LTS:
Cuối tháng 7, dư luận thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc gần như bùng nổ bởi bài viết tiêu đề "Bắc Kinh có 20 triệu người đang sống giả tạo", đăng hôm 23/7 trên blog cá nhân của nhà văn ăn khách Trương Ngũ Mao, tên thật là Trương Quốc Thần, sinh năm 1981.
Bài viết gắn cho thành phố Bắc Kinh những đánh giá tiêu cực - không có tình người, người Bắc Kinh nhàn hạ vì có nhà cửa ông bà để lại, hơn 20 triệu người Bắc Kinh đang sống giả tạo... và đặt ra câu hỏi nóng bỏng: Bắc Kinh là thành phố của ai?
Bài viết vấp phải phản ứng lớn trong dư luận Trung Quốc với hơn 5 triệu lượt xem chỉ qua một đêm, và thu hút hơn 100.000 bài viết phản biện lẫn chỉ trích gay gắt. Các cơ quan truyền thông của đảng và nhà nước Trung Quốc đã phải vào cuộc nêu rõ lập trường để làm dịu sự giận dữ từ người dân Bắc Kinh.
Dưới đây, chúng tôi xin gửi tới quý độc giả nội dung bài viết này.
[Tôi] thường xuyên bị bạn bè chê cười: Người Bắc Kinh lắm tiền, sống ảo, kém nhiệt tình. Nếu đã cùng đến một thành phố thì sao không tụ tập? Quen biết mấy chục năm mà cũng không tiễn bạn ra sân bay? Trên thực tế, người Bắc Kinh rất khó nhiệt tình giống như người ngoại tỉnh. Những việc đưa đi đón về, "tháp tùng" cả hành trình... thì người Bắc Kinh đúng là rất khó làm được.
Tới tận khuya, Bắc Kinh vẫn tắc đường. Ảnh: Sixth Tone
Người Bắc Kinh rất bận rộn, bận tới 11h khuya mà vẫn tắc đường ở Vành đai 3. Vốn thời gian để giao tiếp xã hội ở Bắc Kinh rất tốn kém, đến mức từ Thạch Cảnh Sơn đến Thông Châu ăn cơm còn không nhanh bằng đi Thiên Tân (bằng tàu cao tốc-ND). Bắc Kinh đúng là quá rộng lớn, đến mức nó không còn giống như một thành phố nữa.
Rốt cuộc thì Bắc Kinh lớn đến đâu? Nó bằng khoảng 2.5 cái Thượng Hải, 8.4 Thâm Quyến, 15 Hồng Kông, 21 New York, 27 Seoul.
Năm 2006, Trương tiên sinh (tác giả-ND) tới Bắc Kinh, khi ấy tàu điện ngầm chỉ có các tuyến số 1, 2 và 13. Còn bây giờ nếu không xem Baidu (trang tìm kiếm phổ biến nhất Trung Quốc-ND) thì không thể nhớ được Bắc Kinh có bao nhiêu tuyến tàu điện nữa.
Người dân chen chúc đi tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Video: Elisa Cucinelli/The Guardian
10 năm trước tôi ngồi xe buýt đi xin việc và từ chối phỏng vấn ở các công ty nằm ngoài Vành đai 4. Bây giờ, những công ty lớn như Jingdong, Tencent, Baidu... đều nằm ngoài Vành đai 5 cả.
Bạn bè từ nơi khác đến Bắc Kinh cứ nghĩ rằng chúng tôi ở gần nhau lắm, thực ra bọn tôi đâu có ở cùng một thành phố mà là ở vài thành phố khác nhau, đấy là Hải Điến, Quốc Mậu, Thông Châu, Thạch Cảnh Sơn (một số quận, khu thương mại lớn của Bắc Kinh-ND)... Nếu dùng thời gian làm thước đo, thì hai người ở Thông Châu và Thạch Cảnh Sơn yêu nhau cũng coi như yêu xa. Từ Bắc Vành đai 5 xuống Dịch Trang xem như là đi công tác.
Trong 10 năm, Bắc Kinh luôn tìm cách kiểm soát nhà, xe và dân số, nhưng miếng bánh này vẫn càng lúc càng lớn. Đến mức bạn học ở Tây An gọi điện cho tôi nói đang ở Bắc Kinh, tôi hỏi cậu ở chỗ nào Bắc Kinh thì anh ta đáp: Ở Vòng 13.
Bắc Kinh cũng là một tín đồ mà chỉ có Hùng An (dự án khu kinh tế mới do chính phủ Trung Quốc công bố tháng 4/2017 ở tỉnh Hà Bắc) mới "siêu độ" được nó.
Sự lạnh nhạt của người Bắc Kinh chẳng phải chỉ với riêng người ngoại tỉnh, mà bạn bè cùng ở Bắc Kinh cũng như thế. Lần nào bạn học ngoại tỉnh đến Bắc Kinh, lúc ăn uống cũng hỏi ở Bắc Kinh mọi người có hay tụ tập không? Tôi bảo, các cậu một năm đến Bắc Kinh được vài lần thì bọn mình cũng gặp nhau chừng đó.
Ở Bắc Kinh, trao đổi danh thiếp thì coi như là quen biết, một năm gọi dăm cuộc điện thoại cũng là giao lưu. Nếu có ai sẵn sàng chạy từ Thành Đông sang Thành Tây ngồi ăn uống hàn huyên với bạn một bữa thì có thể gọi là "sống chết có nhau" rồi. Còn chuyện ngày ngày gặp mặt, ngày ngày ngồi ăn trưa với nhau thì chỉ có đồng nghiệp mà thôi.
Nếu để người Trung Quốc bình chọn thành phố phải đến một lần trong đời, tôi tin đa số sẽ chọn Bắc Kinh. Bởi vì nơi này là thủ đô, có Thiên An Môn, Cố Cung, Trường Thành, cùng hàng trăm kịch viện lớn nhỏ.
Cố cung (Tử Cấm Thành) ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: NatGeo
Kịch nói, ca kịch, kịch truyền thống, tiểu phẩm hài, cho dù là "Dương Xuân Bạch Tuyết" (tác phẩm của Sư Khoáng, "nhạc thánh" nước Tấn thời Xuân Thu, chỉ người thích dòng nghệ thuật cao thâm-ND) hay "Hạ Lý Ba Nhân" (loại hình văn nghệ dân gian ở nước Sở thời Chiến Quốc, ý nói người thích nghệ thuật bình dân -ND)... cũng đều tìm được món ăn tinh thần cho mình tại Bắc Kinh này. Nhưng những thứ này thực ra chẳng liên quan gì mấy với con người Bắc Kinh.
Bước vào các đại kịch viện ở Bắc Kinh thì cứ 10 người phải có đến 6 là nói giọng địa phương, 3 người ở Bắc Kinh là mấy thanh niên văn nghệ còn thấy mới mẻ, cuối cùng còn 1 người là hướng dẫn viên ngồi trong góc lướt điện thoại, giết thời gian.
Đến Bắc Kinh được 11 năm, tôi đi Trường Thành 11 lần, đi Cố Cung 12 lần, Di Hòa Viên 9 lần, sân Tổ Chim 20 lần. Tôi hoàn toàn vô cảm trước những tòa kiến trúc "khủng", hay lịch sử cổ kính của thành phố này.
Đi lên Trường Thành chỉ có thể nhớ tới nàng Mạnh Khương (truyền thuyết dân gian Trung Quốc về một người vợ vì chồng mất khi xây dựng Vạn Lý Trường Thành, đã than khóc và làm sụp đổ một góc thành-Wikipedia), rất khó nổi lên cảm giác hào tình dân tộc trên kỳ quan thế giới này.
Có rất nhiều người hễ nhắc đến Bắc Kinh là nói đến Cố Cung, Hậu Hải, 798 (khu trưng bày nghệ thuật nổi tiếng ở Bắc Kinh-ND), là nơi có lịch sử, có văn hóa, có cao ốc. Những thứ đó có tốt không? Tốt! Có tự hào không? Tự hào! Nhưng mấy thứ này không đem ra mà ăn được. Điều mà người Bắc Kinh cảm thụ sâu sắc hơn đó là tắc đường, sương khói ô nhiễm, giá nhà đất trên trời, là ra khỏi nhà không vận động được, mà ở nhà cũng không hít thở được.
Nếu như nói Bắc Kinh còn lại chút "hương khói" gì đấy, thì đó là thuộc về những người Bắc Kinh gốc mà tổ tông 3 đời đã định cư ở nơi này. Thứ "hương khói" ấy được tỏa ra từ những lồng chim của dân Bắc Kinh gốc, từ chiếc quạt ba tiêu phe phẩy khi ngồi nhàn nhã sau bữa cơm chiều, từ giọng điệu kiêu ngạo của các bác tài taxi...
Người Bắc Kinh gốc đang cố gắng đang cố gắng lưu giữ lại cho tòa thành này một chút hơi thở cuộc sống, để cho khi nhìn vào còn giống như một nơi có con người sinh sống.
Cắt tóc trong một hẻm cổ ở Bắc Kinh. Ảnh: Marcus Bleasdale
Thứ hơi thở cuộc sống của người Bắc Kinh bản xứ được truyền lại trong gen của họ, nhưng được thăng hoa cũng vì họ đã cất được 5 quyển "sổ đỏ" dưới đũng quần rồi.
Trong khi dân cổ cồn trắng ngành tài chính ở Thành Tây đắm chìm chạy đua kiếm thưởng cuối năm, thì đám trọc phú Bắc Kinh ở Thành Nam sẽ bình thản bảo "tôi có 5 cái nhà".
Lúc các nhân viên công nghệ cần mẫn ở Hải Điến cày xong một dãy code, nhìn ảnh "hot girl trà sữa" (Chương Trạch Thiên, kết hôn với Lưu Cường Đông, chủ hãng thương mại điện tử Trung Quốc Jingdong-ND) mà mơ tưởng đến ngày trở thành "Lưu Cường Đông", thì đám trọc phú Bắc Kinh ở Thành Nam vẫn bình thản nói "tôi có 5 cái nhà".
Người Bắc Kinh trong một sáng an nhàn. Ảnh: Guardian/ Jens Schott Knudsen
Khi đám tinh anh truyền thông ở quận Triều Dương ký được một đơn hàng béo bở, đứng bên khung cửa sổ khu CBD (Khu thương mại trung ương tại Bắc Kinh) mà nhìn ngắm nhân sinh, thì cũng chỉ nghe đám nhà giàu Thành Nam bình thản khoe, "tôi có 5 cái nhà".
Nếu không có 5 cái nhà thì anh dựa vào cái gì mà nhàn nhã như thế? Dựa vào đâu để hưởng thụ "hơi thở cuộc sống"? Dựa vào đâu mà nuôi chim đánh cờ, nghe kịch thưởng trà như mấy lão gia kinh thành?
Ở Bắc Kinh, thế hệ dân nhập cư mà không có di sản đời trước để lại thì xác định một đời lay lắt trong vòng quay nhà ở. Phấn đấu mười mấy năm để mua được căn nhà đầu tiên cỡ cái lồng chim, lại mất mười mấy năm cố gắng đổi được căn lớn hơn. Nếu bạn phát triển nhanh thì xin chúc mừng, bạn có thể cân nhắc mua "nhà học khu" (bất động sản vị trí gần các trường học chất lượng, để con em được đi học đúng tuyến ở trường tốt, thường có giá rất đắt đỏ-ND).
Dường như là có "nhà học khu" thì con cái sẽ vào được [Đại học] Thanh Hoa, Bắc Đại (Đại học Bắc Kinh). Nhưng đám trẻ tốt nghiệp Thanh Hoa kết quả vẫn không mua nổi nhà. Đến lúc ấy, con cái hoặc là chen chúc với phụ huynh trong căn nhà cũ chật hẹp, hoặc là cố gắng từ đầu để mua nhà.
Năm 2015, bộ phim Lão Pháo Nhi gây sốt màn ảnh, nhiều người trong "friend list" của tôi chê bai chất Bắc Kinh của nhân vật Lục gia. Tôi cũng rất có cảm xúc.
Đến Bắc Kinh hơn 10 năm, tôi vẫn cự tuyệt đến [sân vận động] Năm Cây Tùng xem [đội bóng rổ] Bắc Kinh Shougang, không đến Sân thể thao Công nhân xem [đội bóng đá] Bắc Kinh Quốc An, bởi vì bản thân không có nhiệt huyết từ tâm can.
Nhưng khi ở Bắc Kinh lâu rồi, giữa bạn với những người Bắc Kinh gốc cũng đạt được hòa giải ở mức nào đó. Khi hiểu biết về họ một cách đa chiều hơn thì sẽ không thể "gắn mác" cho họ một cách đơn giản được nữa.
Thực tế không phải tất cả người Bắc Kinh đều bài ngoại. Bên cạnh tôi có nhiều bạn tốt là dân bản xứ. Cũng không phải tất cả người trẻ ở Bắc Kinh đều không có chí tiến thủ, an nhàn hưởng thụ. Đa số thanh niên Bắc Kinh cũng phấn đấu giống như chúng ta.
Bạn có thể không thích phim Lão Pháo Nhi, không thích kiểu cách tự đại khoác lác của người Bắc Kinh, nhưng bạn cần tôn trọng họ, cũng giống như tôn trọng người vùng Đông Bắc thích đeo vòng vàng, tôn trọng người Sơn Đông ăn tỏi tây vậy. Đó là tập tính và văn hóa của họ, nếu không nhập gia tùy tục được thì cũng nên kính nhi viễn chi.
Có lần tôi bắt taxi đến đường Lâm Tụy, vì sợ bác tài không biết đường nên mở sẵn ứng dụng dẫn đường. Bác tài nói không cần, tôi biết chỗ đó, 30 năm trước là xưởng làm bột mì, 10 năm trước xưởng bị dỡ để xây nhà cho người thu nhập thấp. Tôi hỏi sao bác biết rõ như vậy? Bác tài chỉ buồn bã nói "nhà tôi ở đó".
Tôi nghe trong giọng nói bác tài có điều oán trách.
Những người ngoại tỉnh như chúng ta một bên chê bai Bắc Kinh, một bên nhớ về quê nhà. Thực ra quê hương của chúng ta thì vẫn còn về được. Nơi đó vẫn tồn tại, chỉ là ngày càng đi xuống, khiến chúng ta không thích nghi được.
Nhưng đối với người Bắc Kinh mà nói, họ mới đúng là không thể về quê được nữa. Quê hương của họ đang bị thay đổi bằng tốc độ chưa từng thấy. Chúng ta còn tìm lại căn nhà của ông nội năm xưa, nhưng phần lớn người Bắc Kinh bây giờ chỉ có thể tìm tọa độ cố hương trên quả địa cầu.
Có người nói rằng chính người ngoại tỉnh chúng ta xây dựng nên Bắc Kinh, không có người ngoại tỉnh thì dân Bắc Kinh còn không có bữa sáng mà ăn. Bởi vì lượng dân nhập cư lớn đã thổi giá nhà Bắc Kinh lên cao, tạo nên cảnh thịnh vượng của Bắc Kinh.
Nhưng liệu bạn có từng nghĩ? Có thể người Bắc Kinh hoàn toàn không cần thịnh vượng, cũng không cần chúng ta đến đẩy giá nhà lên. Bọn họ cũng giống như chúng ta, chỉ cần một quê nhà ít người vắng xe, non xanh nước biếc.
Năm nay, các khu nội thành cốt lõi của Bắc Kinh bắt đầu ra quân siết chặt quản lý, ngày càng nhiều cửa hàng, quán ăn, khách sạn nhỏ phải đóng cửa, ngày càng nhiều những người làm việc trong các ngành nghề cấp thấp phải rời thủ đô.
Cách quản lý kiểu "cởi quần áo để giảm cân" như thế này giúp Bắc Kinh tăng tốc trên con đường phát triển, nhưng lại khiến nó ngày càng mất đi sự tiện lợi để sinh sống của một đô thị, ngày càng xa rời tinh thần của một thành phố bao dung và cởi mở.
Những người theo đuổi ước mơ thành công cũng đang bỏ đi. Họ sang Australia, New Zealand, Canada hay bờ Tây nước Mỹ.
Những kẻ thất bại cũng đang bỏ chạy. Họ trở về Hà Bắc, Đông Bắc và các vùng quê cũ.
Chỉ còn lại hơn 20 triệu người ở lại thành phố này đang sống giả tạo. Thực tế vốn không hề có cái gọi là cuộc sống bên trong tòa thành này. Nơi này chỉ có ước mơ của một số ít người, và công việc của phần đông mọi người./.
Chỉ vài ngày sau khi đăng tải, bài viết của Trương Ngũ Mao đã bị các cơ quan quản lý của Trung Quốc kiểm duyệt và bị xóa bỏ khỏi hầu hết phương tiện truyền thông, thay vào đó là làn sóng bài viết phản bác các luận điểm của tác giả.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 27/7 chỉ trích bài viết trên là điển hình của trường hợp "tư duy cổ quái như thế nào thì viết văn cũng như vậy".
Tờ này bác bỏ những tiêu cực mà tác giả đề cập, đồng thời khẳng định Bắc Kinh cùng các địa phương lân cận như Thiên Tân, Hà Bắc đang nỗ lực điều phối các nguồn lực trong không gian chiến lược, để Bắc Kinh không trở thành "một cục bướu" như ông Trương đã viết.
"Cuộc sống thực tế tràn đầy hy vọng," báo đảng Trung Quốc nói.
Nhân dân Nhật báo trích dẫn một trong ý kiến phản bác Trương Ngũ Mao, nói rằng nếu những điều viết trong bài là đúng thì "tác giả đã nợ tất cả thanh niên Bắc Kinh mỗi người 5 cái nhà".
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã bình luận, "đời sống của một thành phố rất khó 'giả tạo', cũng giống như khó có thể đánh thức một người giả vờ ngủ".
Trả lời báo chí Trung Quốc ngày 27/7, tác giả Trương nói "nếu tôi biết bài viết của mình tác động lớn như vậy, thì thứ nhất chắc chắn tôi sẽ không đăng, và thứ hai chắc chắn là tôi sẽ không viết như thế".