Xin được nhấn mạnh, thua kém ở đây không đơn thuần nằm ở thành tích thi đấu, không nằm ở thứ hạng hay tấm vé dự Champions League, bởi như Sir Alex Ferguson nói, phong độ chỉ là nhất thời còn đẳng cấp mới là vĩnh cửu.
Thua kém ở đây không nằm ở quá khứ, lịch sử hay truyền thống bởi một con người, một tổ chức, một đội bóng... nên nhìn về tương lai hơn là cứ hoài niệm về quá khứ. Nottingham Forest và Aston Villa cũng có quá khứ, họ đã từng đoạt Cúp C1. Nhưng giờ họ đang ở đâu?
Thua kém ở đây cũng không nằm ở khía cạnh giàu nghèo hay mức độ chịu chơi, không nằm ở những bản hợp đồng bom tấn bởi nếu nhìn từ góc độ tiền bạc, một Man City với đế chế Abu Dhabi phía sau sẵn sàng "chấp" cả MU, Real, Barca và Bayern cộng lại.
Thua kém ở đây nằm ở kiến trúc thượng tầng. Xin nhấn mạnh, là kiến trúc thượng tầng, là sự xếp đặt để đảm bảo duy trì thành công lâu dài, ổn định và bền vững cho đội bóng. Về mặt này, thật đáng buồn khi Man đỏ đã để Man xanh vượt xa.
Man United 0-0 Man City
Khi màu đỏ bị che lấp
Cách đây chỉ 4-5 năm thôi, Man xanh còn là một gã giàu xổi, một tên trọc phú không hơn còn Man đỏ là đội bóng mạnh, ổn định và bền vững bậc nhất thế giới.
Man xanh khi ấy đi khắp càng quầy hàng, ngó nghiêng và ngã giá. Họ bị Kaka từ chối thẳng thừng dù sẵn sàng trả cả trăm triệu bảng. Họ chỉ có thể lấy được những ngôi sao sắp hết thời hoặc những ngôi sao chưa vươn đến hạng A với cái giá đắt khét.
Chỉ từ năm 2008 đến 2013, Citizens đã âm tới 505 triệu bảng mua cầu thủ. Bây giờ thì họ không quá khó khăn để giành được Gundogan, Leroy Sane - những người được cả châu Âu thèm muốn, hay là Gabriel Jesus - tài năng trẻ sáng giá nhất xứ Samba.
Man City có một HLV "đỉnh" nhất thế giới, Josep Guardiola, người đã được "cơ cấu" từ 4 năm trước.
CEO của họ, Ferran Soriano, là phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Barcelona từ năm 2003 đến năm 2008, giai đoạn mà thu nhập của Barca tăng gấp ba và từ chỗ thua lỗ 73 triệu euro/năm chuyển sang lãi 88 triệu.
Cặp đôi Soriano, Txiki từng bước biến Man City thành một đế chế.
GĐ thể thao của họ là Txiki Begiristain có 7 năm (2003-2010) làm công việc tương tự ở Barca và xây dựng Dream Team 2.0 của Frank Rijkaard.
Bằng cách ủy thác vào cặp đôi Soriano, Txiki và tuyển mộ những cầu thủ tổ chức tốt, chuyền bóng giỏi, Man City đã "set up" sẵn một chương trình mà Pep chỉ việc ngồi vào đó để điều khiển.
Trợ lý cho Pep là Brian Kidd, người từng chơi cho cả Man United, Man City lẫn Arsenal và từng làm trợ lý cho Alex Ferguson trong giai đoạn lứa 92 huyền thoại trình làng.
Đó là một kho kinh nghiệm về Premier League và đào tạo trẻ. Trong khi Mikel Arteta, một trợ lý khác sẽ là cầu nối giữa Pep và bóng đá Anh.
Man City thành công là bởi các ông chủ Ả-rập không quan thiệp sâu vào chuyên môn. Họ biết lùi lại, nhường lối cho những người có hiểu biết về bóng đá và năng lực quản trị giỏi hơn mình.
Ở Man United, nhà Glazer cũng không can thiệp sâu vào chuyên môn, không ấn một ngôi sao vào tay HLV và ép họ phải dùng giống như Abramovich. Họ cũng giao phó công tác chuyên môn cho những người làm thuê và hết sức hào phóng trong chính sách chuyển nhượng.
Vấn đề nằm ở chỗ những người được ủy thác - giám đốc điều hành Ed Woodward và giám đốc thương mại Richard Arnold - đều là những người kinh doanh thuần túy. Họ giỏi làm kinh tế hơn các đồng nghiệp bên phía Man City nhưng về chuyên môn bóng đá thì không.
Thông qua những người như Txiki và Pep, Man City đã sao chép thành công mô hình phát triển của Barca.
Ai đại gia? Ai trọc phú?
Không có gì ngạc nhiên khi kể từ thời điểm Sir Alex và David Gill rút lui, MU đã ký với quá nhiều cầu thủ đắt giá nhưng không thể hiện được tài nghệ. Họ đã thất bại với Falcao, với Di Maria, với Schweinsteiger, với Memphis Depay...
Họ phớt lờ lời kêu gọi bổ nhiệm một GĐ thể thao, người sẽ lên kế hoạch phát triển dài hạn. Trên lý thuyết, họ vẫn còn 2 huyền thoại trong bộ máy lãnh đạo nhưng qua vụ mua Pogba, có thể thấy Sir Alex Ferguson không còn can thiệp (hoặc không còn can thiệp được) vào chuyên môn nữa.
Qua vụ bổ nhiệm Mourinho, lại thấy rằng Sir Bobby Charlton cũng không còn tiếng nói với các ông chủ Mỹ nữa.
Phía bên kia thành phố, Man City vài năm trở lại đây có bản hợp đồng đắt đỏ nào gây thất vọng? Raheem Sterling? Nên nhớ Man City ở vào thế buộc phải mua Sterling bởi FA giới hạn số lượng cầu thủ nội.
Bản hợp đồng với Ibrahimovic thể hiện tầm nhìn ngắn hạn của Man United.
Người hâm mộ Man United có thời cười chê City bởi chỉ có tiền mà thiếu tầm nhìn. Bây giờ có khi Man United mới đáng bị cười vào mũi.
Van Gaal nhận việc ở Quỷ đỏ năm 62 tuổi là một bản hợp đồng thời vụ. Mourinho cũng thế, từ lúc được ngắm nghía đến lúc bổ nhiệm chỉ vài tháng. Trong khi ấy, Man City đã "quy hoạch" Guardiola 4 năm rồi.
Và trong khi City đem về những gương mặt đầy hứa hẹn cho tương lai: Zinchenko, Sane, Gundogan, Jesus, Moreno thì United ký với Ibra ở tuổi xế chiều.
Không chỉ kém thua về ổn định thượng tầng và chính sách chuyển nhượng, MU có vẻ còn tụt hậu ở khâu đào tạo trẻ. Man City đã chi cả trăm triệu bảng để nâng cấp hệ thống đào tạo và nhanh chóng thu hái quả ngọt. Năm ngoái, đội U14 của họ đánh bại đội U14 United 9-0.
Chỉ vài năm nữa thôi chưa biết chừng Man City mới là "đại gia", còn Man United lại mang tiếng "trọc phú".