Khi Tổng thống Trump bắt đầu nhiệm kỳ hồi tháng 1/2017, nền kinh tế Mỹ vẫn ở trạng thái "khỏe mạnh". Nền kinh tế đã chứng kiến số lượng việc làm tăng liên tiếp 76 tháng – đà tăng dài nhất lịch sử ở thời điểm đó. Ngoài ra, lợi nhuận doanh nghiệp cũng ở gần mức cao nhất mọi thời đại, thị trường chứng khoán cũng liên tiếp lập đỉnh.
Nhìn chung, GDP Mỹ tăng khoảng 2,5%/năm, con số này khá khiêm tốn so với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không phải số liệu nào cũng "màu hồng" dưới thời ông Trump, ví dụ như nợ liên bang ở mức cao nhất kể từ những năm 1950.
Tuy nhiên, theo hầu hết các số liệu, thì có một điều khó để phủ nhận đó là nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng với tốc độ vững chắc. Và dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump, đà tăng trưởng vẫn tiếp tục duy trì. Sau đó, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát và ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế.
Dưới đây là 10 biểu đồ cho thấy nền kinh tế Mỹ có diễn biến như thế nào dưới thời mỗi tổng thống từ Ronald Reagan cho đến ông Trump. Một điều cần lưu ý là, mỗi nhiệm kỳ tổng thống bắt đầu trong bối cảnh khác nhau. Ví dụ, nhiệm kỳ của ông George W. Bush gặp khó khăn bởi sự kiện bong bóng dot-com và cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9. Còn ông Obama lại đối diện với cuộc Đại suy thoái, diễn ra sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp những cuộc khủng hoảng trên, hầu hết các tổng thống Mỹ gần đây đều chứng kiến nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tại vị. Trong khi đó, nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sẽ được chú ý bởi phản ứng của ông đối với đại dịch.
Cho đến năm 2020, nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump vẫn được chú ý và đánh giá cao bởi đà tăng trưởng vững chắc của thị trường việc làm. Tuy nhiên, khi đại dịch càn quét nền kinh tế, số lượng việc làm đã giảm 15% chỉ trong 2 tháng. Kể từ tháng 5, chỉ có 1 nửa số đó được hồi phục. Bởi vậy, ông Trump đang bước vào cuộc bầu cử với số lượng việc làm bị mất nhiều nhất dưới thời bất kỳ tổng thống nào.
Vào thời điểm nhậm chức, ông Trump đã đối diện với một trong những giai đoạn khởi sắc nhất của thị trường việc làm trong lịch sử nước Mỹ. Tuy nhiên, Covid-19 đã nhanh chóng chấm dứt điều đó. Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 14,7%, tăng 10 điểm phần trăm so với thời điểm ông nhậm chức. Dù đã cải thiện, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn tăng trong tháng 9. Chưa từng có tổng thống Mỹ nào chứng kiến tình trạng thất nghiệp tăng đột biến như vậy.
Trong 3 năm đầu tiên của ông Trump, thu nhập của tầng lớp trung lưu đã được cải thiện. Hồi tháng 9, Cục Điều tra Dân số Mỹ đã công bố số liệu cho thấy thu nhập trung bình của hộ gia đình Mỹ là 68.703 USD/năm trong năm 2019, tăng 5.800 USD, tương đương 9%, so với 2016, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Thị trường việc làm tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp thu nhập tăng cao, khi nhiều người có công việc toàn thời gian trong dài hạn. Ngoài ra, hơn 20 bang cũng tăng mức lương tối thiểu, thúc đẩy thu nhập của người lao động thu nhập thấp.
Hiện tại, số liệu của năm 2020 chưa được công bố, nhưng đại dịch chắc chắn là yếu tố ảnh hưởng lớn đến những con số đó. Đối với 1 số gia đình, khoản hỗ trợ 1.200 USD và trợ cấp thất nghiệp tạm thời 600 USD thực sự đã giúp họ rất nhiều trong thời gian đại dịch diễn ra. Tuy nhiên, nhiều người khác, đặc biệt là những người mất việc hoặc chật vật với tình trạng thất nghiệp quá lâu, vẫn gặp nhiều khó khăn.
Thị trường "con bò" kéo dài nhất trong lịch sử đã diễn ra trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, khi nhà đầu tư hứng khởi việc ông giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2017. Bất chấp chiến tranh thương mại với Trung Quốc mang đến nhiều rủi ro, nhưng thị trường vẫn ghi nhận mức tăng kỷ lục cho đến năm 2020. Khi đại dịch bắt đầu lây lan vào đầu năm 2020, chỉ số S&P 500 đã giảm 34%. Tính đến ngày 28/10, chỉ số này đã tăng 44% trong nhiệm kỳ của ông Trump.
Thị trường nhà ở là một trong số ít lĩnh vực của nền kinh tế Mỹ không bị sụt giảm nghiêm trọng trong thời điểm Covid-19 hoành hành. Lý do một phần bởi lãi suất đang ở mức thấp kỷ lục và xu hướng làm việc tại nhà đã thúc đẩy người dân ở thành phố mua nhà tại các khu ngoại ô và nông thôn. Theo đó, giá nhà ở nhiều vùng đã tăng lên. Ngoài ra, các biện pháp hỗ trợ vay thế chấp nhà trong năm nay cũng thúc đẩy thị trường nhà ở. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, giá nhà đã tăng 21%.
Trong thời điểm đại dịch diễn ra, giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng đột ngột. Tuy nhiên, trong khoảng thời dài, mức giá vẫn tương đối ổn định. Trong các nhiệm kỳ của Tổng thống Reagan,Clinton và George W. Bush mức giá đều tăng từ 9% trở lên. Giá thực phẩm chỉ tăng 6,1% dưới thời ông Trump và 5,9% dưới thời ông Obama, do đó có thể thấy lạm phát đang ở mức thấp.
Người tiêu dùng chính là trụ cột của nền kinh tế Mỹ và họ không dễ cảm thấy thất vọng. Dù đã cắt giảm mạnh chi tiêu khi đại dịch diễn ra, nhưng họ nhanh chóng "mở ví" vào tháng 5 và tháng 6, sau khi các khoản trợ cấp từ gói kích thích và trợ cấp thất nghiệp được tung ra.
Chi tiêu cho hàng hóa bán lẻ, đặc biệt là các nhà bán lẻ trực tuyến, đã tăng nhanh chóng. Dẫu vậy, chi tiêu người tiêu dùng trong nhiệm kỳ của ông Trump tăng ít hơn so với những người tiền nhiệm.
Việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đã lên đến đỉnh điểm vào năm 1979 và chưa có vị tổng thống nào ngoài ông Clinton vượt qua con số đó. Do đó, khi ông Trump hứa hẹn mang lại việc làm cho các nhà máy, đó là một mục tiêu khá tham vọng. Trong 3 năm đầu tiên nhiệm kỳ của ông Trump, lĩnh vực sản xuất đã tạo ra thêm một số việc làm. Nhưng 2020, đại dịch đã hủy hoại sự cải thiện đó. Tính đến tháng 9, lĩnh vực này chứng kiến số lượng việc làm giảm 164.000, tương đương 1,3% so với thời điểm ông Trump nhậm chức.
Mức nợ liên bang tại Mỹ hiện tại chưa từng cao đến như vậy so với quy mô nền kinh tế, kể từ Thế chiến II. Tuy nhiên, nguyên nhân không phải là do nhiệm kỳ của ông Trump. Nợ đã tăng dưới thời ông Reagan – thúc đẩy động thái cắt giảm thuế quy mô lớn, và tăng mạnh khi ông Obama lãnh đạo khi đưa ra các biện pháp kích thích liên bang để hỗ trợ nền kinh tế trong cuộc Đại suy thoái.
Ở thời điểm ông Trump nhậm chức, tỷ lệ nợ công/GDP là 76%. Tuy nhiên, đến giữa năm 2020, con số này là 105%, tăng 29 điểm phần trăm trong nhiệm kỳ của ông. Nguyên nhân là do các biện pháp hỗ trợ tác động của dịch bệnh, các chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp và tăng chi tiêu cho quốc phòng.
GDP Mỹ đã tăng trưởng trong khoảng 2-3% trong 3 năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump. 2020 chứng kiến đà sụt giảm sâu sắc, khi quý II là khoảng thời gian tồi tệ nhất đối với kinh tế Mỹ kể từ năm 1947. Tuy nhiên, GDP Mỹ đã hồi phục mạnh mẽ trong quý III vừa qua, với mức tăng trưởng 33,1%.
Tham khảo CNN