Ông Đực và bà Vĩnh. Ảnh: MCV Media
Duyên số ở tuổi xế chiều
Ông Lê Văn Đực (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Vĩnh (60 tuổi) là nhân vật chính trong tập 90 chương trình Tình trăm năm. Câu chuyện tình yêu vượt bao sóng gió, khó khăn của họ khiến nhiều người rơi nước mắt.
Cả ông Đực và bà Vĩnh đều đã từng lập gia đình trước khi gặp nhau nhưng hạnh phúc chóng nở tối tàn.
Theo Vietnamnet, cuộc hôn nhân đầu tiên của ông Đực kéo dài 12 năm. Sau khi có với nhau 5 người con, vợ ông Đực lâm bệnh rồi qua đời nên 6 cha con phải sống trên ghe lênh đênh nay đây mai đó đã nhiều năm.
Trong khi đó, bà Vĩnh lại bị chồng cũ bội bạc có người khác nên ly hôn, bà một mình chăm con suốt nhiều năm.
Có lẽ cả hai đều đã từng lỡ một lần đò nên ông trời đã xe duyên cho họ gặp gỡ rồi thân thiết ngay từ lần gặp đầu tiên. Chỉ sau 1 tuần quen biết, ông Đực đã ngỏ lời yêu bà Vĩnh bằng câu nói chân thành: "Thôi thì hai đứa sáp lại, chung sống làm ăn. Hơi đâu mà đợi mà chờ. Bây giờ, nếu ở một mình, nay đây mai đó, sóng lớn mưa to lấy ai chống đỡ. Con cái thì đã dựng vợ, gả chồng hết rồi. Không ai kề cận, nếu nửa đêm đau ốm thì sao…".
Chiếc ghe là ngôi nhà của đôi vợ chồng nghèo. Ảnh: MCV Media
Nghe những lời bộc bạch vừa chân thành vừa tình cảm của ông Đực, bà Vĩnh đồng ý ngay dù lúc ấy ông Đực chân đã có tật phải chống nạng, đã vậy lại phải nuôi 5 con nên vô cùng nghèo khó nhưng bà Vĩnh vẫn tin và muốn theo ông.
Thấy những lời ấy có lý, cảm nhận được tình cảm của ông Đực dành cho mình, bà Vĩnh gật đầu nghe theo. Bà kể: "Ngày gặp tôi, ông ấy đã có 5 đứa con, một chân có tật, đi đứng phải chống nạng. Cuộc sống cũng bấp bênh, túng thiếu".
Tâm sự với MC chương trình về quyết định lấy ông Đực khi đó, bà Vĩnh thật lòng: "Tôi cũng quyết rằng, về với nhau, nếu cuộc sống sau này có nghèo khổ tôi vẫn vui vẻ. Thế là tôi đồng ý về sống với ông ấy".
Nghèo quá, không có tiền tổ chức đám cưới, ông Đực xin cha vợ bỏ qua cho mình phần lễ cưới hỏi và được cho phép, thế là họ bắt đầu cuộc sống hôn nhân bền chặt, kéo dài suốt 20 năm qua.
Cuộc sống lênh đênh
Sống trên chiếc ghe nhỏ với những bữa cơm đạm bạc, đôi vợ chồng vẫn hạnh phúc mỗi ngày, cùng nhau đi khắp các mặt sông của miền Tây kiếm sống.
Chân ông Đực phải chống nạng nên nhiều việc trong gia đình vẫn do bà Vĩnh gánh vác. Sau khi 5 người con của ông Vĩnh lớn, lập gia đình rồi ra ở riêng, hai người tiếp tục lênh đênh nay đây mai đó được 4-5 năm thì bà Vĩnh có thai. Mang thai khi cuộc sống bấp bênh, ông bà đã nếm đủ các khó khăn tận cùng.
Dân Trí trích lời bà Vĩnh tâm sự: "Tôi nhớ hồi đó có bầu Diễm My, nhà tôi dừng ghe ở cù lao giữa để giăng lưới, xung quanh chẳng có nhà cửa của ai hết. Ở đây 3, 4 ngày mà chưa qua được bên sông để đi chợ, trong nhà thì hết gạo, hết cả mắm muối, nấu được chút gạo cứng ăn mà xót ruột. Đói bụng quá nên phải cố hết sức để qua được bên kia. Ghe nhỏ xíu mà sông thì lớn, sóng đánh ngập đầu, dễ bị chìm lắm. Ổng thì chèo chống, tôi thì tát nước, ghe còn nổi là còn ráng được. Trước khi qua sông là đốt nhang, xin ông bà cho qua được kiếp nạn này".
Tính đến nay vợ chồng ông Đực đã có hơn 20 năm phiêu dạt theo con nước nhưng chưa bao giờ nản lòng hay có ý nghĩa từ bỏ cho đến khi con gái Diễm My đến tuổi đi học, họ buộc phải tính toán cho tương lai của con nên quyết định lên bờ mưu sinh. Họ quyết định neo ghe lại TP.HCM rồi lên bờ đi bán vé số nuôi con ăn học.
Không phụ lòng cha mẹ vất vả mưu sinh nuôi mình, Diễm My lớn lên trở thành cô gái tốt, là niềm tự hào của vợ chồng ông Đực cho đến lúc này.
Ông Đực và bà Vĩnh dành hết sự thương yêu cho cô con gái nhỏ, gom góp từng đồng để con được đi học, có kiến thức mai sau đổi đời. Thế nhưng hoàn cảnh gia đình nghèo khó, khác xa với các bạn học nên Diễm My nhiều lần đi học về trong trạng thái khóc thầm.
Thương con, hai ông bà không biết làm gì để an ủi, động viên, họ chỉ biết mỗi ngày ăn ít lại một chút để có tiền cho con tiếp tục đến trường. Với niềm thương cảm và trân trọng, MC Ngọc Lan đã đề nghị được hỗ trợ học phí cho bé Diễm My để đôi vợ chồng nghèo bớt gánh nặng.
Chương trình cũng đã giúp Diễm My làm video gửi tới ba mẹ với những tình cảm yêu thương nhất. Báo Lao Động dẫn lời My nói: "Ba mẹ cho con đi học, con không bao giờ tủi thân. Các bạn cũng biết hoàn cảnh của con, tụi con thương nhau lắm. Con muốn bây giờ học thật giỏi, kiếm nhiều tiền để ba mẹ ăn đồ ăn ngon. Con muốn trở thành bác sĩ để tìm được phương thuốc nào đó chữa bệnh cho ba, nếu thiếu ba thì con không biết làm sao. Con mong mẹ luôn khỏe mạnh, nếu mẹ đau đầu thì mong mẹ nói con đưa mẹ đi bệnh viện. Con yêu ba mẹ rất nhiều".
Những lời tâm sự của My khiến ông Đực và bà Vĩnh rơi nước mắt. Ngày Diễm My ra đời, cuộc sống bà Vĩnh vốn đã khó khăn lại càng thêm khổ sở. Ấy vậy mà chưa bao giờ bà bi quan hay có ý định buông tay ông Đực.
Để vượt lên những khó khăn cuộc sống, ông Đực và bà Vĩnh cố gắng tự tìm niềm vui, hạnh phúc trong việc chăm sóc con cái hay việc mưu sinh kiếm sống mỗi ngày. Với họ, nhà không nhất thiết phải là ngôi nhà khang trang, vững chãi ở trên bờ, nhà với họ chỉ là chiếc ghe nhỏ, nơi bố mẹ và con gái cười nói hạnh phúc mỗi ngày.
Tổng hợp