Cách đây không lâu, vụ việc một thiếu nữ 17 tuổi ở Quảng Châu suýt mất mạng sau khi bị lấy 21 trứng trong một lần bán đã khiến dư luận Trung Quốc đặc biệt chú ý.
Nhân vụ việc này, một nữ phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc đã vào vai một cô gái đi… bán trứng để tiếp cận thị trường chợ đen, chuyên buôn bán trứng của các cô gái trẻ.
Theo thống kê trong năm 2015, số lượng phụ nữ Trung Quốc trong độ tuổi sinh đẻ vì gặp vấn đề về sinh sản, không thể mang thai đã vượt quá con số 40 triệu trong khi số lượng người cần hỗ trợ để có thai là 3 triệu.
Thực tế này đã khiến cho ngân hàng trứng chính quy ở đất nước đông dân nhất thế giới luôn trong tình trạng cung không đủ cầu.
Trong một khách sạn sang trọng ở Bắc Kinh, hai bên bán và mua trứng gặp nhau thương lượng.
Thế nên, thị trường chợ đen càng có cơ hội hoạt động nhộn nhịp. Hiện tại, với những người dân bình thường, việc liên hệ với một đơn vị cung cấp trứng bất hợp pháp dễ như trở bàn tay.
Gần trung tâm y học sinh sản thuộc bệnh viện nhân dân số 3 Bắc Kinh trên đường Hoa Viên, quận Hải Điên, những tấm biển quảng cáo với nội dung "tặng trứng", "cung cấp trứng", "đẻ thuê"… xuất hiện nhan nhản bên lề đường và hai bên sườn cầu vượt.
Trong khi đó trên mạng, chỉ cần gõ từ khóa "tặng trứng", "quyên trứng" hay "mua trứng", kết quả hiển thị liên quan đủ để khiến người cần tìm… hoa mắt.
Thông tin quảng cáo "bán trứng", "tặng trứng", "đẻ thuê"... xuất hiện đầy trên đường phố Bắc Kinh.
Nếu muốn mọi chuyện dễ dàng hơn, những người cần trứng có thể nhờ đến môi giới với giá trọn gói từ 20.000 – 60.000 NDT (tương đương từ 70 đến hơn 200 triệu đồng).
Trên một số diễn đàn của các trường đại học thậm chí cũng xuất hiện không ít những lời quảng cáo với nội dung "mong những người hảo tâm quyên trứng" và sẽ nhận được tiền bồi dưỡng từ 10.000 – 30.000 NDT.
Một người chuyên làm nghề môi giới bán trứng được phóng viên vào vai ‘bên bán’ tiếp cận, khai thác thông tin đã tiết lộ rằng, họ thường sắp xếp cho người mua và người bán trứng gặp nhau trước khi người bán đến kỳ kinh nguyệt một thời gian.
Sau khi hai bên bàn bạc thống nhất, khi đến kỳ kinh sẽ bắt đầu tiêm thuốc kích trứng từ 10-13 ngày cho đến khi lấy được trứng ra khỏi cơ thể người bán.
Theo điều tra của phóng viên báo Thanh niên Trung Quốc, tham gia vào công việc này phần đông là học sinh sinh viên và những phụ nữ trẻ có thu nhập thấp.
Một cuộc thương lượng giữa người mua, kẻ bán và môi giới tại một khách sạn.
"Vì kiếm tiền tương đối nhanh nên nhiều người vẫn tự nguyện. Có những người bán trứng đến 3-4 lần, sau 3 tháng lại có thể tiếp tục nhưng để đảm bảo chất lượng trứng, chúng tôi khuyến cáo người bán 6 tháng sau mới lấy lại", người môi giới cho hay.
Khi được bên môi giới bố trí gặp người "mua hàng" tại một khách sạn ở Bắc Kinh, nữ khách hàng chỉ xác nhận đơn giản, ngắn gọn trình độ học vấn, tuổi tác của phóng viên rồi nhanh chóng đưa cô đến một bệnh viện gần đó để siêu âm.
Người khách này nói với phóng viên, bên môi giới thường có bệnh viên tư giúp họ hoàn tất mọi việc, từ A đến Z. Tuy nhiên, người này cho biết cô ta không sử dụng dịch của bệnh viện do môi giới giới thiệu mà chọn lựa bệnh viện chính quy để đảm bảo an toàn tính mạng.
Thiếu nữ họ Trần, 17 tuổi ở Quảng Châu đã suýt chết sau một lần bán trứng, lấy trứng ở phòng khám tư.
Khi phóng viên hỏi có cần phải ký thỏa thuận gì không, đối phương cho biết nếu muốn ký thỏa thuận cũng được nhưng có một yêu cầu, đó là phóng viên phải từ bỏ mọi quyền liên quan đến đứa trẻ mà sau này phóng viên sinh ra.
Mặc dù có trao đổi một số chuyện nhưng người này không tiết lộ cô ta đã trả cho môi giới bao nhiêu tiền và cũng không biết trung gian trả cho phóng viên bao nhiêu.
Dường như cảm nhận được thái độ do dự của phóng viên, vị khách cho biết cô đã từng gặp 5-6 cô gái trẻ nhưng họ chỉ xinh đẹp chứ chưa đáp ứng đủ các điều kiện mà cô ta yêu cầu.
"Tôi thấy cô không giống họ lắm, học đại học nên cũng khác. Cô cứ nghĩ thế này, thứ nhất cô có thể kiếm được một khoản tiền, thứ hai là có thể giúp đỡ được người khác, giúp gia đình họ hạnh phúc", nữ khách hàng nói.