Clip dài hơn 1 phút ghi lại cảnh thầy mắng chửi, tát liên tiếp vào má nam học sinh, học trò “phản ứng” đánh lại thầy gây xôn xao dư luận. Theo xác minh, vụ việc xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ (số 87 Phan Đình Phùng, Phú Phong, Tây Sơn, tỉnh Bình Định).
Sự việc này tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về việc cách hành xử của thầy, trò trong clip. Ngay sau đó, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) về sự việc này.
Là hiệu trưởng một trường THPT, thầy cảm thấy thế nào khi xem clip đó?
PGS Văn Như Cương: Tôi cảm thấy rất buồn. Trên bục giảng lớp đó có treo khẩu hiệu: “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, vậy hóa ra câu khẩu hiệu này chẳng có ý nghĩa gì khi thầy đánh trò, trò đánh lại thầy!
Đáng buồn nhất là cái đánh của thầy giáo đối với cậu học sinh đó thể hiện sự cay cú, thù hận. Tất nhiên, khi nổi xung lên có thể người thầy sẽ tức giận, có mắng mỏ nhưng có tính chất kiềm chế. Còn đối với ông thầy này không hề có sự kiềm chế mà tát vào má học sinh hết sức dã man. Quan hệ giữa thầy giáo – học trò trước hết phải là quan hệ giữa người với người. Một con người làm sao mà đánh như thế trong bất cứ trường hợp nào. Tôi hoàn toàn không chấp nhận được hành động này.
Sau khi thầy tát trò, cậu học sinh này phản kháng và đánh lại thầy giáo, thầy đánh giá thế nào về hành vi này?
PGS Văn Như Cương: Đối với người học trò xuất hiện trong clip thì hành động đó cũng không chấp nhận được dù lỗi tại ai, thầy sai như thế nào chăng nữa. Không phải nguyên nhân thầy đánh trò mà trò được phép đánh lại thầy.
Vậy trong trường hợp như thế, người học trò phải hành xử như thế nào thưa thầy?
PGS Văn Như Cương: Học sinh phải chịu đựng. Tuy nhiên nếu đến mức độ không thể chịu đựng được, học sinh có thể chạy hoặc phản ánh lên nhà trường, thông báo với phụ huynh về hành vi của người thầy đó.
Nhiều trường hợp không phản kháng mà cam chịu, học sinh nghĩ đến điều tiêu cực, thậm chí là tự tử, thầy nghĩ sao?
PGS Văn Như Cương: Nếu học sinh chịu nhục, không phản ứng lại mà cam chịu có thể ảnh hưởng đến tâm lý của học trò, thậm chí dẫn đến tự tử. Có trường hợp ở Thái Bình, cô giáo không đánh đập, chỉ nói vài câu nhưng nữ sinh đó đi thẳng ra ngoài phòng nhảy từ tầng 2 xuống tự tử.
Nếu học trò sợ thầy quá, uất ức, oan uổng mà tự tử thì sao? Xúc phạm một con người là không thể chấp nhận được. Điều đó gây ra hậu quả đáng buồn cho ngành giáo dục. Tôi có xem clip cô giáo mặc áo dài lấy thước đánh mạnh vào mông, người học sinh. Chúng ta phải lên án mạnh mẽ những hành vi như thế này.
Nếu thầy giáo đó là giáo viên trường thầy, thầy sẽ xử lý như thế nào? Trường có nên cho thầy một cơ hội sửa sai, chỉ khiển trách hoặc cảnh cáo?
PGS Văn Như Cương: Hành vi của người thầy này, tôi chắc chắn người này không thể tiếp tục dạy lớp này nữa. Quan hệ thầy đánh trò, trò đánh lại như vậy chứng tỏ thầy không thành công trong việc dạy học sinh, tác dụng của người thầy trong việc giáo dục mọi mặt học trò đã thất bại. Nếu chuyển sang lớp khác dạy, ông thầy này có tác dụng giáo dục không?
Nếu một người thầy không làm được nhiệm vụ giáo dục thì không nên làm. Hình thức khiển trách, cảnh cáo theo tôi cần mạnh hơn nữa, có thể là can thiệp của pháp luật. Ở trường tôi, lập tức tôi sẽ ngừng việc giảng dạy thầy này.
Thầy đánh trò là phương pháp phi giáo dục. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh lại đồng ý ủng hộ phương pháp này tuyệt đối, thầy nghĩ sao?
PGS Văn Như Cương: Tôi cho đó là quan điểm sai lầm. Hành vi thầy đánh trò là xúc phạm một con người chứ không đơn giản là quan hệ thầy – trò. Phụ huynh không nên khuyến khích, tuyệt đối giao hay đẩy trách nhiệm giáo dục con cái cho thầy giáo, nhà trường. Không thể giao con cho người thầy như thế.
Là người nhiều năm tâm huyết với giáo dục, thầy có đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa thầy và trò trước, nay?
PGS Văn Như Cương: Quan hệ giữa thầy và trò hiện nay có tiến bộ, trước kia học trò coi thầy như thần như thánh, thầy luôn đúng và trò khép nép vì thế khoảng cách giữa thầy và trò rất xa nhau.
Quan hệ giữa thầy - trò bây giờ rất gần, thông cảm, trò có thể gần gũi tâm sự với thầy, cô, xét ở mặt tích cực điều này giúp cho việc học và dạy tốt hơn trước. Đó thể hiện quan hệ bình đẳng giữa người với người, dân chủ giữa thầy và trò.
Tuy nhiên, nếu dân chủ quá đáng, trò không thể nói, xử sự với thầy như thế nào cũng được và thầy không thể áp đặt trò. Thời gian gần đây xảy ra trường hợp trò chặn đường đánh thầy, nhưng tôi tin đó chỉ là số ít, truyền thống tôn sư trọng đạo không xuống cấp trầm trọng quá.
Trân trọng cảm ơn thầy!