5 lý do khiến Iran “làm ngơ” trước xung đột tại Đông Ghouta (Syria)

Hồng Anh |

Trong khi Nga tích cực yểm trợ cho quân đội Syria tại Đông Ghouta thì Iran lại đứng ngoài cuộc và nhường phần việc khó khăn cho các đối tác.

Kể từ khi xúc tiến chiến dịch “Lá chắn thép” tại Đông Ghouta vào tháng 2/2018, quân đội chính phủ Syria đã nhận được sự yểm trợ đắc lực từ phía Nga, nhờ đó giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này cuối tháng 3. Tuy nhiên, Iran – một đồng minh chính của Syria trong cuộc chiến này lại đứng ngoài cuộc và để lại phần nhiệm vụ khó khăn cho cả Nga lẫn Syria. Vậy nguyên nhân nào khiến Iran bât ngờ có hành động “lạ” như vậy?

Iran đã thay đổi chính sách về Syria?

Iran từ trước đến nay luôn tuyên bố rằng sự can thiệp quân sự tại Syria mang bản chất hỗ trợ, cố vấn và được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Bashar al-Assad, song trong cuộc chiến tại Đông Ghouta lần này lại không có bất cứ thông tin gì về sự hiện diện của các chỉ huy quân đội Iran hoặc máy bay chiến đấu của Iran tại Đông Ghouta.

Câu hỏi đặt ra là liệu Iran có đang phá vỡ truyền thống kéo dài 7 năm trong đó ủng hộ chính phủ Syria chống lại phiến quân và các nhóm khủng bố? Đây có phải là sự thay đổi trong chính sách về Syria của Iran hay chỉ đơn thuần là một chiến thuật nhằm bảo vệ những mục tiêu đã được thiết lập sẵn? Theo giới quan sát, có 5 nguyên nhân chính khiến Iran không thể bước chân vào cuộc chiến này.

Sức ép từ Mỹ và Israel

Trước hết, cần phải nhắc lại rằng, chiến dịch quân sự quy mô lớn của Syria tại Đông Ghouta diễn ra chỉ một thời gian ngắn sau khi nước này bắn hạ máy bay F-16 của Israel. Vụ bắn hạ máy bay bị Israel coi là một phần trong “âm mưu” của Iran làm leo thang căng thẳng tại Syria, dẫn đến việc Israel tấn công căn cứ quân sự Iran tại Syria.

Và như vậy, bất cứ sự can thiệp quân sự mới nào của Iran đối với xung đột Syria, dù ở Đông Ghouta hay nơi nào khác sẽ bị Tel Aviv coi là cái cớ để tăng cường gây sức ép đối với Tehran, cũng như tiến hành các cuộc tấn công đối với các nhóm ủng hộ Iran hoặc ủng hộ chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.

Một nguyên nhân khác, mà theo chuyên gia về Trung Đông Hamidreza Azizi nhận định, có thể là Iran đang lo ngại sự trả đũa từ Mỹ. Iran nhận thức rõ rằng, sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sụp đổ tại Iraq và Syria, ảnh hưởng của Iran tại Syria luôn là mối quan tâm hàng đầu trong chương trình nghị sự của Mỹ.

Iran lo ngại Mỹ có thể dùng nhiều biện pháp để đẩy nước này ra khỏi Syria. Mối lo này không phải là không có căn cứ bởi Mỹ từ trước đến nay vẫn luôn mạnh miệng cáo buộc Iran, Nga, Mỹ không kích sát hại người dân tại Syria. Việc tránh xa chiến địa Đông Ghouta cũng ngầm được hiểu là Iran đang hỗ trợ Syria, vì Mỹ sẽ không có cớ nhảy vào cuộc chiến, để dễ dàng thực hiện các chiêu bài, theo đó tấn công quân sự nhằm cản trở tiến bộ của quân đội Syria.

Cân bằng lợi ích với Nga, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

Tình hình tại Đông Ghouta hiện nay đang nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là vấn đề nhân đạo. Điều đó đồng nghĩa với việc đơn thuần sử dụng vũ lực sẽ không phải là một lựa chọn mang tính khả thi mà hơn hết cần phải tạo ra được thỏa thuận khiến phiến quân tự động rút lui.

Tuy nhiên, không giống Nga, Iran không thể hoặc không có thiện chí đối thoại hay tạo ra các kênh liên lạc hiệu quả với những nhóm phiến quân ở Đông Ghouta, do vậy không thể cố vấn về mặt chính trị một cách hiệu quả. Trong tình huống này, trọng trách thỏa hiệp với phiến quân được giao lại cho Nga.

Liên quan đến vai trò ngoại giao, trong khi Nga đang nỗ lực ngăn chặn nghị quyết ngừng bắn của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại Đông Ghouta, thay thế nghị quyết này bằng dự thảo nghị quyết do chính Nga soạn thảo cho phép tiếp tục các hoạt động quân sự tại Đông Ghouta chống khủng bố, thì trái lại Iran lại chịu sức ép của Liên Hợp Quốc vì can dự vào cuộc xung đột Yemen.

Cho nên, bất kỳ sự can thiệp sâu hơn của nước này tại Syria sẽ bị phương Tây sử dụng làm bằng chứng cho thấy Iran đang “phá hoại nền hòa bình trong khu vực”. Sự vắng bóng của Iran trên chiến trường Đông Ghouta không chỉ tạo điều kiện cho Nga thúc đẩy nghị quyết kéo dài hoạt động quân sự mà còn giúp phong tỏa một nghị quyết khác của Liên Hợp Quốc lên án vai trò của Iran tại Yemen.

Cuối cùng, hoạt động quân sự của Nga và quân đội Syria giải phóng Đông Ghouta, trùng với thời điểm Thổ Nhĩ Kỳ đang tiến hành chiến dịch tấn công người Kurd tại thị trấn Afrin (Syria). Trong trường hợp này, Iran cần phải giữ thế trung lập bởi quan hệ giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga hiện nay đang ở một bước ngoặt mới, ngày càng gắn bó mật thiết với nhau về mặt lợi ích và là trục quan trọng trong các cuộc đàm phán tại Astana (Kazakhstan). Nếu can thiệp trong cuộc chiến tại Đông Ghouta, Iran tất yếu cũng sẽ phải tham dự vào cuộc chiến tại Afrin. Điều này sẽ không có lợi cho Iran.

Theo một số nhà phân tích, Iran có thể đã nhất trí thông qua một số điều khoản tại Afrin và Đông Ghouta để giành được sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các hoạt động của chính phủ Syria tại ngoại ô phía đông thủ đô Damascus, trong đó có Đông Ghouta.

Dựa trên những diễn biến bên trong và bên ngoài cuộc xung đột tại Syria, giới quan sát cho rằng việc Iran đứng ngoài cuộc chiến tại Đông Ghouta nhằm đảo bảo những lợi ích lâu dài của nước này cũng như các đối tác tại Syria, chứ không phải là sự đảo ngược chính sách về Syria mà Iran theo đuổi bấy lâu nay./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại