Đội tuyển Việt Nam không phải đội bóng đầu tiên của khu vực sử dụng cầu thủ nhập tịch (không hoặc có gốc gác tại quốc gia Đông Nam Á) hiệu quả. Tuy nhiên, màn trình diễn của Nguyễn Xuân Son và chức vô địch của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2024 có thể tiếp thêm "động lực" cho các đối thủ đẩy mạnh chiến lược bổ sung lực lượng này.
Đối thủ chạy đua nhập tịch
Indonesia - đội bóng thành công nhất trong thời gian gần đây nhờ dàn cầu thủ từ châu Âu - chắc chắn không từ bỏ xu hướng này. Liên đoàn bóng đá Indonesia (PSSI) thậm chí sa thải ông Shin Tae-yong, bổ nhiệm một huấn luyện viên người Hà Lan để đảm bảo phù hợp về văn hóa làm việc, ngôn ngữ giao tiếp với nhóm cầu thủ sinh ra và lớn lên tại châu Âu.
Hiện tại, đội tuyển xứ vạn đảo có thừa một đội hình gồm toàn cầu thủ nhập tịch và "Indo kiều". Tân HLV trưởng Patrick Kluivert xác nhận Indonesia sắp có thêm ngôi sao Jairo Riedewald - cầu thủ từng thi đấu 7 năm ở Ngoại Hạng Anh trong màu áo Crystal Palace.
Đội tuyển Malaysia sử dụng tới 9 cầu thủ nhập tịch tại AFF Cup 2024. Trong đó, có 4 người không liên hệ gì với nước này về mặt gốc gác, quê quán. Đội bóng này đẩy mạnh sử dụng cầu thủ nhập tịch từ AFF Cup 2018. Dù chưa đạt được thành tích cao, LĐBĐ Malaysia vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược này với kế hoạch nhập tịch thêm 7 cầu thủ khác, trong đó có 2 ngoại binh thi đấu lâu năm tại Malaysia.
Một đội bóng khác cũng gây ấn tượng tại AFF Cup 2024 nhờ dàn cầu thủ nhập tịch là Campuchia. "Những chiến binh Angkor" chơi ngang ngửa với các đội mạnh như Singapore, Malaysia và chỉ thua Thái Lan sát nút 2-3. Đây là cơ sở để đội tuyển Campuchia tiếp tục trọng dụng dàn "ngoại binh".
Thái Lan có sẵn dàn cầu thủ "Thái kiều" chất lượng tốt. James Beresford, Jonathan Khemdee, Nicholas Mickelson, Ben Davis, William Weidersjo và Patrik Gustavsson góp mặt ở AFF Cup 2024.
Ngoài ra, cổ động viên xứ chùa vàng đang chờ đợi Kenneth William Dougall - cầu thủ từng chơi 5 trận cho đội tuyển Australia - đủ điều kiện chuyển sang thi đấu cho Thái Lan. Theo quy định của FIFA, cầu thủ ra sân cho đội tuyển quốc gia trước năm 21 tuổi vẫn có thể đổi sang chơi cho đội tuyển khác nếu đáp ứng được một số yêu cầu.
Đội tuyển Việt Nam dè chừng
Đội tuyển Việt Nam khai thác nguồn lực từ nước ngoài ít hơn so với các đối thủ kể trên. Nhà vô địch AFF Cup 2024 chỉ có Nguyễn Xuân Son và Nguyễn Filip là những cầu thủ phải làm thủ tục nhập tịch để được thi đấu cho đội tuyển quốc gia.
Màn trình diễn của Xuân Son khiến người hâm mộ phấn khích. Luồng ý kiến kêu gọi tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch cho đội tuyển Việt Nam do đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) vẫn tiếp cận vấn đề một cách thận trọng.
Phó Chủ tịch VFF Trần Anh Tú khẳng định đây là "xu thế không thể cưỡng lại". Tuy nhiên, chiến lược liên quan đến cầu thủ nhập tịch của bóng đá Việt Nam sẽ không ồ ạt, để đảm bảo sự phát triển cân bằng dài hạn cho đội tuyển quốc gia cũng như V.League.
"Chúng ta không thể trông chờ chỉ vào nhập tịch. Việc này phải hợp lý và có chừng mực" , ông Trần Anh Tú chia sẻ. Quan điểm này là có cơ sở. Không phải ngoại binh nào cũng hội tụ đủ những đặc điểm để thành công như Xuân Son. Cầu thủ này có trình độ vượt trội cầu thủ nội cùng vị trí, tuổi đời còn trẻ (27) và có thể thi đấu đỉnh cao thêm nhiều năm, đồng thời hợp với lối chơi của đội tuyển Việt Nam.
Hiện tại, các ngoại binh ở V.League không nhiều người có trình độ tương đương Xuân Son. Những cầu thủ tốt nhất, đủ điều kiện về thời gian cư trú lại qua tuổi 30. Sử dụng những cầu thủ này - trong trường hợp họ nhập tịch thành công - chỉ giải quyết vấn đề trong ngắn hạn.
Trong thời gian tới, đội tuyển Việt Nam khó xuất hiện trường hợp tương tự Xuân Son. Dù vậy, VFF vẫn mở cửa cho các trường hợp cầu thủ Việt kiều. Hiện tại, các câu lạc bộ tại V.League vẫn có suất dành cho cầu thủ người nước ngoài gốc Việt Nam. Vấn đề là số lượng cầu thủ dạng này làm thủ tục nhập quốc tịch - có thể có hoặc không về Việt Nam thi đấu - vẫn còn ít, chưa nói đến chất lượng.