Bốn phút là đủ để Trump trở thành người bảo vệ của trật tự thế giới
Thứ năm vừa qua, Tổng thống Mỹ đã gạt lập trường "hạn chế can thiệp" của mình sang một bên và giành được thắng lợi chính trị đầu tiên bằng đòn tấn công bất ngờ trực tiếp vào chế độ của Bashar Al Assad.
59 quả tên lửa Tomahhawk đã dội xuống Căn cứ quân sự Sheyrat (tỉnhHoms, Syria) để đáp trả vụ 86 người thiệt mạng do vũ khí hóa học trước đó 2 ngày.
Đòn tấn công này làm căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Nga, đồng thời cũng đưa ra thông điệp rõ ràng tới Iran và Triều tiên: Mỹ sẽ ra đòn đối với ai đi quá giới hạn. Bằng hành động này, Trump đã nhận được sự hoan nghênh rộng rãi cả trong và ngoài nước Mỹ.
Vị tỷ phú Mỹ này đã biến tính cách khó lường của mình thành một thứ vũ khí lợi hại. Trong nhiều năm, ông đã phản đối bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Al Assad.
Tháng 8/2013, khi Obama đang cân nhắc khả năng đáp trả quân sự đối với Syria sau khi xảy ra vụ 1400 dân thường thiệt mạng ở ngoại ô thủ đô Damascus cũng do vũ khí hóa học, ông Trump đã phản đối việc tấn công Syria bằng tuyên bố:"Chúng ta sẽ chẳng được gì cả ngoài những điều tồi tệ!"
Lập trường này cũng xuyên suốt quá trình tranh cử Tổng thống của ông. Thậm chí, ngay trong tuần này, bà Nikky Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc cũng nói thẳng: "Chúng tôi tự lựa chọn những cuộc chiến của mình, và ưu tiên của chúng tôi không phải là loại bỏ Al Assad!"
Luôn nhất quán và lặp đi lặp lại nhiều lần, dường như không gì có thể thay đổi học thuyết hạn chế can thiệp này của Trump cho đến hôm thứ Ba vừa rồi. Hình ảnh những đứa trẻ bị chết ngạt bởi khí độc ở Syria đã khiến ông thay đổi hoàn toàn thái độ với Al Assad vì ông cho rằng "Thật khủng khiếp, Assad đã vượt xa các giới hạn".
Từ lúc đó, khả năng đáp trả bằng quân sự bắt đầu được tính đến. Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson đã có một bài phát biểu cứng rắn và Lầu Năm Góc thừa nhận việc nghiên cứu khả năng can thiệp quân sự. Nhưng không ai nghĩ rằng cuộc tấn công lại diễn ra nhanh đến vậy. Washington đã áp dụng triệt để yếu tố bất ngờ.
Hội đồng An ninh Quốc gia đã bí mật đưa ra 3 phương án tấn công Syria. Ông Trump chọn phương án ít gây thương vong nhất một cách cũng kín đáo và tiếp tục lịch làm việc của mình.
Tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Porter (DDG 78) bắn tên lửa từ Địa Trung Hải nhằm vào Syria ngày 7/4. Ảnh: Reuters
Thứ Năm vừa qua, ông Trump đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình tại dinh thự Mar-a-Lago của ông. Một tiếng sau bữa tiệc chiêu đãi người đồng cấp Trung quốc và không thông báo với Quốc hội, cuộc tấn công bắt đầu. Lúc đó là 8h40 tối. Trong 4 phút đồng hồ, các quả tên lửa Tomahawk đã phá hủy các kho nhiên liệu, kho đạn, hệ thống phòng không và ra đa của căn cứ Sheyrat.
Mục tiêu bị tấn công có ý nghĩa chính trị và quân sự. Đó là nơi cất cánh của những máy bay đã ném những quả bom hóa học xuống Jan Sheijun. Căn cứ hầu như bị phá hủy hoàn toàn, trừ những kho chứa vũ khí hóa học.
"Mục đích của cuộc tập kích này là loại bỏ khả năng vận chuyển vũ khí hóa học chứ không phải là phá hủy những vũ khí này, vì phá hủy chúng cũng sẽ rất nguy hiểm bởi có thể gây ra nhiều thương vong".
Nga cũng được thông báo trước về vụ tấn công. Không có nhân viên quân sự nào của Nga bị thương vong. 6 lính Syria bị chết. Thống đốc tỉnh Homs thông báo là có 16 người bị chết, trong đó có 4 trẻ em.
Ngay sau cuộc tấn công, ông Trump đã thông báo với nhân dân Mỹ và quy trách nhiệm vụ thảm sát cho Tổng thống Syria mà Trump gọi là "tên độc tài Al Assad"
Bằng việc này, Trump đã vạch ra chính sách tương lai đối với Syria. Sau khi hủy bỏ chính sách dích – dắc của Barack Obama, ông Trump khẳng định "vì an ninh quốc gia", ông sẽ không nhân nhượng với vũ khí hóa học.
"Nhiều năm cố gắng thay đổi hành vi của Al Assad đã trở thành vô nghĩa. Hậu quả là, cuộc khủng hoảng người tị nạn trở nên trầm trọng hơn, khu vực vẫn tiếp tục bất ổn và đe dọa đến an ninh của Mỹ và các đồng minh"- ông Trump nhấn mạnh. Cuối cùng, ông kêu gọi "các nước văn minh" tiếp tục cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố và phá hủy "cối xay thịt" tại Syria.
Thắng lợi chính trị đầu tiên của Trump
Ý nghĩa của cuộc tập kích sau lưng Liên Hợp Quốc này có nhiều. Những quả tên lửa hành trình đã vạch ra một con đường không lối thoát đối với Syria. Và, đây là lần đầu tiên sau 6 năm xung đột, với 320.000 người chết và 10 triệu người mất nhà cửa, Mỹ đã tấn công Syria.
Quan hệ với Moscow trở nên phức tạp hơn. Trump luôn là người tỏ ra ngưỡng mộ Putin. Theo lời Trump, Tổng thống Nga là hình mẫu của một lãnh đạo quyết đoán và luôn bảo vệ đến cùng các lợi ích quốc gia.
Đại sứ Nga tại LHQ Vladimir Safronkov cảnh báo sau khi Mỹ tấn công sân bay của Syria: "Những người khởi xướng hành động thảm kịch (tấn công Syria) như vậy sẽ phải gánh mọi trách nhiệm". Ảnh: TTXVN/THX
Cùng với Putin, ông Trump đã quyết định tập trung chiến lược của mình tại Syria, không phải ở các vấn đề nhân đạo,mà là ở quyết tâm quét sạch các căn cứ của Nhà nước Hồi giáo (IS). Con đường tiến tới sự hợp tác này sẽ được xác định vào tuần tới bằng chuyến đi của ông Tillerson tới Moscow, nhưng con đường đó đã bị cắt ngang bởi vụ tấn công hóa học nói trên.
Nga đã phủ nhận tất cả các bằng chứng về sự dính líu của Chính phủ Syria trong vụ tấn công hóa học này. Sau khi tố cáo "sự can thiệp bất hợp pháp của Mỹ", Kremlin đã hủy sự hợp tác không quân với Mỹ tại Syria và tuyên bố sẽ tăng cường khả năng phòng thủ của không quân Syria và lên án Washington tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, Lầu năm góc nhấn mạnh rằng việc thông báo trước với Nga về vụ tập kích chứng tỏ sự trao đổi liên lạc vẫn cởi mở và khẳng định rằng đó sẽ là cuộc tấn công "duy nhất" để tránh những vụ tương tự trong tương lai.
Nhưng tại Trung Đông, nơi mà sau mỗi vụ tấn công lại kích hoạt cho một vụ tấn công lớn hơn, ẩn số vẫn chưa được biết. Không nghi ngờ gì nữa, đáp án sẽ đến từ Syria, nơi có sự hiện diện của 900 lính Mỹ đang thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố, nhưng đáp án cũng cần phải tìm ở Mỹ.
Nhiệm kỳ của Trump mới được 79 ngày và ông là vị Tổng thống bị đánh giá thấp nhất so với các Tổng thống Mỹ khác có cùng thời gian tại vị. Vụ đáp trả Syria bằng tên lửa là vụ đặt cược đầy rủi ro. Ông đã gạt bỏ lập trường "hạn chế can thiệp" của mình và đã nhẩy cả người vào "lò lửa Trung Cận Đông".
Một làn sóng khổng lồ phản đối vụ tấn công bằng vũ khí hóa học đã ở bên ông. Những người ủng hộ của cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều ủng hộ ông. Kể cả những Thượng nghị sĩ đã từng chỉ trích ông kịch liệt như John McCain cũng thể hiện sự đồng lòng với ông cho những cuộc tác chiến trong tương lai.
Trên trường quốc tế, Khối NATO, Hội đồng Châu Âu, Anh , Đức, Pháp, Tây Ban Nha và nhiều nước khác đã ủng hộ ngay việc đáp trả này. Chưa bao giờ ông được hoan nghênh như vậy. Trump đã giành được thắng lợi đầu tiên.
Bài viết thể hiện góc nhìn của tác giả Jan Martinez Ahrens, Phó Tổng biên tập báo El Pais (Tây Ban Nha).