Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến rõ rệt
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt được nhiều kết quả nổi bật, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Một trong những dấu mốc quan trọng trong việc đưa nội dung của Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống đó là việc trong năm 2022, 63 Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập và đi vào hoạt động ở tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ sau một năm các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả. Nhất là tại các địa phương sớm thành lập Ban chỉ đạo như Thanh Hóa, Hà Nội…công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực có nhiều chuyển biến rõ rệt, khắc phục bước đầu tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Nhiều địa phương đã khởi tố cả cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý như: Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam, Thanh Hoá, Đà Nẵng….
Ngày 4/11/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Cầm Bá Xuân, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Năm 2014, khi là Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân, ông Xuân đã ký quyết định chuyển mục đích sử dụng 5.000m2 đất rừng sản xuất tại xã Ngọc Phụng sang đất ở nông thôn, ký phê duyệt giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất thấp hơn giá quy định, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Phiên xét xử vụ án liên quan "chuyến bay giải cứu".
Với những sai phạm xảy ra tại Dự án Hạc Thành Tower, ở thành phố Thanh Hóa, 2 cán bộ nguyên lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa bị khởi tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", trong đó có ông Nguyễn Bá Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Như Xuân, nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa. Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án, Cơ quan điều tra khởi tố bị can, bắt tạm giam bà Đinh Cẩm Vân, nguyên Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa.
Đây chỉ là 2 trong số hàng loạt vụ việc có dấu hiệu tham nhũng ở Thanh Hóa được đưa ra trước pháp luật, thêm một lần nữa khẳng định quyết tâm, tất cả mọi hành vi sai phạm, làm trái pháp luật đều bị xử lý.
Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, sau một năm đi vào hoạt động, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Thanh Hóa đã đưa 15 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi chỉ đạo. Định kỳ hoặc khi cần thiết, Ban chỉ đạo, Thường trực Ban chỉ đạo họp, định hướng các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xác minh, điều tra, xử lý, nhất là tăng cường công tác phối hợp để tháo gỡ các khó khăn. Trước đây những vụ án này chưa có Ban chỉ đạo, đôn đốc không kịp thời, có những vụ án 2- 3 năm chưa giải quyết xong. Nay có Ban chỉ đạo việc đôn đốc được kịp thời, vướng đâu gỡ đó và có cơ chế phối hợp rất hiệu quả.
Nhờ đó, ngành Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử kip thời các vụ án này, qua đó nâng cao tác dụng giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung. Một năm qua, ngành Tòa án tỉnh Thanh Hóa đã xét xử 20 vụ, 64 bị cáo về các tội danh tham nhũng.
Còn tại thành phố Hà Nội - địa phương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh sớm nhất trong cả nước. Ngay sau khi đi vào hoạt động Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc, xây dựng chương trình và tiến hành kiểm tra, giám sát, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc trên địa bàn. Ban Chỉ đạo Thành ủy đã đưa 60 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Ban Chỉ đạo, Ban Chỉ đạo đã thống nhất kết thúc theo dõi, chỉ đạo 9 vụ án, vụ việc. Đến nay, còn chỉ đạo xử lý 51 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. các cơ quan tiến hành tố tụng Thành phố đã khởi tố, điều tra 70 vụ án/267 bị can phạm tội về tham nhũng, tiêu cực; truy tố 37 vụ án/83 bị can; xét xử sơ thẩm 32 vụ/192 bị cáo về các tội tham nhũng, tiêu cực.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng ban chỉ đạo Thành ủy về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho biết, riêng trong quý 1 năm 2023 đã phát hiện và bổ sung đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 24 vụ việc, vụ án xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trên địa bàn Hà Nội. Đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án vụ việc theo kết luận và kiến nghị của Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiêu cực và các cơ quan chức năng khác đã chỉ ra.
Xét xử vụ án xảy ra tại Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC), bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai và một số đơn vị liên quan.
Tại tỉnh Đồng Nai, trong 42 việc theo chỉ đạo của Đoàn kiểm tra BCĐ Trung ương về PCTNTC giao Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện trong hơn một năm qua, đến nay các cơ quan chức năng của tỉnh đã ra quyết định khởi tố 16 vụ án (trong đó đã khởi tố 18 bị can, kết luận điều tra 2 vụ, chuẩn bị xét xử 1 vụ), chuyển Bộ Công an 1 vụ và đang xác minh làm rõ, xử lý 22 vụ việc.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng BCĐ PCTNTC tỉnh nhận định, qua 1 năm hoạt động của Ban chỉ đạo, nhiều việc liên quan đến TNTC được thúc đẩy xử lý tốt hơn, tạo sự thống nhất trong nội bộ để xử lý một cách hiệu quả về TNTC: "Đồng Nai thúc đẩy 38 vụ việc, trong đó có 22 vụ việc Ban chỉ đạo tỉnh là kiểm soát, thúc đẩy 3 vụ việc là Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, xử lý. Các vụ án vụ việc đều được truyền thông tuyên truyền cho nhân dân, dư luận xã hội được biết quan điểm nội dung vấn đề về mức độ vi phạm như thế nào để người dân người ta cũng hiểu được bản chất của từng vụ án. Vụ việc vì sao phải xử lý như thế”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 10/5/2023
Không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn"
Mới đây tại Hội nghị sơ kết 1 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, chỉ trong một thời gian ngắn, sau khi có quyết định từ Trung ương tất cả 63/63 địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh. Các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ được giao, nhất là đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; tạo chuyển biến mới trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở; bước đầu khắc phục tình trạng "Trên nóng, dưới lạnh". Theo đó, các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã trực tiếp tiến hành gần 150 cuộc kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua kiểm tra, giám sát đã phát hiện nhiều sai phạm; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; Tính từ khi thành lập đến nay, các địa phương trong cả nước đã khởi tố 530 vụ án, 1.858 bị can về tội tham nhũng, tăng gấp 1,5 lần về số vụ án và tăng hơn 800 bị can so với năm 2021.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, có thể thấy, kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ở địa phương đã có sự chuyển biến rõ nét từ sau khi các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động; số vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố mới tăng cao số vụ, việc có tính chất nghiêm trọng, phức tạp và số cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu vi phạm bị phát hiện, xử lý cũng nhiều hơn, không còn tình trạng "nhẹ trên, nặng dưới", "hạ cánh an toàn" như trước đây; góp phần quan trọng từng bước khắc phục tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", giờ đây "trên nóng" dưới cũng ngày càng nóng lên. Đây cũng là câu trả lời thuyết phục nhất đối với những băn khoăn, lo lắng của một số cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.
Những kết quả sinh động trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở thành phố Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa cùng nhiều địa phương khác trong cả nước là minh chứng cụ thể cho sự cần thiết, đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của chủ trương thành lập Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, tiếp tục đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực nói chung lên tầm cao mới, qua đó đóng góp tích cực vào việc hoàn thành những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.