Kyodo bình luận, đây là hành động nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Hiện chưa rõ ba tàu chiến của Mỹ có tiến hành hoạt động tuần tra khẳng định quyền tự do hàng hải ở khu vực 12 hải lý quanh các đảo đá mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi pháp-PV) trên biển Đông hay không.
Hải quân Mỹ tuyên bố "sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh trên biển", đối đầu với "những hành vi hải tặc và hành vi vi phạm, thách thức luật quốc tế".
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, ba chiến hạm được huy động là USS Spruance (DDG 111), USS Decatur (DDG 73) và USS Momsen (DDG 92), xuất phát từ Trân Châu Cảng ở Hawaii, Mỹ hôm 27/4 và bắt đầu hoạt động trên biển Đông từ 22/6.
Các tàu này tiến hành tuần tra biển Đông như một phần của hoạt động triển khai của Nhóm tác chiến mặt trận Thái Bình Dương (PAC SAG) ở châu Á-Thái Bình Dương.
Manuel Hernandez - Sĩ quan chỉ huy trên tàu Spruance - cho biết hôm 21/6: "Tàu Spruance đang hoạt động ở biển Đông để gìn giữ an ninh hàng hải và sự ổn định của tất cả quốc gia, đặc biệt là các nước châu Á-Thái Bình Dương."
Các sĩ quan giám sát hoạt động trên mặt biển trong cuộc tuần tra biển Đông trên tàu khu trục USS Spruance (DDG 111). (Ảnh: U.S. Navy/MC2 Will Gaskill)
Theo Kyodo, trong tháng 6 này hai nhóm tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan và USS John C. Stennis đã diễn tập quân sự cùng nhau sau gần 2 năm ở vùng biển quốc tế gần Philippines với mục tiêu gia tăng sức ép kiềm chế Trung Quốc.
Bộ ngoại giao Trung Quốc lên tiếng chỉ trích Mỹ điều tàu chiến, máy bay quân sự hiện đại để áp sát các đảo nhân tạo (mà Bắc Kinh xây trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam-PV).
Bắc Kinh gọi việc Washington kêu gọi đồng minh tham gia tập trận và tuần tra chung trên biển Đông "mới là hành động quân sự hóa", "là thùng thuốc súng".
Tình trạng căng thẳng về quân sự tiếp diễn trên biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc đẩy nhanh chiến dịch vận động hành lang về ngoại giao nhằm chống lại một phán quyết bất lợi từ Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện yêu sách "đường chín đoạn" của nước này.