Một chiếc giếng ở làng Yên Sở. Ảnh: Đại Đoàn Kết
Giếng cổ gắn bó qua nghìn năm
Đối với mỗi cư dân làng Yên Sở (xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội), giếng nước không đơn thuần là nơi cung cấp nguồn sống, đó còn là nơi linh thiêng, huyền bí với nhiều giai thoại truyền miệng từ đời này sang đời khác.
Tại làng Yên Sở, chỉ riêng xóm Ngõ giếng đã lưu giữ 73 chiếc giếng cổ nên biệt danh "làng trăm giếng" cũng từ đây mà có.
Tuy nhiên, hiện nay, theo thống kê thì xóm Ngõ giếng còn khoảng 30 chiếc giếng còn thường xuyên sử dụng. Những người dân sinh sống xung quanh khu vực quyết tâm giữ gìn 30 chiếc giếng còn sót lại như là cách để lưu lại nét văn hóa của dân tộc.
Cụ Nguyễn Công Nhuận (81 tuổi) cho PV báo Giao thông biết: “Trước đây, tên cũ của làng là Cổ Sở. Đến thời Hồng Đức thì chia ra hai làng Đắc Sở và Yên Sở. Tương truyền, 73 giếng cổ được xây từ thời ngoại xâm phương Bắc đến chiếm đóng nên ít nhất giếng ở đây cũng có 1.000 năm tuổi”.
Theo quan sát, giếng cổ ở làng Yên Sở toát lên vẻ rêu phong bởi mặt giếng được xếp bằng những phiến đá to, vững chãi và kì lạ là không hề thấy có chất kết dính nào ở giữa. Các giếng đều giống nhau, sâu từ 4 - 5m, đường kính khoảng 1,6m.
Giữa cái nắng oi bức đầu hè, chỉ cần đưa mặt lên miệng giếng đã thấy luồng hơi mát lạnh bao phủ. Các vách đá trên mặt giếng giúp dân làng lên xuống giếng dễ dàng để vệ sinh đáy giếng.
Cụ Trần Hữu Liễu (89 tuổi) tự hào kể với báo trên về những chiếc giếng ở xóm mình: "Nước giếng ở đây trong và mát, không bao giờ cạn, không chỉ dùng tắm giặt, chúng tôi vẫn dùng ăn uống".
Tiếp lời cụ Liễu, bà Lê Thị Hoa, nhà ở xóm Ngõ Giếng cho biết thêm: "Các cụ cao tuổi còn đòi pha trà, đun nước uống bằng nước giếng, vì bảo đã quen vị, pha trà cũng cho nước trà xanh và ngọt hơn. Giếng thì làng có sẵn".
Dù hiện nay các gia đình ưu tiên dùng nước máy vì sự tiện lợi nhưng giếng cổ vẫn là phần không thể tách rời khỏi đời sống thôn quê Yên Sở. Chính quyền và dân làng liệt kê từng giếng, vị trí, kích thước, hiện trạng rồi tôn tạo, quét dọn định kì. Xung quanh giếng xây khuôn viên sạch sẽ, làm rào chắn thép để bảo vệ giếng và bảo vệ trẻ em khi ngồi vui chơi, hóng mát.
Những điều huyền bí về "làng trăm giếng"
Theo cách nói của người dân sinh sống tại xóm Ngõ giếng, không một ai biết 73 chiếc giếng cổ xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết khi người dân dọn về đây sinh sống, những chiếc giếng đã có sẵn mặc cho những biến thiên của cuộc đời.
Một cao niên trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử xóm Ngõ giếng, cụ Nguyễn Bá Tỵ (80 tuổi) cho báo Đại Đoàn Kết biết: "Thật khó để tin điều này, thế nhưng, tại làng Yên, có những hộ muốn xây nhà, làm đường vướng vào giếng cổ phải lấp đi, đều phải lễ bái rất cẩn thận nhưng vẫn hay gặp xui xẻo. Đã có hộ lấp giếng xong lại phải đào lên".
Đến tận bây giờ, những người lớn của "làng trăm giếng" vẫn truyền tai nhau về câu chuyện kì bí như cụ Tỵ kể hay như một câu chuyện khác: Chẳng là năm xưa, khi dân làng định mở rộng đường, vướng giếng cổ nên thống nhất lấp vào. Tuy nhiên, sau khi lấp giếng, trong xóm nhiều gia đình xảy ra lục đục, đau ốm, làm ăn không thuận lợi.
Cụ Trần Hữu Liễu cũng có mặt trò chuyện với PV Đại Đoàn Kết thì khẳng định: "Chỉ những nhà nào rất cần thiết mới phải lấp giếng. Còn lại, giếng vẫn gắn bó với người dân nơi đây".
Vì những giai thoại huyền bí từ xa xưa, hiện nay, tại mỗi chiếc giếng cổ, người dân làng đã xây một miếu nhỏ để thờ cúng thần linh. Họ tin rằng giếng nào cũng có thần linh, thổ địa nên vào những ngày rằm, mùng một dân làng đều mang lễ ra giếng làm lễ, xin lộc. Những miếu thờ tự ngay cạnh giếng cổ cũng được tu bổ, tôn tạo theo thời gian…
Những giếng cổ ở làng Yên Sở mang ý nghĩa linh thiêng. Ảnh: Báo Giao thông
Ông Nguyễn Đình Khoa, Chủ tịch UBND xã Yên Sở cho báo Giao thông hay: “Có một số câu chuyện truyền miệng về sự linh thiêng, ly kỳ liên quan đến giếng cổ, nhưng có lẽ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên. Chính quyền xã vẫn luôn động viên bà con giữ gìn và bảo tồn giếng cổ như một nét văn hóa chứ không nên quá tin vào yếu tố tâm linh”.
Đến nay vẫn chưa một ai có thể lý giải về những điều kỳ lạ diễn ra huyền bí tại 73 chiếc giếng này nhưng theo thời gian, giếng đã thành phần không thể thiếu với nếp sống của người dân nơi đây.
Tổng hợp