Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên xuất bản 10 năm trước của nhà văn người Mỹ - Jay Asher, Thirteen Reasons Why được phát hành toàn cầu thông qua hệ thống Netflix từ 31/3. Ngay lập tức, series dài 13 tập này được "viral" rộng rãi trên mạng xã hội và tạo nên một sức hút mạnh mẽ trên khắp toàn cầu.
Các chuyên trang về phim ảnh chấm cho Thirteen Reasons Why số điểm rất cao và nhiều khán giả, đặc biệt là lứa tuổi vị thành niên lùng sục series này.
Tuy nhiên, nhiều trường học đã gửi công văn chính thức tới các bậc phụ huynh về khả năng bộ phim này có thể gây tác động xấu tới con em họ. Các đơn vị giáo dục hay thậm chí là Netflix cũng khuyến cáo người xem suy nghĩ thật kỹ trước khi xem Thirteen Reasons Why bởi chủ đề quá nhạy cảm – tự tử vị thành niên.
Tại sao một cô gái xinh đẹp tự kết liễu đời mình ở tuổi 17?
Hannah Baker là một nữ sinh 17 tuổi đang là học sinh trung học. Một ngày, cô gái trẻ tự sát và để lại cú sốc lớn cho những người xung quanh, đặc biệt là Clay – chàng trai cùng lớp ít nói, sống nội tâm và thầm yêu Hannah. Trước khi tự kết liễu đời mình, Hannah tỉ mỉ ghi âm lại 13 đoạn băng, trong đó nói rõ 13 lý do dẫn cô tới quyết định tự sát.
Mỗi đoạn băng tương ứng với một người bạn xung quanh Hannah, dưới góc nhìn của cô về từng người, về những việc họ đã làm và đẩy cô đến quyết định chấm dứt cuộc sống khi đang ở lứa tuổi rất đẹp.
Sau cái chết của Hannah, một hôm Clay trở về nhà và nhận được một chiếc hộp, trong đó có 7 cuốn băng cassette, tương ứng với 13 mặt. Giọng kể của Hannah bắt đầu và đưa chàng trai trẻ bước vào một thế giới đầy phức tạp của cuộc sống học đường. Mọi chuyện bắt đầu từ nụ cười của một chàng trai mà Hannah phải lòng…
Thirteen Reasons Why có cách kể xen lẫn giữa quá khứ và thực tại thông qua từng cuốn băng và góc nhìn của nhân vật Clay, nhưng lại qua lời kể của Hannah. Những nhân vật chính của từng cuốn băng lần lượt "lên sóng" với nhiều bí mật bị bóc tách.
Điểm đặc biệt là gần như các bạn học liên quan đều đã nghe hết 13 lý do tự tử của Hannah, trừ Clay. Vốn dành tình cảm cho cô bạn cùng lớp và làm thêm cùng ở rạp chiếu phim, cái chết của Hannah để lại một khoảng trống lớn trong Clay.
Cậu chẳng thể cùng lúc nghe hết 13 đoạn băng như những người khác mà lần lượt, chậm rãi đi vào thế giới của Hannah. Người xem cùng chung điểm nhìn với Clay và dõi theo hành trình của cậu. Hai tuyến truyện giữa quá khứ và thực tại cứ thế đan xen. Những vấn nạn học đường như bạo lực, quấy rối, mâu thuẫn tình bạn – tình yêu được đưa đẩy khéo léo với mức độ tăng dần.
Katherine Langford – ngôi sao thế hệ mới
Một trong những lý do tạo nên thành công cho Thirteen Reasons Why nằm ở êkíp thực hiện. Ban đầu, vai "cô gái tự tử" Hannah được giao cho Selena Gomez nhưng sau đó, ngôi sao sinh năm 1992 lại góp mặt trong series này với vai trò giám đốc sản xuất, cùng Tom McCarthy – đạo diễn của bộ phim Spotlight từng giành giải Oscar.
Katherine Langford sinh năm 1996, là một diễn viên mới nổi người Australia. Cô chưa từng tham gia bất kỳ bộ phim nào ở Mỹ. Katherine đã casting vai Hannah thông qua Skype và ngay sau đó, êkíp Thirteen Reasons Why biết chắc đây chính là Hannah mà họ tìm kiếm.
Katherine có 10 ngày để xin visa tới Mỹ tham gia vai chính trong dự án đầy hứa hẹn của Netflix. Sở hữu gương mặt đẹp lai giữa hai nhân vật Neri – Cô gái đại dương – và Blair của Gossip Girl, Katherine đem tới cho Hannah một hình ảnh căng tràn sức sống ở tuổi 17. Đôi môi căng mọng, đôi mắt sâu thẳm và thân hình bốc lửa nhưng ở bên trong, Hannah là một cô gái nhạy cảm, yếu đuối và luôn cảm thấy cô độc.
Đóng chung với Katherine là Dylan Minnette trong vai Clay. Dylan cũng là một diễn viên trẻ, được biết tới qua phim kinh dị kinh phí thấp Don’t Breathe vào năm ngoái. Vẻ mặt ngây ngô của Dylan khá hợp với hình ảnh chàng trai sống nội tâm Clay có vẻ ngoài yếu ớt nhưng không dễ gì bị bắt nạt.
Làn sóng chỉ trích
Trong hơn một tháng từ lúc ra mắt và tạo nên cơn sốt toàn cầu, Thirteen Reasons Why nhận nhiều lời khen về chất lượng nhưng cũng có không ít chỉ trích. Nhiều chuyên gia cho rằng phim đã cường điệu hóa các chi tiết trong truyện và lãng mạn hóa cái chết, gây ảnh hưởng không tốt đến người xem, nhất là khi phim hướng đến giới trẻ.
Hiệp hội các nhà Tâm lý học của các trường trung học tại Mỹ còn khuyến cáo những ai từng có ý định tự tử hoàn toàn không nên xem Thirteen Reasons Why bởi có quá nhiều hình ảnh và chi tiết gây kích động, dễ khiến những người nhạy cảm có thể coi hành động tự tử của Hannah như một hình mẫu để làm theo.
Về cơ bản, Thirteen Reasons Why đã sử dụng câu chuyện "gái xinh tự tử" để cài cắm những thông điệp về học đường, về cuộc sống hiện đại ngày nay và cả cách con người giao tiếp với nhau hàng ngày. Ba tập phim 9, 12 và 13 đều có khuyến cáo trước khi vào phim vì chứa nhiều hình ảnh và chi tiết liên quan tới bạo lực và tình dục.
Thirteen Reasons Why đi theo hướng là một series "high school thriller", vẽ ra một cuộc sống không phải màu hồng ở học đường nhưng lại có khả năng chạm tới cảm xúc của nhiều khán giả. Tuổi trẻ bồng bột, sốc nổi, kiêu ngạo và khi cảm thấy mọi thứ xung quanh trở nên sụp đổ, cuộc sống có thể chấm dứt chỉ trong chốc lát.
Hannah là một hình mẫu mà có thể rất nhiều học sinh qua các thế hệ khác nhau trên toàn cầu thấy một phần của mình trong đó. Vấn nạn bạo lực học đường vẫn xảy ra hàng ngày, các vụ án lạm dụng trẻ vị thành niên vẫn thường xuyên lên mặt báo. Có chăng là cách tiếp cận của Thirteen Reasons Why đã quá "nặng ký" với đối tượng mà nó hướng tới.
Nhưng trên một phương diện khác, đây là một series thực sự táo bạo khi dám khai thác thế giới học đường theo một góc nhìn đen tối nhất để cảnh báo xã hội hiện đại rằng nếu những vấn nạn trong trường học không được đẩy lùi, những câu chuyện ngoài đời sẽ còn kinh khủng hơn cả trên phim.