực Một đến bang miền Nam Florida, ăn tối tại biệt thự của ông Trump, thậm chí hai ông còn đánh golf, bởi đây là sở thích chung của cả hai.
Hoàn cầu dẫn lời Kyodo News (Nhật Bản) nhận định rằng, những sắp xếp đặc biệt này có lợi cho quá trình xây dựng quan hệ tin cậy giữa các nhà lãnh đạo.
Theo báo Nhật, nguyên thủ nước ngoài cùng đáp chuyên cơ Không lực một hay được mời tới biệt thự cá nhân trong lần hội đàm chính thức đầu tiên đều rất hiếm gặp.
Trước đây chỉ có cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi mới được ngồi Không lực Một và lưu lại một tối tại nhà riêng của Tổng thống Mỹ bấy giờ là George W. Bush.
Theo Hoàn cầu, Thủ tướng Shinzo Abe hiện đang gặp chỉ trích từ phía đảng đối lập về việc giữ im lặng trước sắc lệnh cấm nhập cư đối với công dân của bảy nước Hồi giáo của Tổng thống Donald Trump.
Và khi được yêu cầu cần lên tiếng phản đối chính sách này trước cuộc hội đàm song phương cấp cao vào tuần sau, một quan chức cấp dưới của Thủ tướng Abe đã trả lời rằng: "Khi chính phủ Tổng thống Trump rơi vào thế cô lập trên trường quốc tế, người có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc trao đổi giữa Mỹ và các nước chỉ có thể Thủ tướng Nhật Bản".
Theo báo Trung Quốc, đảng Dân chủ tự do (LDP) thậm chí còn tuyên bố, sau khi lên nắm quyền lần thứ hai, ông Abe đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm ngoại giao và do vấn đề người nhập cư không phải là mối quan tâm chính của Tokyo nên việc giữ thái độ im lặng trước cuộc hội đàm Mỹ-Nhật là một hành động sáng suốt.