6 vụ vỡ nợ liên tiếp nổ ra ở một trong những tỉnh giàu nhất Trung Quốc, nhà đầu tư đứng ngồi không yên

Thu Hương |

Vụ việc ở Sơn Đông không phải là mới, vì các tỉnh khác thậm chí ghi nhận nhiều vụ vỡ nợ hơn. Tuy nhiên sự việc gây chấn động là vì các công ty thường bảo lãnh nợ cho nhau, vì thế rủi ro có thể lây lan nhanh chóng.

6 công ty tư nhân ở một trong những tỉnh giàu nhất của Trung Quốc đã vỡ nợ hoặc gần như phải đóng cửa trong 3 tháng qua. Chỉ riêng 6 công ty này đã có 61,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 9,7 tỷ USD) nợ quá hạn, khiến cả những nhà đầu tư dày dặn kinh nghiệm nhất cũng cảm thấy hoang mang.

Vụ việc ở Sơn Đông không phải là mới, vì các tỉnh khác thậm chí ghi nhận nhiều vụ vỡ nợ hơn. Tuy nhiên sự việc gây chấn động là vì cách thức vay nợ: các công ty ở Sơn Đông thường xuyên bảo lãnh nợ cho nhau. Cách này giúp họ không phải công bố công khai số nợ của mình, do đó nhà đầu tư không thể biết rõ công ty nào mắc nợ và nợ bao nhiêu. Từng là một trong những "lá cờ đầu" về phát triển công nghiệp ở Trung Quốc, mối quan hệ không rõ ràng giữa các công ty tư nhân ở Sơn Đông khiến nhiều người lo ngại tất cả sẽ cùng sụp đổ.

Hiện tại đây là một trong rất nhiều thách thức mà các nhà đầu tư trái phiếu ở Trung Quốc phải đối mặt, sau khi quy mô vỡ nợ trái phiếu nội địa đã tăng từ con số 0 chỉ cách đây vài năm lên 18 tỷ USD trong năm 2019. Ở Sơn Đông và nhiều nơi khác, vẫn chưa rõ chính phủ sẽ can thiệp như thế nào. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc ngày càng sẵn sàng để cho những công ty yếu kém vỡ nợ nhưng cũng chịu áp lực phải giữ cho thị trường ổn định và kinh tế tăng trưởng.

Cho đến thời điểm hiện tại thì chính quyền thành phố Sơn Đông đã ra tay can thiệp, nhưng không chắc chính quyền cấp tỉnh sẽ làm tương tự. Do đó, các công ty của tỉnh này có thể rơi vào vòng luẩn quẩn: rủi ro vỡ nợ lan ra toàn tỉnh, khiến những công ty khỏe mạnh cũng khó có thể tiếp cận thị trường vốn.

Trên toàn quốc, tỷ lệ vỡ nợ trên trái phiếu do các công ty ngoài quốc doanh phát hành đã tăng lên mức kỷ lục 4,5% trong 10 tháng đầu năm 2019. Con số này còn có thể thấp hơn so với thực tế vì một số công ty tự giàn xếp với các trái chủ thay vì qua trung tâm thanh toán. Tỷ lệ vỡ nợ của nhóm doanh nghiệp nhà nước chỉ là 0,2% nhờ sự trợ giúp tài chính và chính phủ và nhóm này cũng dễ tiếp cận với vốn vay ngân hàng hơn.

Ở Sơn Đông, nỗi sợ làn sóng vỡ nợ lây lan xuất hiện theo những cách rất khác thường. Hồi cuối tháng 10, những tin tức tiêu cực về 1 tập đoàn chế biến ngô và thép đã đẩy trái phiếu của ít nhất là 2 công ty khác xuống mức thấp kỷ lục dù tưởng chừng như không hề liên quan.

Hóa ra công ty sản xuất nhôm China Hongqiao và công ty phân phối thực phẩm Shandong Sanxing đã bảo lãnh nợ cho nhau, và nhà đầu tư lo ngại họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Sau đó Hongqiao đã lên tiếng trấn an, cho biết không có quan hệ làm ăn và cũng không có kế hoạch hỗ trợ tài chính cho Shandong Sanxing. Kể từ đó đến nay 3 hãng xếp hạng tín nhiệm lớn không thay đổi mức xếp hạng đối với Hongqiao nhưng nhà đầu tư vẫn không an tâm. Tuần trước lợi suất trái phiếu đôla do công ty phát hành đã tăng vọt lên 14%.

Sơn Đông là một trong những trung tâm kinh tế lâu đời nhất của Trung Quốc, khởi đầu từ hoạt động thương mại và sau này là nông nghiệp, khai khoáng và khai thác dầu mỏ. Cách đây không lâu nền kinh tế Sơn Đông vẫn đang bùng nổ, với nguồn tín dụng giá rẻ và các công ty tư nhân mạnh tay chi tiêu.

Nhưng kể từ năm ngoái nền kinh tế Sơn Đông đã giảm tốc nghiêm trọng. Nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp giảm mạnh, và lợi nhuận công nghiệp của Sơn Đông trong 10 tháng đầu năm giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây vẫn là tỉnh giàu thứ 3 Trung Quốc nhưng trong 9 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng trưởng 5,4%, thấp nhất cả nước. Đà tăng trưởng bị kìm hãm đáng kể sau khi chính phủ siết chặt cho vay, khiến các công ty tư nhân khó có thể tiếp cận vốn.

Do đó chính quyền địa phương đã khuyến khích khu vực tư nhân tự hỗ trợ nhau và bảo lãnh chéo là 1 giải pháp. Nhưng đây là lựa chọn mang đến rất nhiều rủi ro. Theo chuyên gia phân tích Cindy Huang của S&P, hiện tượng bảo lãnh chéo thường tập trung ở một số thành phố và khu vực nhất định, và thường là giữa các công ty tư nhân chưa niêm yết ở cùng 1 thành phố, cùng 1 ngành, các CEO quen biết nhau.

Và nhà đầu tư còn lo ngại không rõ hiện tượng bảo lãnh chéo có phổ biến ở các địa phương khác hay không. Khảo sát năm 2018 do 1 chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán Citic thực hiện cho thấy bảo lãnh chéo khiến các công ty ở Sơn Đông dễ bị tổn hại hơn so với bất cứ tỉnh thành nào khác.

Mỗi tuần đều có tin tức về 1 vụ vỡ nợ mới hoặc về 1 công ty đang gặp khó khăn. Hai công ty Shandong Yuhuang Chemical và Xiwang Group đã vỡ nợ vì không thể thanh toán số trái phiếu trị giá 572 triệu USD. Nhà đầu tư cũng lo ngại Shandong Ruyi Technology Group – công ty có tham vọng trở thành LVMH của Trung Quốc, nhiều khả năng sẽ không thể thanh toán 344 triệu USD trái phiếu đáo hạn vào ngày 19/12 tới đây.

Một số công ty vẫn được chính quyền địa phương giải cứu, nhưng đó là các công ty nhà nước. Chính quyền có lý do để cứu lấy việc làm cũng như giữ ổn định xã hội, nhưng không phải là mọi công ty đều được giải cứu. Kể từ khi Bắc Kinh để xảy ra vụ vỡ nợ đầu tiên của 1 công ty tư nhân năm 2014, động lực chính trị để cứu vớt các công ty tư nhân đã giảm đi rất nhiều.

Áp lực đang ngày càng gia tăng và các trái chủ phải tự tìm lấy giải pháp. "Bước tiếp theo là hãy nhìn xem các công ty tư nhân có thể tự tìm ra đường sống hay không", Ivan Chung – chuyên gia phân tích tại Moody’s nhận định. Ông kêu gọi các công ty hãy cung cấp nhiều thông tin hơn cho nhà đầu tư, bởi về dài hạn thì tăng tính minh bạch và cải thiện công tác quản trị doanh nghiệp là cách tốt nhất để lấy lại niềm tin của các định chế tài chính.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại