Tấn công Syria, Trump đang dùng chiêu "giết gà dọa khỉ" với Triều Tiên

Nam Nguyễn |

Tiến hành không kích Syria trong lúc tiếp đón Tập Cận Bình, Trump đang phát đi tín hiệu: Mỹ sẽ ra tay nếu Trung Quốc không kiềm chế Triều Tiên.

Các chuyên gia nhận định, việc Washington tiến hành không kích Syria trong lúc tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dùng bữa ở Florida không chỉ phát đi thông điệp cứng rắn với Triều Tiên, mà còn nhằm gia tăng sức ép lên Trung Quốc.

Giới quân sự Mỹ đã ca ngợi việc phóng hơn 50 quả tên lửa Tomahawk vào không phận Syria là một "thông điệp rõ ràng và dứt khoát" tới các đối thủ của Mỹ trên thế giới, bao gồm Nga, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Chuyên gia quân sự Ni Lexiong (Thượng Hải) nhận định, cuộc không kích là một bước đi có tính toán, không chỉ nhắm vào Syria và đồng minh chủ chốt Nga, mà còn cả Trung Quốc.

"Trump muốn nói với Tập rằng, nếu Bắc Kinh không giúp kiềm chế Triều Tiên, Bình Nhưỡng sẽ phải gánh chịu hậu quả tương tự", ông nói.

Tuy nhiên, Hwang Jae-ho, chuyên gia về Đông Bắc Á của đại học Hankuk, Hàn Quốc cho rằng, Bắc Kinh sẽ không ngồi nhìn Mỹ tấn công Bình Nhưỡng.

Theo ông, Triều Tiên có vai trò chiến lược quan trọng với Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa nước này và Hàn Quốc đang trở nên căng thẳng do kế hoạch triển khai hệ thống đánh chặn tên lửa của Mỹ trên bán đảo Triều tiên.

"Xét đến quan hệ đang xấu đi giữa Bắc Kinh và Seoul, Bắc Kinh sẽ không từ bỏ Bình Nhưỡng. Giá trị chiến lược của Triều Tiên vẫn lớn hơn gánh nặng họ tạo ra cho Trung Quốc", Hwang nói.

Hua Liming, cựu đại sứ Trung Quốc ở Iran nhận định, chưa chắc lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un sẽ chùn bước và dừng hoạt động khiêu khích của mình.

"Cuộc không kích là một thông điệp cứng rắn với Triều Tiên. Nó cho thấy Mỹ đủ khả năng phát động tấn công quân sự với Bình Nhưỡng nếu căng thẳng tiếp tục leo thang ở bán đảo Triều Tiên", Hua nói.

Nhưng ông cho biết thêm, thông điệp trên có thể phản tác dụng nếu Bình Nhưỡng vẫn nghĩ Washington không thể cùng lúc tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận.

Dưới thời tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, Washington đã âm thầm từ bỏ học thuyết quân sự có tuổi đời hàng thập kỷ về việc quân đội Mỹ phải có khả năng tiến hành hai cuộc chiến tranh ở hai nơi khác nhau trên thế giới cùng một lúc.

Động thái này được xem là kết quả của việc cắt giảm ngân sách quốc phòng và suy giảm năng lực của Mỹ.

Bất chấp thông điệp phủ đầu quân sự của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trong chuyến thăm Đông Á vào tháng trước, Bình Nhưỡng vẫn phóng thử tên lửa vào hôm 5/4.

Điều này làm dấy lên quan ngại rằng, Triều Tiên có thể hoàn thiện công nghệ cần thiết trong vòng từ 2 đến 3 năm để tấn công New York và Washington, với tên lửa đạn đạo liên lục địa được trang bị đầu đạn hạt nhân.

Zhang Tuosheng, giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách đối ngoại thuộc Quỹ nghiên cứu quốc tế và chiến lược Trung Quốc, nhận định sự kiên nhẫn "chiến lược" của Obama với Triều Tiên đã dẫn đến thất bại trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Vì thế, bằng việc tấn công Syria, Trump muốn gửi đi một thông điệp mới: Ông sẽ không ngồi đợi Triều Tiên thay đổi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại