20 năm Trung Quốc-Hồng Kông: Bắc Kinh đạt mục tiêu, Anh và phương Tây nhận quả đắng

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trong những ngày này, ở Trung Quốc và Hồng Kông có nhiều nghi lễ trọng thể kỷ niệm 20 năm ngày Hồng Kông về lại với Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc lần đầu tiên có chuyến thăm Hồng Kông. Tàu Liêu Ninh, chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, lần đầu tiên cập cảng Hồng Kông.

Trên danh nghĩa chính thức, Hồng Kông vẫn là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Trong thực chất, nơi này sau hai thập kỷ đang dần trở thành một trong số nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Và điều đó cho thấy thành công nhưng cũng cả thay đổi của cái gọi là mô hình "Một đất nước, hai chế độ" được Trung Quốc đưa ra để áp dụng cho Hồng Kông khi người Anh buộc phải trao trả nơi này cho Trung Quốc năm 1997.

Người Anh buộc phải làm việc ấy vì thoả thuận thuê Hồng Kông 99 năm ký kết năm 1898 hết hạn vào ngày 1/7/1997. Hồng Kông là một trong những thuộc địa cuối cùng của Anh trên thế giới. Phía Anh đã xây dựng nên ở nơi đây hệ thống chính trị và tổ chức quản lý trái ngược với Trung Quốc, vì thế muốn duy trì được dấu ấn cả khi thuộc địa không còn.

Việc hài hoà hoá Trung Quốc và Hồng Kông, hay nói đúng hơn, việc hội nhập Hồng Kông vào Trung Quốc không dễ dàng gì.

Mô hình "Một đất nước, hai chế độ" được Trung Quốc đưa ra và phía Anh chấp nhận cho Hồng Kông. Trong thoả thuận giữa Trung Quốc và Anh về việc trao trả Hồng Kông còn có cả sự đồng ý của Trung Quốc là để Hồng Kông tiếp tục như thế trong thời gian ít nhất 50 năm, tức là đến năm 2047. Hồi ấy, ở Anh và nhiều quốc gia Phương Tây ngự trị quan điểm và dự báo là khả năng "Hồng Kông hoá Trung Quốc" lớn hơn là ngược lại.

20 năm Trung Quốc-Hồng Kông: Bắc Kinh đạt mục tiêu, Anh và phương Tây nhận quả đắng - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập Cận Bình thị sát hơn 3.000 binh sĩ trong cuộc duyệt binh lớn nhất tại Hồng Kông suốt 20 năm qua (Ảnh: EPA)

Thay đổi trong tương quan thế và lực giữa Đại lục với Hồng Kông

Thực tế sau 20 năm là kịch bản ngược lại chứ không phải như dự báo nói trên.

Cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất, Hồng Kông và Trung Quốc sau 20 năm vẫn "Một đất nước, hai chế độ", nhưng tương quan hiện tại giữa Trung Quốc và Hồng Kông đã thay đổi hoàn toàn.

Sự hội nhập của Hồng Kông vào Trung Quốc diễn ra tuy có chậm, nhưng cơ bản hài hoà và hoà bình. Trung Quốc duy trì được sự kiểm soát Hồng Kông về chính trị, quản lý được hiệu quả đặc khu hành chính và về cơ bản bảo tồn được những ưu thế về tài chính và thương mại thế giới mà Hồng Kông đã có được từ trước khi về lại với Trung Quốc.

Chỉ có tình hình chính trị xã hội nội bộ ở Hồng Kông là vẫn còn phức tạp và nhạy cảm đối với Trung Quốc, nhưng dù vậy cũng không đảo ngược được chiều hướng diễn biến tình hình là đặc khu hành chính này về chính trị và hành chính đang dần trở thành một đô thị lớn mới của Trung Quốc.

Mô hình giải pháp khi xưa kia đã thay đổi cơ bản theo thời gian. Lúc ấy, điều Trung Quốc quan tâm hàng đầu là đạt được thoả thuận với Anh, duy trì an ninh và ổn định ở Hồng Kông và tận lợi những thế mạnh hiện có của Hồng Kông về tài chính, kinh tế và thương mại.

Khi ấy, GDP của Hồng Kông tính ra bằng 15% GDP của Trung Quốc. 20 năm sau, GDP của Trung Quốc tăng gấp 10 lần và GDP của Hồng Kông chỉ còn chiếm 3%. Hồng Kông hiện tại không còn quan trọng đối với Trung Quốc như cách đây 20 năm về kinh tế, tài chính và thương mại.

Vì thế, Trung Quốc hiện tại không còn phải sẵn sàng chấp nhận nhượng bộ về chính trị cho Hồng Kông như cách đây 20 năm.

Mô hình "Một đất nước, hai chế độ" không cần phải chờ đợi cả nửa thế kỷ mà chỉ cần sau hai thập kỷ đã thấy bộc lộ rất rõ hiệu quả thực tế của nó. Bây giờ, điều Trung Quốc cần nhất là ổn định chính trị xã hội ở Hồng Kông, tất cả những cái khác đều chỉ là phụ.

Bây giờ, mục tiêu hàng đầu của Trung Quốc ở Hồng Kông là hội nhập đặc khu này về chính trị vào Trung Quốc. Thực tế này chắc chắn là quả đắng đối với Anh và nhiều quốc gia Phương Tây.

Hồng Kông còn được Trung Quốc sử dụng làm thí điểm mô hình áp dụng cho Macau và thậm chí có thể cả Đài Loan vào thời điểm nào đó sau này, cho dù với Macau thì dễ trong khi với Đài Loan lại sẽ rất khó, thậm chí khó nhất và chưa biết đến khi nào mới khả thi.

20 năm Trung Quốc-Hồng Kông: Bắc Kinh đạt mục tiêu, Anh và phương Tây nhận quả đắng - Ảnh 2.

Với Macau đã chỉ đơn giản là sự sao chép mô hình "Một đất nước, hai chế độ" áp dụng cho Hồng Kông, nhưng còn với Đài Loan thì chắc phải mô hình khác hoặc mô hình này với nhiều nội dung khác.

Hồng Kông hiện tại không phải không còn là thách thức gì nữa đối với Trung Quốc, nhưng những thách thức ấy đều trong tầm kiểm soát và khả năng xử lý của Trung Quốc.

Tương lai của Hồng Kông thật ra không phải được quyết định và xác định bởi chuyện về lại với Trung Quốc cách đây 20 năm, do việc ấy đằng nào cũng diễn ra, mà bởi sự thay đổi về thế và lực giữa Trung Quốc và Hồng Kông theo thời gian trong 20 năm qua.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại