Thổ cầu viện Mỹ tạo "lá chắn thép" trên bầu trời Syria?
Sau các diễn biến căng thẳng leo thang tại tỉnh Idlib của Syria. Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar cho biết Mỹ có thể sẽ hỗ trợ Ankara bằng các hệ thống phòng không MIM-104 Patriot.
Trước đó, Ankara đã yêu cầu Washington triển khai Patriot gần biên giới Syria, nhằm bảo vệ Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) và các đồng minh Syria khỏi các cuộc không kích của Không quân Vũ trụ Nga (VKS).
Mỹ được cho là đã nhận được yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chưa đưa ra quyết định.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, các bên đang tham khảo ý kiến của nhau. Washington cho rằng TAF có quyền phòng thủ ở khu vực này và rất ủng hộ quan điểm của Ankara trong tình huống căng thẳng hiện tại.
Theo nguồn tin từ Lầu Năm Góc, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang tích cực đàm phán nhằm mua hệ thống phòng không Patriot để bảo vệ không phận.
Hệ thống MIM-104 Patriot.
Hệ thống MIM-104 Patriot bao gồm đài chỉ huy điều khiển hỏa lực AN/MSQ-104, radar mảng pha đa chức năng AN/MPQ-53 và bệ phóng M901.
Một hệ thống có từ 4-8 bệ phóng với 4 tên lửa/ bệ phóng; một hệ thống PAC-3C là một đơn vị chiến đấu, có thể độc lập chiến đấu, bảo vệ một khu vực rộng lớn.
Hệ thống có khả năng phát hiện, nhận dạng và theo dõi đến 125 mục tiêu trên không; đồng thời dẫn bắn cho 24 tên lửa tiêu diệt 8 mục tiêu cùng lúc (3 tên lửa/ mục tiêu). Tầm bắn tối đa của tên lửa là 100 km, chiều cao phòng không là 20 km.
Xác suất tiêu diệt mục tiêu máy bay là 0,8-0,9 và tên lửa chiến thuật là 0,6-0,8 (với điều kiện môi trường tác chiến không bị gây nhiễu); có thể tiêu diệt mục tiêu có vận tốc đến 1.600 m/s.
Tên lửa Patriot đánh chặn tên lửa Scud trong chiến dịch Bão táp Sa mạc
Thực trạng tên lửa phòng không Thổ: Vừa cũ kỹ, vừa lạc hậu
Lực lượng phòng không của TAF có đủ loại trang bị từ radar phòng không, máy bay đánh chặn, tên lửa và pháo phòng không. Tuy nhiên xét một cách toàn diện, tên lửa phòng không của TAF khá yếu.
Tên lửa phòng không chủ lực của TAF hiện vẫn là MIM-14 Nike Hercules được phát triển từ thập niên 1950 với khả năng cơ động hạn chế, tên lửa không thể khai hỏa ở những trận địa chưa được chuẩn bị trước.
Tên lửa Nike Hercules có thể tấn công mục tiêu ở cự ly lên tới 150 km và ở độ cao tối đa 30 km nhưng theo một số nguồn tin, TAF chỉ còn 8 tổ hợp tên lửa (72 bệ phóng cố định).
Từ năm 2009, Nike-Hercules chỉ bố trí trên bờ biển Aegean và một số khu vực ở phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ để đề phòng các động thái từ Hy Lạp.
Mặc dù cả Thổ và Hy Lạp đều là thành viên NATO, nhưng hai nước có những mâu thuẫn nghiêm trọng trong quá khứ, đã nhiều lần dẫn đến các cuộc đụng độ vũ trang.
Tên lửa phòng không MIM-14 Nike Hercules.
Vào những năm 1970, một số hệ thống phòng không di động Hawk MIM-23B cải tiến, đã được chuyển từ Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Vào thời điểm đó, Hawk được đánh giá là khá tiên tiến và ưu điểm là có thể đánh chặn các mục tiêu có tốc độ cao, bay ở độ cao thấp, khả năng kháng nhiễu tốt, thời gian triển khai chiến đấu ngắn, khả năng cơ động cao.
Hawk có thể tiêu diệt các mục tiêu có tốc độ siêu thanh trong phạm vi từ 1-40 km; độ cao từ 300-18.000 m. Hiện nay TAF có 12 tổ hợp (48 bệ phóng).
Mặc dù đã được hiện đại hóa, nhưng cả 2 loại tên lửa tầm trung và cao Nike-Hercules và Hawk đều thuộc thế hệ cũ, không có khả năng hiện đại hóa để đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại.
Một bệ phóng tên lửa Hawk MIM-23B của Thổ Nhĩ Kỳ.
Để bảo vệ các căn cứ không quân khỏi các máy bay ném bom tầm thấp như Su-7B, Su-17, MiG-23B, Su-24 và các máy bay ném bom tầm xa Tu-16, Tu-22 và Tu-22M của Liên Xô, vào đầu những năm 1980, Mỹ đã tài trợ cho Thổ mua 14 tổ hợp phòng không tầm thấp Rapier từ Anh.
Với 8 tên lửa cùng radar dẫn bắn, Rapier có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly từ 500 đến 7.000 m, độ cao từ 15 m đến 3.000 m.
Cùng nhiệm vụ phòng thủ tầm thấp với Rapier là các tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) FIM-92 Stinger có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly đến 4.500 m, độ cao 3.800 m.
Như vậy, đánh giá chung về tên lửa phòng không của TAF phần lớn xuất xứ nước ngoài và đã lạc hậu, khó có thể đáp ứng yêu cầu bảo vệ không phận chứ chưa nói tới việc đối đầu với VKS ở Syria.
Hệ thống phòng không tầm thấp Rapier của Thổ Nhĩ Kỳ.
Patriot triển khai sát Idlib, "thời khắc đen tối" cho máy bay Nga?
Năm 2019, TAF đã trang bị hệ thống phòng không S-400 Triumf. Việc sở hữu S-400 góp phần tăng đáng kể năng lực tự vệ của quốc gia này.
Nhưng ở thời điểm hiện tại, TAF chưa thể độc lập vận hành S-400 (cần khá nhiều thời gian để hiểu biết toàn diện và phân tích sâu về các thông số của S-400). Bên cạnh đó, việc người Nga nắm rõ thông số kỹ thuật của S-400 cũng sẽ dễ dàng chế áp nếu S-400 xung trận.
Từ những lý do trên, Ankara yêu cầu tới Washington bố trí 2 hệ thống phòng không MIM-104 Patriot tại tỉnh Hatay giáp tỉnh Idlib của Syria.
Ông Konstantin Makienko, Phó giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga, bình luận với tờ Gazeta.ru:
"Nếu Patriot được triển khai ở gần biên giới Syria, điều đó có thể đe dọa sự an toàn trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu của trung đoàn không quân hỗn hợp tại căn cứ Khmeimim ở Syria.
Về tính năng kỹ chiến thuật Patriot hoàn toàn không thua kém hệ thống phòng không S-400 của Nga, thậm chí có nhỉnh hơn đối thủ vì đã qua thực chiến.
Patriot có hiệu suất chiến đấu cao, khả năng chống nhiễu và tính cơ động tốt. Đây thực sự là một vũ khí nguy hiểm với tất cả các vật thể bay.
Thông thường, máy bay chiến đấu Nga không kích các mục tiêu ở Idlib từ độ cao ít nhất là 6.000 mét và bay với tốc độ cận âm nhằm hạn chế các vũ khí phòng không tầm thấp như pháo phòng không và MANPADS.
Ở cao độ và tốc độ nói trên, máy bay Nga là mục tiêu hoàn hảo cho các tổ hợp phòng không tầm trung và cao. Nếu không có sự hỗ trợ kỹ thuật như gây nhiễu điện tử chẳng hạn, tỷ lệ bị bắn rơi của máy bay Nga là gần 100%.
Tuy nhiên, việc bắn rơi máy bay Nga từ lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, nhất là cho Ankara. Các hành động trả đũa của Nga có thể vượt quá mọi dự đoán.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể mua bất cứ thứ gì mà họ muốn. Nhưng mặc dù đang sở hữu hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới (S-400), việc họ cầu viện người Mỹ có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, nhất là khi Moscow cho rằng Ankara dám chọc giận họ".
Cảnh quay các máy bay chiến đấu (được cho là Su-34 và MiG-23) của Không quân Vũ trụ Nga (VKS) liên tục phóng mồi bẫy nhằm thoát khỏi sự uy hiếp của tên lửa phòng không Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib.