"Mùa giải V.League đầu tiên giống như đã kéo mình từ trên mây xuống với thực tế phũ phàng, và trận đấu gặp Khánh Hòa trong ngày mở màn chính là cầu nối cho điều đó", Xuân Trường thẳng thắn chia sẻ về mùa giải 2015, năm anh và đồng đội được bầu Đức đôn thẳng lên đội một, sau khi HAGL quyết định thay máu đội hình, chia tay gần như toàn bộ lứa cầu thủ kỳ cựu.
Trong chương trình XT6 PODCAST số 4, tiền vệ quê Tuyên Quang đã trải lòng về hành trình từ đỉnh cao ở những ngày khoác áo U19 Việt Nam, cho đến khi tinh thần tụt xuống đáy vì thực tại phũ phàng khi bước chân lên V.League.
Chúng tôi xin chia sẻ lại nội dung này tới độc giả qua lời kể của chính Xuân Trường, với nhiều góc khuất chưa từng tiết lộ.
MÀN RA MẮT ĐẦY CẢM XÚC CỦA U19 VIỆT NAM
Ngược trở lại về tháng 9 năm 2013, mình đã cùng thầy Guillaume và các anh em ở U19 Việt Nam chinh chiến tại giải U19 Đông Nam Á trên đất Indonesia. Đội hình của U19 Việt Nam năm đó đa số là học viên của học viện HAGL - JMG, kết hợp với 8 cầu thủ đã thể hiện xuất sắc ở các giải trẻ trong nước.
Với các cầu thủ từ những lò khác, họ đã được va vấp ở nhiều giải trẻ chính thức trong nước và quốc tế. Tuy nhiên với các cầu thủ của học viện, đây mới là lần đầu bọn mình được chính thức ra trận. Trước đó thì bọn mình chỉ tập luyện tại Hàm Rồng hoặc đi tập huấn ở nước ngoài, chứ chưa được tham dự bất kỳ một giải đấu chính thức nào. Chính vì điều này mà tụi mình đặt chân đến Indonesia với tâm trạng vô cùng háo hức.
Dù là lần đầu tiên tham gia một giải chính thức nhưng bọn mình không hề cảm thấy hồi hộp hay e sợ điều gì. Những gì được tập luyện từ năm 2007, bọn mình đều đem vào trong từng trận bóng.
Ngày đó chơi bóng thực sự phải dùng từ sướng. Tụi mình chơi bóng một cách rất vô tư, tự tin ban bật và thi triển lối đá quen thuộc tiki - taka. Chính tâm lý thoải mái đó đã giúp U19 Việt Nam vượt qua toàn bộ các đối thủ gặp phải là U19 Thái Lan, U19 Malaysia, U19 Indonesia, U19 Myanmar, U19 Brunei và U19 Lào để tiến đến trận chung kết.
Bọn mình năm đó thắng ròn rã và bắt đầu được truyền thông ca tụng. Chỉ hơi tiếc là mình bị gãy tay trong trận đấu với U19 Myanmar ở trận cuối cùng của vòng bảng và phải nghỉ toàn bộ chặng đường còn lại của giải.
Đến trận chung kết, bọn mình gặp lại chủ nhà U19 Indonesia, đối thủ mà chúng mình đã đánh bại ở vòng bảng. Ngày hôm đó sức ép mà cổ động viên chủ nhà tạo ra trên các khán đài sân vận động Gelora Delta là vô cùng khủng khiếp. Tuy nhiên điều này không làm các anh em nao núng.
Những bạn nào đã trực tiếp theo dõi trận đấu ngày hôm đó sẽ thấy các cầu thủ của U19 Việt Nam vẫn tự tin thực hiện những miếng đánh quen thuộc và tạo ra rất nhiều cơ hội về phía khung thành đối phương.
Bên kia chiến tuyến, các cầu thủ U19 Indonesia thì liên tục sử dụng lối đá rắn và có phần thô bạo. Với các cầu thủ đến từ Học viện thì việc này khiến bọn mình gặp đôi chút e ngại, bởi trước đó các cầu thủ của học viện rất hiếm khi được trải nghiệm việc thi đấu với đối thủ có lối chơi rắn và vào bóng mạnh bạo kiểu như vậy. Nên khi các bạn Indonesia chơi xấu, bọn mình đương nhiên cũng cảm thấy hơi rén. Mình nghĩ ai cũng vậy thôi.
Nhưng rồi nó cũng chỉ làm ảnh hưởng một phần nhỏ vì khi có bóng trong chân là bọn mình lại quên hết, vẫn thi đấu một cách thăng hoa. Thậm chí còn cảm thấy phấn khích khi đội bạn cứ liên tục phải đi phạm lỗi như vậy.
Có cảm giác chúng ta sớm muộn rồi cũng sẽ có bàn thắng. Tiếc là điều đó không đến. Ngày hôm đó thần may mắn ngoảnh mặt lại với những cú sút của bọn mình. Sau 120 phút, hai đội bước vào loạt đá luân lưu may rủi. Người may là đội chủ nhà, còn phần rủi thì thuộc về U19 Việt Nam bọn mình.
Sau trận đấu, mình rất hụt hẫng. Ngồi trên khán đài mà lúc đó chỉ ước rằng: Giá như mình đủ khỏe mạnh để có thể chiến đấu cùng anh em! U19 Việt Nam là đội thi đấu trên cơ hoàn toàn, nhưng lại không thể vô địch. Đó là sự nghiệt ngã của bóng đá!
Nhưng cảm giác thất vọng đó cũng vơi đi phần nào, sau khi về đến phòng, lên mạng và nhận ra toàn đội đã được khán giả nhà ủng hộ rất nhiều sau trận chung kết.
Khán giả ấn tượng với lối đá của U19 Việt Nam ở giải đấu đó. Họ dành lời khen ở phần bình luận trên các diễn đàn, thậm chí có những lời tâng bốc nói rằng chúng mình chính là tương lai của bóng đá Việt Nam. Sự thật là U19 Việt Nam không chiến thắng trên sân bóng, nhưng đã giành được tình cảm to lớn trong lòng người hâm mộ.
NHỮNG NGÀY "TRÊN MÂY" VÀ CƠN "ÁC MỘNG" ĐẦU TIÊN
Sau giải đấu đó là vòng loại U19 châu Á 2014, nơi mà chúng mình giành 3 trận toàn thắng, trong đó chiến thắng 5-1 trước U19 Úc được báo chí ví như "chấn động châu lục". Từ đấy, U19 Việt Nam thực sự tạo tiếng vang đối với các khán giả nhà. Mọi người quan tâm nhiều đến cái tên U19 Việt Nam, cứ như thể chúng mình đã giúp bóng đá nước nhà đi lên một tầm cao mới.
Đến năm 2014, mọi hành trình của U19 Việt Nam đều nhận được sự chú ý từ truyền thông và người hâm mộ. Từ chuyến tập huấn kéo dài hơn 1 tháng của U19 Việt Nam tại châu Âu, cho đến những giải đấu mà bọn mình tham gia như giải giao hữu U19 Nutifood ở sân Thống Nhất, U22 Đông Nam Á cúp Hassanal Bolkiah tại Brunei, hay U19 Đông Nam Á ở sân Mỹ Đình, tụi mình đi đến đâu cũng đều nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả nhà. Đủ để thấy tình yêu bóng đá của người Việt Nam mình lớn thế nào dù khi đó tụi mình mới chỉ là các cầu thủ trẻ.
Những lần tụi mình được đá ở sân nhà thì khán đài đều không còn chỗ trống. Và dù trong quãng thời gian đó, U19 Việt Nam thất bại cả 3 trận chung kết, nhưng tình cảm mà người hâm mộ dành tặng không hề giảm đi.
Nói thật là khi nhận được sự quan tâm của mọi người nhiều đến vậy, bản thân mình không thể tránh khỏi sự chuếnh choáng. Ngẫm lại thì mình thấy ở thời điểm đó, mình đã cảm thấy rất hưng phấn mỗi khi được mọi người quan tâm. Sau mỗi trận đấu mà mình làm tốt, mình đều mong chờ những bình luận và nhận xét tích cực về màn trình diễn của mình.
Nhưng rồi, chính những điều đó lại góp phần khiến các cầu thủ bị căng cứng khi thi đấu ở vòng chung kết U19 châu Á năm 2014, giải đấu mà nếu được lọt vào vòng bán kết thì tụi mình sẽ có vé đi U20 World Cup.
Sự yêu mến, quan tâm và kỳ vọng của mọi người lúc đó lại trở thành áp lực đối với đôi chân của tụi mình, cộng thêm những đối thủ U19 Hàn Quốc và U19 Nhật Bản quá mạnh nên bọn mình đã bị loại khỏi cuộc chơi chỉ sau 2 lượt trận đầu tiên.
Chỉ đến khi U19 Việt Nam đã bị loại, chính thức không có được tấm vé đến U20 World Cup, bọn mình mới thực sự cởi bỏ áp lực và thi đấu một trận tuyệt hay trước đối thủ U19 Trung Quốc ở lượt trận cuối của vòng bảng.
Mình nghĩ là tụi mình đã phát triển về mặt tâm lý rất tự nhiên. Tụi mình cũng không hề tự cao tự đại sau mỗi lần được khán giả khen ngợi, tuy nhiên càng được khen thì đồng nghĩa với việc sự kỳ vọng càng lớn. Và khi đó tụi mình đã nghĩ mình có thể đánh bại mọi đối thủ dù là Hàn Quốc hay Nhật Bản đúng với những gì mà phần đông khán giả nhà kỳ vọng. Và phải trải qua những giai đoạn như này thì mới nhận ra được những mặt trái của những lời khen chê.
Theo thời gian mình dần rút ra bài học, đó là: mình hãy chỉ đọc những bình luận đó cho vui, bởi sự đánh giá của cộng đồng mạng chỉ là quan điểm của từng cá nhân, và đa phần mọi người không phải những người làm chuyên môn bóng đá. Mình có thể cởi mở với những đánh giá, góp ý, nhưng nên là từ những người có chuyên môn. Còn những lời nhận xét khác, mình sẽ không mấy bận tâm.
Nói đến việc trân trọng vì được mọi người biết đến một, thì phải cảm ơn quãng thời gian mang tên "U19" gấp 10 lần. Đó là quãng thời gian cho mình danh tiếng, cho mình sự trải nghiệm.
Ở trong màu áo U19 Việt Nam, mình và anh em đã từng vào đến 3 trận chung kết, thắng đối thủ mạnh Australia 2 lần, và cũng có những trận thi đấu rất hay nhưng thua đáng tiếc khi chạm trán U19 AS Roma và U19 Tottenham Hotspur.
Đó là quãng thời gian chưa trọn vẹn, bởi đội không thể giành được một danh hiệu vô địch nào, và cũng thất bại trong việc đoạt vé đến U20 World Cup. Nhưng mà mọi người vẫn hay nói vui là "tình chỉ đẹp khi còn dang dở", sự dang dở này chính là động lực để tụi mình trở nên mạnh mẽ hơn về sau này.
XÂY XẨM MẶT MÀY Ở V.LEAGUE
Sau hành trình ở U19 Việt Nam, các khán giả tiếp tục ủng hộ tụi mình ở cấp CLB. Giải đấu U21 Quốc tế năm 2014 tại Cần Thơ đến mãi sau này vẫn được ban tổ chức gọi là một mùa giải lịch sử, bởi tất cả các trận đấu có sự xuất hiện của U19 Hoàng Anh Gia Lai khi đó đều cháy vé. Đó là động lực để toàn đội giành chức vô địch.
Đến cuối năm 2014, gần như toàn bộ các cầu thủ khóa I và khóa II của Học viên HAGL - Arsenal - JMG được chú Ba Đức đưa đội 1 để thi đấu ở sân chơi V.League. Trong khi các đàn anh gắn bó lâu năm được bật đèn xanh rời đi.
Ít nhiều, lúc đó tụi mình cũng ngại. Nếu ở trong tình thế của các anh lớn khi đó thì bản thân mình cũng sẽ cảm thấy chạnh lòng. Năm đầu tiên lên V.League và ngay lập tức được trao tấm băng đội trưởng, mà trong đội hình lúc đó vẫn còn một số đàn anh nên thú thực là lúc đó mình thấy khá áp lực. Nhưng ngày đó còn trẻ, mình vẫn có sự hồn nhiên, vô lo vô nghĩ. Nên khi vào sân là lại quên ngay.
Theo mình nghĩ, quyết định thay máu lực lượng của bầu Đức đã được lên kế hoạch ngay khi học viện được thành lập. Đó là việc đôn cả lứa 1 của học viện cùng thầy Giôm lên và giữ lại một số anh lớn để đồng hành.
Nếu mình là bầu Đức, chắc mình cũng sẽ không có nhiều lựa chọn. Mình đoán là bầu Đức và thầy Giôm đều muốn trong một tập thể, không có nhiều sự khác biệt về cả tư duy chơi bóng lẫn những khía cạnh liên quan đến đời sống ngoài bóng đá. Mình không nói là các anh lớn được bật đèn xanh để đi là không tốt. Chỉ đơn giản lãnh đạo và ban huấn luyện cho là không có sự phù hợp.
Ban đầu, quyết định đó có phần nào đúng. Ở trận ra mắt sân chơi V.League, Hoàng Anh Gia Lai của tụi mình giành chiến thắng thuyết phục 4-2 trước CLB Khánh Hòa.
Đó là trận đấu mà cả mình, Tuấn Anh và Công Phượng đều đã ghi những bàn thắng rất đẹp mắt. Ngày hôm đó, sân Pleiku cũng xảy ra tình trạng vỡ sân. Sức chứa 12.000 của 4 phía khán đài là không đủ với nhu cầu của các khán giả. Suốt cả tuần sau trận đấu đó, những hình ảnh ở Pleiku luôn được nhắc đến.
Sau trận ra mắt như mơ đó, các khán giả lại càng ủng hộ Hoàng Anh Gia Lai nhiều hơn. Mọi người gọi HAGL là đội bóng quốc dân, chen chúc mua vé ở những địa điểm mà HAGL thi đấu. Chỉ tiếc là quãng thời gian trăng mật kéo dài không lâu.
Sau trận thắng bùng nổ ngày mở màn, HAGL liên tục phải nhận những kết quả không tốt. Thậm chí đã có nhiều thời điểm, tụi mình đứng ở vị trí cuối bảng xếp hạng. Nhưng lạ lùng thay, phong độ toàn đội kém đến vậy nhưng đi đến đâu, HAGL cũng được khán giả ủng hộ hết mình.
Ngày đó kênh VTV cũng luôn chọn phát sóng trực tiếp các trận của HAGL. Không quá khi nói sự quan tâm của truyền thông và khán giả dành cho một đội bóng đua trụ hạng như HAGL hồi đó còn lớn hơn cả cuộc đua vô địch.
Đó là quãng thời gian khá căng thẳng, người phải chịu áp lực nhiều nhất lúc ấy là thầy Giôm. Với độ "ngông" trong phong cách huấn luyện, thầy vẫn rất chiến trong từng trận đấu. Tuy nhiên thời gian còn lại mình chắc chắn một điều là thầy rất buồn và áp lực.
Lúc đó, thầy luôn là người đứng ra bảo vệ và đảm bảo rằng tụi mình được tập trung chơi bóng nhất. Và tất nhiên là từ BLĐ cho đến gia đình luôn động viên để tụi mình giữ vững tinh thần. May mắn là cuối mùa giải, HAGL kịp thời tăng tốc để trụ hạng thành công.
VĨ THANH
Sau mùa bóng đó, nhiều người nói rằng bầu Đức đã sai lầm khi đưa các cầu thủ trẻ lên một lúc từ quá sớm. Nhưng theo mình, chú Ba đã làm tốt nhất có thể. Nếu là mình với tư cách của người lãnh đạo, mình sẽ cố gắng để có sự chuẩn bị tốt hơn, sẽ trao cho thầy Giôm nhiều đặc quyền hơn như được toàn quyền quyết định việc lựa chọn các trợ lý trong ban huấn luyện, rồi được là người đưa ra quyết định trong việc lựa chọn cầu thủ ngoại.
Tuy nhiên, theo mình ở Việt Nam thì còn có rất nhiều yếu tố khác khiến các CLB chưa thể làm điều đó. Vấn đề tài chính có thể cũng là một vấn đề. Nên cũng rất khó để nói thế nào mới là đúng.
Mùa giải V.League đầu tiên giống như đã kéo mình từ trên mây xuống với thực tế phũ phàng, và trận đấu gặp Khánh Hòa trong ngày mở màn chính là cầu nối cho điều đó. Với những gì đã làm được ở trong màu áo U19 Việt Nam và trận ra quân, mình đã từng nghĩ toàn đội có thể chinh phục được sân chơi V.League. Nhưng dần dần, những thất bại, chuỗi trận thất vọng đã khiến mình hiểu ra thế nào là bóng đá chuyên nghiệp.
Bóng đá chuyên nghiệp là nơi có sự tính toán thực dụng, là nơi mà các cầu thủ không chỉ chơi bóng với sự hồn nhiên vô tư ở trên sân. Họ phải làm tất cả để chiến thắng, đội thắng cuộc là đội có phương pháp đúng, đơn giản là như vậy.
Tụi mình bước vào đấu trường khốc liệt này với quá ít kinh nghiệm và sự va vấp, rất nhiều tình huống trên sân xảy ra mà tụi mình chưa được trải qua trước đó. Nên với tinh thần ngây ngô của những cầu thủ trẻ, chúng mình đã phải nhận thất bại. Cũng nhờ thất bại đó mà sau này, tụi mình dần trở nên cứng cáp hơn.
Thế giới bóng đá cũng đã chứng kiến không ít những Golden Boy hay Wonderkid lụi tàn sớm dù từng được đánh giá là tài năng và có triển vọng lớn. Từ một cầu thủ trẻ tiềm năng, để có thể trở thành ngôi sao lớn và giành những thành công là cả một quá trình. Ở trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta luôn cần phải giữ được cho mình sự tỉnh táo trước mọi việc, không ngừng nỗ lực để có thể đạt đến thành công như ta mong muốn.