54 cán bộ bị xử lý do không trung thực về nguồn gốc tài sản tăng thêm

Hiếu Minh/VOV.VN |

Chính phủ cho biết có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng. 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Chính phủ vừa có báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Báo cáo cho thấy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, thực hiện nghiêm túc kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Công tác PCTN, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả hơn, để lại dấu ấn tốt, củng cố thêm niềm tin của nhân dân, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

54 cán bộ bị xử lý do không trung thực về nguồn gốc tài sản tăng thêm - Ảnh 1.

Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Ảnh minh hoạ: baochinhphu.vn

39 người đứng đầu, cấp phó bị kết luận là thiếu trách nhiệm

Đề cập việc xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ, Chính phủ cho biết các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 8.150 văn bản; huỷ bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung 1.938 văn bản về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Cùng với đó tiến hành 6.374 cuộc kiểm tra việc thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, phát hiện 300 vụ việc và 439 người vi phạm (tăng 28% số vụ và 38,1% số người vi phạm so với năm 2022); đã xử lý hành chính 129 người; chuyển xử lý hình sự 2 người; kiến nghị thu hồi 45,2 tỷ đồng, đã thu hồi được 37,4 tỷ đồng.

Báo cáo cũng cho biết đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức tại 7.651 cơ quan, tổ chức, đơn vị (tăng 67,1% so với năm 2022); kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 893 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp (số trường hợp vi phạm tăng 71,5% so với năm 2022). Có 23 trường hợp nộp lại quà tặng cho đơn vị, với số tiền 93 triệu đồng.

Trong kỳ đã có 60.458 người kê khai tài sản thu nhập lần đầu; 545.535 người đã kê khai hằng năm; 44.015 người đã kê khai bổ sung; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.

Kết quả xác minh tài sản, thu nhập năm 2022 là 13.093 người; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…; có 54 người bị xử lý do không trung thực trong việc kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm.

Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, báo cáo cho thấy, có 39 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng, trong đó có 11 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu đã bị xử lý hình sự do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng; 28 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng.

Ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh

Các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can. Đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can­­.

Viện kiểm sát các cấp thụ lý THQCT và kiểm sát điều tra 1225 vụ/3357 bị can (trong đó án mới 755 vụ/2315 bị can).

Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 614 vụ /1.467 bị cáo; đã giải quyết 476 vụ /1.115 bị cáo trong đó xét xử 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng.

Liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, Chính phủ thông tin số có điều kiện thi hành 3.258 việc với số tiền hơn 56.688 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.703 việc với số tiền hơn 19.818 tỷ đồng.

Trong năm 2023, những kết quả đạt được trong PCTN, tiêu cực là rất quan trọng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, nhất là các quy định về công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát xung đột lợi ích trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; cải cách hành chính, đổi mới công nghệ quản lý; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp…

Cùng với đó siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, thi hành án; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với cơ quan nhà nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại