35 và 52 mục tiêu, Mỹ và Iran có trên "miệng hố chiến tranh"?
Người Mỹ đã lấy mạng Tướng Qassem Souleimani, lãnh đạo Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), nhân vật được cho là quan trọng nhất trong lịch sử 40 năm kể từ khi cuộc cách mạng Iran 1979 hôm 3/1/2020.
Lãnh đạo tối cao Khamenei đã thề sẽ "trả thù", cờ đỏ "ai sẽ trả nợ máu cho al-Hussein" đã được kéo trên nóc thánh đường Jamkaran, hàng nghìn người Iran đang than khóc cho cái chết bất ngờ tại Iraq của vị tướng "khét tiếng" của IRGC.
Tư lệnh lực lượng Vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) ở tỉnh Kerman, miền Nam Iran, Tướng Gholamali Abuhamzeh tuyên bố 35 mục tiêu của Mỹ ở Trung Đông cũng như Tel Aviv (thủ đô Israel) đều "nằm trong tầm hủy diệt" của Iran.
Tổng thống Mỹ Donald Trump thì phản ứng bằng cảnh báo sẽ tấn công 52 mục tiêu ở Iran nếu như nước này tấn công bất cứ người dân hay tài sản nào của Mỹ.
"Chúng tôi đã... nhắm vào 52 địa điểm của Iran (đại diện cho 52 con tin người Mỹ bị Iran bắt giữ từ nhiều năm trước), một số ở cấp độ rất cao và quan trọng đối với Iran" và "nếu Iran tấn công bất kỳ người Mỹ hoặc tài sản nào của Mỹ... chính Iran sẽ bị tấn công rất nhanh và mạnh".
Bài báo về cái chết của Tướng Souleimani trên tờ The New York Times hôm 3/1/2020 và bài báo về vụ ám sát vợ chồng Thái tử Áo - Hung Franz Ferdinand ngày 28/6/1914.
Nhiều nhà bình luận đang liên tưởng tới viễn cảnh một cuộc thế chiến và ví cái chết của Tướng Souleimani như vụ ám sát của Thái tử Áo-Hung Ferdinand, lý do châm ngòi cho Thế chiến I. Còn trên mạng xã hội Twitter, hastag #WWIII đang là một xu hướng mới.
Iran liệu có phản ứng bằng một loạt các cuộc tập kích vào 35 mục tiêu của Mỹ và sử dụng các lực lượng ủy nhiệm ở Trung Đông như họ tuyên bố hay không?
Vượt qua suy đoán của các nhà bình luận, một lý do lớn và mạnh mẽ nhất ngăn cuộc chiến diễn ra dựa theo "sự thật lạnh lùng" rằng Iran không muốn chiến tranh với đối thủ có sức mạnh vượt trội so với mình.
Cuộc chiến tranh nổ ra sau nỗ lực trả thù chắc chắn sẽ gây thiệt hại to lớn cho Cộng hòa Hồi giáo Iran. Ngay cả khi cuộc "chiến tranh tiêu hao" gây thiệt hại cho binh lính và ngân khố của Mỹ (như những gì đã diễn ra ở Afghanistan và Iraq) thì Iran vẫn sẽ là kẻ thiệt hại nặng hơn.
Đó là tất cả những gì mà Tehran đã cố gắng tránh trong nhiều thập kỷ. Các lãnh đạo Iran thường coi mình là những nhà "tư tưởng-chiến lược", có khả năng "nắm thóp" và dự đoán những bước đi tiếp theo của đối thủ.
Cờ đỏ kêu gọi trả thù cho Tướng Souleimani không những bay trên nóc thánh đường Jamkaran mà còn trong các cuộc biểu tình của người dân Iran.
Người Iran đã "chiếu bí" TT Trump như thế nào?
Với mục tiêu giảm bớt trừng phạt kinh tế sau khi TT Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân vào tháng 5/2018 và bị chi phối bởi tâm lý cho rằng ông Trump sẽ cố gắng tránh chiến tranh, Iran tiếp tục thử kiên nhẫn của Mỹ bằng những hành động ngày càng dữ dội hơn.
Ban đầu, Tehran đã cố gắng chờ đợi việc Mỹ và các đồng minh nới lỏng các lệnh trừng phạt, nhưng sau một quãng thời gian dài, họ quyết định hành động.
Tehran đã tính đến việc kích động người Mỹ ở mức không trở thành lý do cho một cuộc chiến nhưng đủ để tạo ra một cuộc khủng hoảng và thúc đẩy sự can thiệp ngoại giao quốc tế để cả hai bên phải nhượng bộ. Đăc biệt là Mỹ phải giảm bớt các lệnh trừng phạt.
Tháng 5/2019, một loạt cuộc tấn công của những kẻ giấu mặt nhằm vào các tàu chở hàng trong vùng biển quốc tế, nhưng những "kẻ thủ ác" đã rất cẩn thận để tàu thuyền không bị đánh chìm hoặc gây thiệt mạng cho bất kỳ người nào.
Khi đợt khiêu khích đầu tiên không nhận được phản ứng của người Mỹ, Iran đã bắn hạ một máy bay không người lái (UAV) RQ-4A Global Hawk của Hải quân Mỹ.
Vào những phút cuối của một cuộc tập kích trả đũa, TT Trump đã ra lệnh ngưng nổ súng và tuyên bố một "lằn ranh đỏ": Bất kỳ người Mỹ nào thiệt mạng do bàn tay Iran sẽ mới có phản ứng quân sự tương ứng.
Tháng 9/2019, một cuộc tập kích lớn bằng UAV và tên lửa hành trình vào các cơ sở khai thác dầu của Saudi được cho là "nước cờ" tiếp theo của Iran. Người Mỹ chuyển quân sang Arab Saudi , nhưng một lần nữa không phản ứng trả đũa bằng quân sự.
Cuối cùng để "chiếu bí" người Mỹ, các nhóm dân quân trung thành với Iran ở Iraq, đặc biệt là Kata'ib Hezbollah đã phát động một loạt các cuộc tấn công bằng rocket vào các cơ sở của Mỹ ở Iraq.
Đỉnh điểm của nó là cái chết của một nhà thầu quân sự Mỹ, một số cảnh sát và binh sĩ Iraq và làm bị thương bốn lính Mỹ đã kích hoạt hành động trả đũa bằng cuộc không kích khiến 25 chiến binh Kata'ib Hezbollah thiệt mạng và 55 người khác bị thương hôm 29/12/2019.
Rõ ràng Iran đã thực hiện một quá trình có tính hệ thống nhằm kiểm tra "giới hạn" của người Mỹ và khi "lằn ranh đỏ" của ông Trump bị vượt qua, phản ứng bằng hành động quân sự là điều tất yếu.
Lực lượng dân quân Iraq Kata'ib Hezbollah trong một buổi duyệt binh.
Ông Trump đã bị Iran "dắt mũi"?
Vào tháng 7/2019, TT Mỹ Donald Trump đã viết trên twitter của mình: "Người ta phải nhớ rằng Iran không bao giờ giành chiến thắng trong chiến tranh, nhưng chưa bao giờ thua trong cuộc đàm phán".
Trong tình thế Đại sứ quán Mỹ bị những người biểu tình bạo lực Iraq bao vây ở Baghdad hôm 31/12/2019, chính quyền Trump tuyên bố họ đã nhận được thông tin đáng tin cậy rằng Tướng Soleimani đang âm mưu tấn công vào lợi ích và người Mỹ ở Iraq.
Bằng chứng cho cáo buộc này chưa bao giờ được công khai trước truyền thông, nhưng sự hiện diện của Tướng Soleimani cùng lãnh đạo dân quân Shia Iraq thân Iran Abu Mahdi al-Muhandis làm tăng thêm những nghi ngờ rằng cuộc tập kích sẽ sớm diễn ra.
Việc cả hai đều thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng UAV của Mỹ hôm 3/1/2020 và một số lãnh đạo khác của dân quân Iraq có thể đã thiệt mạng trong một cuộc tấn công sau đó vào đêm 4/1/2020 đã chứng minh rằng Iran đã gây áp lực đủ lớn để TT Mỹ phải ra các quyết định "cứng rắn".
Mặc dù cái chết của Tướng Soleimani là một "đòn đả phá" mạnh nhất vào bộ máy chính trị Iran (mà Mỹ có thể đã gây ra bên ngoài lãnh thổ Iran) thì Tehran cũng nhận ra rằng hành động trả đũa tiếp theo của Iran sẽ đối mặt với một phản ứng thậm chí còn tàn khốc hơn của người Mỹ.
Có thể ông Trump vẫn tiếp tục không muốn chiến tranh toàn diện nổ ra, nhưng canh bạc đó rủi ro hơn nhiều so với tuần trước, tháng trước hoặc năm ngoái.
Nhưng như ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nghiêm túc nói rằng Mỹ hiện đang tìm cách giảm leo thang và hạn chế trả đũa.
Lựa chọn thông minh nhất của Iran lúc này là chớp cơ hội do cuộc tấn công "thiếu thiện cảm" gây ra cái chết của Tướng Soleimani, nhận được sự ủng hộ quốc tế lẫn trong nước và sử dụng chúng trên bàn đàm phán chứ không phải là tấn công trả thù.
Cái chết của Tướng Soleimani có thể là cơ hội cho một "khoảng lặng" dài trong chuỗi leo thang căng thẳng giữa Iran và Mỹ và giúp cả hai tìm ra một chiến lược mới khiến Trung Đông và có thể là cả thế giới không lâm vào một cuộc xung đột tàn khốc mới.
"Đám đông dài hơn 30 km, đổ ra trên các đường phố của Ahvaz, Iran hôm chủ nhật để đưa tang Tướng Suleimani" (Tờ The New York Times bình luận).