10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm

Kiến Anh |

10 năm nhìn lại, người ta nhìn thấy một doanh nghiệp đi lên từ kinh doanh bất động sản, quyết định buông bỏ bất động sản để chuyển hướng sang nông nghiệp, kết quả là khó chồng khó, làm đâu thua đó. Một doanh nhân từng giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt hiện đã tụt hạng xuống top 50, thậm chí đã rất gần với... top 60.

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió - ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong thập niên vừa qua với series " THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG " – Những câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: "Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn" - "BETTER BUSINESS – BETTER LIFE".

----------------------

Tháng 12/2008, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) chính thức niêm yết trên sàn TP HCM (HOSE) với mã chứng khoán HAG. Với việc nắm giữ 55% cổ phần (109 triệu cp HAG) trị giá 6.160 tỷ đồng, gần như ngay lập tức Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức trở thành người giàu nhất thị trường chứng khoán năm đó.

Năm 2009, ông Đức chia sẻ với báo chí khát vọng ghi tên mình vào danh sách tỷ phú thế giới. "Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc".

Nhưng đáng tiếc, đây cũng là thời điểm thịnh vượng nhất của HAGL, và 2008 cũng là năm duy nhất cái tên Đoàn Nguyên Đức tại vị ở ngôi cao nhất trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán Việt.

Thập kỷ vừa qua có thể nói là giai đoạn nhiều áp lực với "ông bầu phố núi" Đoàn Nguyên Đức và khó khăn nhất trong lịch sử phát triển của HAGL.

10 năm chứng kiến chuỗi ngày tháng từ đỉnh hoàng kim đến mấp mé bờ vực phá sản, được cứu trong gang tấc nhưng tương lai vẫn là dấu hỏi. 10 năm đưa đẩy một doanh nhân từ ngôi vị giàu nhất nhì sàn chứng khoán Việt rời xa khỏi top 40, thậm chí sắp tới có thể là top 50.

Cùng nhìn lại những con sóng dữ trong thập kỷ vừa qua của HAGL để chiêm nghiệm, và kỳ vọng doanh nghiệp này có thể vượt sóng bình yên trở về.

BỎ BẤT ĐỘNG SẢN, TÌM VỀ NÔNG NGHIỆP

Trong giai đoạn từ năm 2012 trở về trước, phần lớn doanh thu cũng như lợi nhuận của Hoàng Anh Gia Lai đến từ lĩnh vực bất động sản. Hai nguồn thu tương đối lớn khác trong giai đoạn 2007 - 2012, mà hiện vẫn đóng góp đáng kể vào doanh thu, là kinh doanh hàng hóa và xây dựng.

Những khó khăn của thị trường bất động sản trong nước giai đoạn 2012-2015 thúc đẩy bầu Đức tìm kiếm cơ hội trong ngành nông nghiệp ở nước ngoài. Thời gian đầu, ông đặt cược vào cây công nghiệp như mía đường, cao su, cọ dầu... với niềm tin giá cao nên không thể chết được.

Từ năm 2013, mảng bất động sản từ vị thế là nguồn thu chủ lực đã trở thành thiểu số với vỏn vẹn 248 tỷ đồng, so với con số hơn 2.800 tỷ đồng của năm 2012. Cũng từ năm này, các sản phẩm chủ lực của HAGL đã liên tục thay đổi qua mỗi năm.

MÍA ĐƯỜNG

Năm 2012, HAGL gây chú ý dư luận khi quyết định đầu tư 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu. Cụm khu công nghiệp khép kín này đặt ngay nông trường mía 10.000 hecta, bao gồm một nhà máy tinh luyện đường công suất 120 ngàn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 megawatt và một nhà máy sản xuất ethanol.

Ông Đức rất tự tin với dự án mía đường này, bởi đã tìm hiểu kỹ lưỡng và đầu tư rất mạnh vào công nghệ, máy móc thiết bị và giống cây năng suất cao.

Theo đó, HAGL có thể hoàn toàn chủ động nguồn nguyên liệu với giống mía cho năng suất 130 tấn/hecta, hệ thống tưới nước tự động từ Israel, diện tích canh tác lớn và liền vùng, có thể áp dụng máy móc thiết bị trong công tác trồng, chăm sóc và thu hoạch mía.

Bên cạnh đó, việc tận dụng bã mía sẽ làm nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện, rồi lấy tro quay trở lại làm phân bón mía. Tất cả những lợi thế này khiến giá thành sản xuất mỗi tấn mía đường của Bầu Đức có thể giảm mức tối đa.

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 1.

Ông Đức tại nông trường mía đường Attapeu.

Năm 2012, ông Đức từng tuyên bố sẽ đưa 100.000 tấn đường về Việt Nam, thậm chí còn khuyên các doanh nghiệp đường trong nước "nên đóng cửa nếu thua lỗ vì công nghệ đã quá lạc hậu".

Thời gian đầu bước vào kinh doanh ngành nông nghiệp, bầu Đức vẫn tiếp tục thực hiện nhiều dự án, khai khoáng cũng như thủy điện. Khi đó, ngành nông nghiệp được dự đoán là cách để bầu Đức thực hiện lấy ngắn nuôi dài: Dùng lợi nhuận của mía đường, dầu cọ... để tạo vốn cho địa ốc, bất động sản, thậm chí chỉ là để nuôi rừng cây cao su của ông chủ HAGL.

Từ năm 2013, lần đầu tiên HAGL có nguồn thu từ mía đường. Mảng kinh doanh này trở thành nguồn thu chủ đạo của 2 năm 2013-2014 cho tập đoàn.

Tuy nhiên, trong 2 năm 2015-2016, mía đường dù vẫn đóng góp đáng kể vào nguồn thu của HAGL nhưng vai trò "đầu tàu" doanh thu đã chuyển sang chăn nuôi bò. Việc xuất hiện thêm sản phẩm bò, đạt 2.500 tỷ doanh thu trong năm 2015 và 3.500 tỷ trong năm 2016 đã giúp doanh thu của HAGL tăng lên đáng kể.

Tuy vậy, đây cũng là khoảng thời gian khó khăn nhất của HAGL khi tập đoàn này phải ghi nhận những khoản lỗ lớn liên quan đến quá trình xử lý các tài sản xấu và tái cơ cấu các khoản nợ.

Năm 2017, các ngành kinh doanh của bầu Đức ngoài lãnh thổ Việt Nam đứng trước nguy cơ phải chuyển nhượng vì công ty này không còn đủ năng lực vay vốn để đáp ứng dòng vốn lưu động. Dẫu đặt nhiều kỳ vọng vào ngành đường, nhưng áp lực nợ nần buộc bầu Đức phải bán lại công ty HAGL Sugar (Công ty này sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH Mía đường Hoàng Anh Attapeu – đơn vị sở hữu nhà máy đường và nông trường mía tại Lào) cho 2 công ty của ông Đặng Văn Thành là Đường Biên Hòa và Thành Thành Công Tây Ninh với giá 1.330 tỷ đồng.

CAO SU

"Bán nhà cũng phải trồng cao su".

Cùng lúc trồng mía đường tại Lào, bầu Đức cũng tìm đến cao su với niềm tin sẽ trở thành cây trồng trụ cột của HAGL. Ông Đức tin tưởng vào cao su tới độ, ngay cả thời gian khó khăn 2012-2015, khi quyết định rời bỏ thị trường bất động sản trong nước, ông Đức cũng tuyên bố "bán nhà cũng phải trồng cao su. Từ năm 2014 trở đi, mỗi năm lợi nhuận của tôi sẽ là 450 triệu USD".

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 3.

Công nhân HAGL cạo mủ cao su.

Nhưng người tính không bằng trời tính. Giá cao su quốc tế dường như đi ngược hoàn toàn với kỳ vọng của ông chủ HAGL.

Khi HAGL bắt đầu dự án trồng cao su, mức giá trên thị trường thế giới là 4.000 - 5.000 USD tấn, giá thành sản xuất chỉ là 1.200 - 1.300 USD. Đến năm 2016, khi nông trường cao su bắt đầu có thể thu hoạch và khai thác, giá cao su thế giới lại ở mức thấp kỷ lục, chỉ 1.650 USD/tấn.

Giai đoạn 2017-2020, dù giá cao su quốc tế đã vài lần biến động tăng nhưng vẫn còn rất xa so với mức đỉnh thời điểm HAGL đầu tư.

Ngoài mía đường và cao su, một loại cây trồng được HAGL đầu tư lớn từ nhiều năm nay là cọ dầu cũng chưa thấy xuất hiện trong danh sách nguồn thu.

XOAY TRỤC SANG CHĂN NUÔI BÒ

Năm 2014, bầu Đức gây bất ngờ khi quyết định nuôi bò số lượng lớn tại Lào. Theo lời ông Đức tuyên bố khi đó, HAGL sẽ nuôi cả bò thịt và bò sữa, riêng bò sữa của tập đoàn này sẽ cho sản lượng trên mỗi con cao gấp đôi những gì TH đang thực hiện.

Với việc nắm trong tay đàn bò 200.000 con cả bò thịt và bò sữa, ông Đức tự tin rằng nuôi bò sẽ còn lãi hơn BĐS thời cực thịnh, không giấu tham vọng thu triệu đô từ bò với tiết lộ sẽ chi tới 3.000 tỷ đồng để phát triển các ngành công nghiệp xoay quanh đàn bò.

"Tôi sẽ mở rộng đàn bò vì đây là kênh hiệu quả nhất trong tất cả những ngành tập đoàn từng đầu tư. Nếu nuôi bò tốt sẽ gặt hái siêu lợi nhuận còn hơn cả bất động sản ở thời cực thịnh".

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 4.

Ông Đoàn Nguyên Đức giới thiệu về dự án chăn nuôi bò tại Lào.

Năm 2016, khó khăn tài chính bủa vây tập đoàn, đàn bò trở thành cứu cánh của bầu Đức, là bệ đỡ doanh thu duy nhất giúp HAGL tạm thời bám trụ trước thảm cảnh phá sản.

"Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn".

Nhưng cũng giống như mía đường, ngành chăn nuôi bò chỉ bội thu trong 2 năm rồi lại nhường vị trí cho một sản phẩm mới toanh: chanh dây, thanh long và chuối.

Nguồn thu từ thịt bò dự kiến giảm đột ngột từ mức 3.500 tỷ trong năm 2016 xuống còn 1.240 tỷ đồng vào năm 2017. Tỷ suất lợi nhuận gộp của bò dự kiến chỉ ở mức 10% - thấp nhất trong số các sản phẩm chính mà HAGL đang kinh doanh.

HAGL xoay lại kế hoạch phát triển, tập trung vào cây ăn trái. Đàn bò bị cắt giảm xuống chỉ còn 5% so với trước, chỉ đóng vai trò là một phần trong chuỗi nông nghiệp khép kín để lấy phân bón.

CÁNH TAY CỦA THACO VÀ TƯƠNG LAI CỦA CÂY ĂN TRÁI

Trong đại hội cổ đông năm 2017 diễn ra vào tháng 6/2018, bầu Đức đứng trước áp lực lớn của cổ đông, khi đã rất lâu rồi báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán và những thông tin cổ tức không còn là điều thúc đẩy niềm tin của cổ đông vào tập đoàn.

Trong những cuộc họp đại hội, cổ đông trở nên quen thuộc với những lời nhắn nhủ cố gắng kiên nhẫn từ bầu Đức.

"Trồng cây phải có thời gian, tôi rất hiểu nóng lòng của các bạn sao trồng mãi chưa thấy thu hoạch dòng tiền. Tuy nhiên, các bạn cần nhớ HNG chuyển từ trồng cao su sang cây ăn quả, mà cây ăn quả phải nhiều năm mới có kết quả. Dự kiến năm 2018 doanh thu vẫn sẽ khiêm tốn, có muốn vội cũng không được", ông Đức phân trần tại đại hội.

Sang quý I/2018, báo cáo tài chính của HAGL ghi nhận doanh thu trên 1.000 tỷ đồng và lợi nhuận 56,6 tỷ đồng, nhưng những kết luận trong báo cáo kiểm toán lại là đòn giáng mạnh cho công ty này.

Báo cáo kiểm toán được E&Y thực hiện cho thấy doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của Hoàng Anh Gia Lai đạt 4.841 tỷ đồng, giảm 27,8% so với năm 2016; lợi nhuận sau thuế giảm từ 1.032 tỷ đồng xuống còn 371,6 tỷ đồng, chênh lệch hơn 660 tỷ đồng sau kiểm toán.

Tới tháng 8/2018, cả thị trường chờ đón sự hợp tác chiến lược giữa HAGL và Thaco, được kỳ vọng việc hợp tác sẽ "cứu" HAGL khỏi bờ vực phá sản.

Tại buổi lễ hợp tác, ông Đức thừa nhận, từ đầu năm 2018, trước những khó khăn mà tập đoàn gặp phải trong một thời gian dài, ông đã tìm gặp và đề nghị sự hợp tác, hỗ trợ của Chủ tịch THACO Trần Bá Dương.

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 6.

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức và Chủ tịch THACO Trần Bá Dương tại buổi kí kết hợp tác chiến lược giữa 2 tập đoàn hồi tháng 8/2018.

Trước đề nghị của ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Bá Dương đã đầu tư vào Công ty HNG.

Ông cho biết cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để thực hiện chiến lược phát triển bền vững, dựa trên 3 giải pháp đồng bộ là: ứng dụng công nghệ cao một cách phù hợp theo lộ trình; quản trị bằng ứng dụng công nghệ thông tin trên cơ sở số hóa và cơ giới hóa cho tất cả các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: từ canh tác đến thu hoạch, vận chuyển, lưu kho, chế biến chuyên biệt theo nhóm cây ăn trái và cây công nghiệp với tổng vốn đầu tư tiếp ước khoảng 12.000 tỷ đồng.

Đồng thời, sẽ ứng dụng mô hình quản trị giao khoán trong nội bộ tiến đến áp dụng nhân rộng hợp tác với nông dân bên ngoài, góp phần tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành nông nghiệp Việt nam.

Cụ thể việc hợp tác:

- THACO đầu tư vào Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL để sở hữu 35% vốn cổ phần bằng nghiệp vụ mua trái phiếu chuyển đổi, mua cổ phiếu của các tổ chức và cá nhân đang sở hữu trên sàn chứng khoán với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.

- Đối với dự án HAGL Myanmar, bước đầu THACO sẽ đầu tư để sở hữu 51%, kế tiếp là tăng lên 65% với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Đồng thời, THACO sẽ chịu trách nhiệm chính đối với dự án này.

Theo đó, đẩy nhanh việc xây dựng giai đoạn 2 vốn đang bị chậm trễ để sớm hoàn thành dự án theo cam kết với chính phủ Myanmar. Đây được xem là dự án đầu tư tiêu biểu của doanh nghiệp Việt Nam vào Myanmar, thể hiện mối quan hệ hợp tác kinh tế tốt đẹp giữa 2 nước.

THACO chính thức bỏ ra gần 8.000 tỷ đồng để sở hữu 35% Công ty Nông nghiệp Quốc tế HAGL và 51% HAGL Land.

Đây chỉ là số tiền mua cổ phần để nắm quyền sở hữu, còn muốn HAGL phát triển nhanh và bền vững, có lợi nhuận tốt cho những năm sau, THACO sẽ tiếp tục hợp tác bỏ ra khoảng 12.000 tỷ đồng để cơ cấu lại các khoản nợ vay đến hạn, đầu tư vào việc chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái hiện có, phát triển mở rộng diện tích trồng cây ăn trái mới và giai đoạn 2 dự án Myanmar.

Như vậy, tổng số tiền THACO góp vào sẽ lên đến gần 20.000 tỷ đồng tương đương 900 triệu USD, đây là số tiền rất lớn cho một thương vụ đầu tư, có thể nói là một trong những thương vụ lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam cho đến thời điểm đó đối với 2 doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, THACO và Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của dự án HAGL Myanmar với tổng vốn đầu tư ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 7.

Nông trường trồng cây ăn trái của Công ty nông nghiệp HAGL.

Thời điểm tròn 1 năm sau ngày hợp tác, ông Đức cho biết THACO đã đầu tư 22.194 tỉ đồng (gần 1 tỉ USD) như kế hoạch hợp tác đã công bố. Đến nay HAGL đã cơ bản ổn định dòng tiền và tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp.

Theo ông Đức, khi việc hợp tác mới khởi động, đã có nhiều người hoài nghi về mối quan hệ và những cam kết này. Thế nhưng với việc tái cấu trúc về tài chính trong năm qua, cùng với sự tích cực đã, đang và sẽ chuyển đổi toàn bộ diện tích cây cọ dầu và một phần cây cao su sang cây ăn trái, doanh thu cây ăn trái đã tăng trưởng nhanh, ổn định.

"Việc hợp tác giữa THACO và HAGL đã duy trì và phát triển Tập đoàn HAGL. Điều này không chỉ giúp giữ được công ăn việc làm ổn định cho hơn 30.000 lao động mà còn mang lại cho hơn 60.000 lao động trong tương lai gần tại VN, Lào, Campuchia và Myanmar", ông Đức chia sẻ tại lễ kỷ niệm 1 năm HAGL hợp tác với THACO.

Sau 1 năm, chia sẻ với báo chí, người đứng đầu THACO không phủ nhận thời điểm mới rót vốn chịu rất nhiều rủi ro, tuy nhiện hiện rủi ro chết người đã qua; và trả lời THACO có chết chìm hay không thì phải cân đối nhiều yếu tố.

Trong đó, những rủi ro nguy hiểm phải kể đến như (i) khả năng cứu nửa vời, (ii) suốt 1 năm không có sự chuyển biến, không có hướng ra sẽ bị ngân hàng "chặt luôn 2 thằng", vì THAO cũng phải vay, (iii) cuối cùng là khả năng trồng mới, khả năng tổ chức sản xuất… đã qua rồi.

Và rủi ro thời gian tới, theo ông Dương không còn là rủi ro chết người, mà là thách thức bản thân lãnh đạo phải làm đàng hoàng, lo cho nhân viên chỗ ăn chỗ ở, đào tạo thành công nhân trong nông nghiệp thực thụ.

Hiện tại, tính tới đại hội cổ đông gần nhất vào tháng 6/2020, ông Đức cho biết nguồn thu năm nay chủ yếu từ mảng cây ăn trái và mủ cao su. Riêng mảng cây ăn trái dự kiến mang lại 4.672 tỷ đồng (tăng 2,7 lần năm 2019) chiếm tỷ trọng 92% trong cơ cấu doanh thu; chuối tiếp tục là sản phảm chủ lực với doanh thu kế hoạch 4.187 tỷ đồng.

Thị trường tiêu thụ hiện nay của HAGL đang lấy thị trường Trung Quốc làm nền tảng và sẽ chiếm giữ vị trí nhà cung cấp trái cây nhiệt đới lớn nhất tại thị trường này.

Ngoài ra, Tập đoàn cũng chú trọng sản xuất sản phẩm có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Global Gap hoặc các tiêu chuẩn tương đương đủ điều kiện xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các nước Châu Âu.

Có lẽ sẽ cần thêm thời gian để đánh giá hiệu quả của dự án cây ăn trái mà HAGL đang dồn lực phát triển, sẽ là một cứu cánh thực sự vực dậy cả tập đoàn trong thập niên tới, hay sẽ lại cần đến một giải pháp khác thay thế như những dự án trước đó của bầu Đức suốt gần 10 năm qua.

10 năm bão táp của Hoàng Anh Gia Lai: Bỏ bất động sản, tìm về nông nghiệp, từ đỉnh cao huy hoàng tới mấp mé vực thẳm - Ảnh 8.

Doanh thu thuần của HAGL giai đoạn 2009-2019 biến động lên xuống liên tục theo từng ngành hàng chủ lực. Trong năm tài chính gần nhất 2019, chỉ tiêu này chỉ đạt hơn 2000 tỷ đồng, mức thấp nhất trong thập kỷ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại