Ngày 23/5, hãng hàng không Vietjet Air đã gây tiếng vang lớn cả trong nước và trên thế giới, khi ký liền 2 hợp đồng với tổng trị giá hơn 14 tỉ USD trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Đây là hợp đồng đặt mua 100 máy bay B737 Max 200 từ hãng Boeing, kèm theo đó là hợp đồng 3 tỉ USD đặt mua động cơ máy bay từ tập đoàn United Technologies Corp.
Hợp đồng mua máy bay là hợp đồng lớn nhất trong quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ từ trước đến nay và cũng đồng thời là một trong những hợp đồng lịch sử của hãng Boeing.
Dự kiến, số tàu bay này sẽ được bàn giao trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2023, nâng tổng số máy bay của Vietjet lên 200 chiếc.
Như vậy, chỉ hơn 2 năm sau khi ký hợp đồng 9 tỉ USD mua 100 máy bay từ hãng Airbus (chủ yếu là dòng A320 neo), Vietjet Air lại muốn mua thêm 100 máy bay từ Boeing.
200 chiếc máy bay mà Vietjet Air đặt mua nói lên điều gì? Chắc chắn nó cho thấy tham vọng to lớn của Vietjet Air trong lĩnh vực hàng không.
Hồi đầu năm, trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Tổng giám đốc Vietjet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng tuyên bố:
“Chúng tôi có kế hoạch biến Vietjet thành hãng hàng không toàn cầu. Giống như Emirates – từ một hãng hàng không của quốc gia Trung Đông nhỏ bé hiện họ đã trở thành hãng hàng không toàn cầu. Chúng tôi muốn VietJet trở thành Emirates của châu Á”.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, chúng ta có thể thấy, những bản hợp đồng của Vietjet Air hoàn toàn không ăn khớp gì với tham vọng đa quốc gia mà bà Thảo đề cập tới.
Điều này rất dễ thấy khi nhìn vào loại máy bay mà Vietjet Air đặt mua.
Đầu tiên, đối với các hãng hàng không, việc lựa chọn máy bay là yếu tố sống còn.
Mekong Airline, hãng hàng không tư nhân do BIM Group chống lưng từng tham vọng thống trị thị trường bay dân dụng Việt Nam, đã ngậm ngùi đóng cửa sau thời gian ngắn hoạt động vì lý do rất quan trọng: Hãng đã chọn lựa sai loại máy bay.
Những chiếc máy bay Bombardier CRJ900 Mekong Airline sử dụng chỉ chở được một nửa hành khách so với A320, trong khi giá thuê không rẻ hơn là bao.
Hệ quả là lúc nào cũng phải bù lỗ cho mỗi chuyến bay và chẳng bao lâu sau phải ngừng hoạt động vô thời hạn.
Vậy Vietjet Air chọn máy bay như thế nào?
Boeing 737 Max 200 là chiếc máy bay chở được tối đa 200 hành khách, chi phí vận hành tiết kiệm 20% so với dòng 737 cũ, đồng thời tiêu hao nhiên liệu ít hơn 5%.
Còn đối với 100 chiếc máy bay mua từ Airbus, Vietjet mua chủ yếu dòng A320 neo, là dòng máy bay chở tối đa 189 hành khách, nhiên liệu tiết kiệm 15% và chi phí vận hành tiết kiệm 8% so với các đời A320 trước đó.
Cả 200 chiếc máy bay mà Vietjet Air đặt mua đều là loại tối ưu nhất trong các loại máy bay cỡ vừa và nhỏ, chở không quá 200 hành khách, là các dòng máy bay đời mới tiết kiệm chi phí vận hành và cũng tiết kiệm năng lượng.
Gọn nhẹ, chuyên bay chặng ngắn và tiết kiệm nhiên liệu - đó là những đặc tính nổi trội của một hãng hàng không giá rẻ.
Với dòng máy bay này, đích ngắm của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air vẫn là các chuyến bay nội địa, hoặc các chuyến bay ngắn đến các nước trong khu vực, chứ không phải các chuyến bay quốc tế đường dài.
Theo thông số kỹ thuật từ 2 hãng máy bay, dòng A320 neo bay được khoảng 6.500km, còn dòng B737 max 200 bay được khoảng 5.000km, đều là cự ly trung bình - ngắn.
Để dễ hình dung, so sánh 2 chiếc may bay này với dòng máy bay lớn A350 mà Vietnam Airlines sở hữu, chiếc A350 có thể bay tới hơn 16.000km và chở được tối đa 440 hành khách.
Một điểm đáng chú ý nữa trong thống số kỹ thuật của 2 dòng máy bay Vietjet Air đặt mua, là khoảng trống ghế ngồi (được tính từ một vị trí bất kỳ trên ghế, đến vị trí tương ứng của ghế phía trước).
Chiếc B737 Max 200 có khoảng trống 74 cm, còn A320 neo là 71-74cm. Trong khi đó, khoảng trống với một ghế ở hạng phổ thông thường ở mức 76-81cm.
Việc 2 dòng máy bay của Vietjet Air giảm khoảng trống chính là cách giúp những chiếc tàu bay chở được thêm hành khách, qua đó giúp các hãng hàng không có thể giảm giá vé cho khách hàng.
Bản hợp đồng mua 100 chiếc máy bay Boeing không hề đưa Vietjet Air tiến thêm một bước nào để trở thành Emirates châu Á
Tập trung vào thị trường nội địa
Như vậy, tham vọng của Vietjet Air hiện tại rõ ràng mới chỉ bó gọn ở thị trường nội địa, và trong tương lai xa cũng sẽ không đi ra khỏi khu vực Đông Nam Á, chứ hoàn toàn không liên quan đến "toàn cầu" hay "Emirates châu Á" như bà chủ Vietjet Air đã khoa trương.
Sẽ cần rất nhiều thời gian để Vietjet Air hướng tới các đường bay dài, tuy nhiên trước mắt, chiến lược tại thị trường nội địa của Vietjet Air đang cho thấy những thành công nhất định khi liên tục giành giật thị phần từ tay ông lớn Vietnam Airlines.
Được biết, thị phần của Vietnam Airlines giảm từ 56% năm 2014 xuống 47,1% năm 2015 trong khi thị phần của Vietjet Air tăng từ 29,4% lên 36,2%.
Năm 2016, Vietjet Air tiếp tục đặt mục tiêu thị phần sẽ tăng thêm 10%. Trong báo cáo của Vietjet Air, "Mở rộng mạng đường bay nội địa" được Vietjet Air đặt ở vị trí số 1 trong danh sách mục tiêu chính của công ty năm 2016.
Với bản hợp đồng mua tới 100 chiếc Boeing 737 mới đây, ta có thể thấy chiến lược tập trung nội địa và khu vực sẽ tiếp tục là chiến lược dài hơi của hãng hàng không này.