GLTT: "CHUYÊN GIA HÀNG ĐẦU BỘ Y TẾ TƯ VẤN VỀ BỆNH SỞI"

Ban thời sự |

(Soha.vn) - Tham gia buổi GIAO LƯU TRỰC TUYẾN có các chuyên gia uy tín của Bộ Y tế: PGS.TS Trần Đắc Phu, PGS.TS Bùi Vũ Huy, TS.BS Nguyễn Văn Cường.

Nhà báo Nguyễn Thắng - Phó tổng thư ký tòa soạn báo điện tử Trí Thức Trẻ:

"Kính thưa các vị khách quý!

Trước tình hình căn bệnh sởi - một căn bệnh vốn được coi là lành tính - bỗng trở thành nguy hiểm, cướp đi mạng sống của hơn 100 trẻ em và lây lan với tốc độ chóng mặt, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã có hàng chục bài viết để cung cấp kiến thức cho người dân về căn bệnh này, cũng như góp phần thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính quyền và các cơ quan chuyên môn.

Cách đây mấy ngày, bản báo cũng đã tổ chức thành công cuộc giao lưu trực tuyến liên quan đến căn bệnh sởi, thu hút sự quan tâm của gần một triệu độc giả cả trong nước và quốc tế. Rất nhiều kiến thức liên quan đến bệnh sởi đã được các vị khách mời chuyển tải đến người dân. Rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm của những cơ quan hữu trách liên quan và người đứng đầu Bộ Y tế cũng được trả lời, phân tích, mổ xẻ đa chiều, có tình có lý.

Với mong muốn đem đến cho mỗi người dân một lượng kiến thức và kỹ năng đầy đủ nhất nhằm bảo vệ con em mình trước căn bệnh bỗng trở nên nguy hiểm này, báo điện tử Trí Thức Trẻ đã phối hợp với Bộ Y Tế tổ chức tiếp một cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề: "CHUYÊN GIA HÀNG ĐẦU BỘ Y TẾ TƯ VẤN PHÒNG NGỪA, NGĂN CHẶN BỆNH SỞI".

Tham gia buổi giao lưu có các vị khách mời:
- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế).
- PGS.TS BÙI VŨ HUY - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG - Phó Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

NỘI DUNG BUỔI GIAO LƯU:

Thưa ông Huy, triệu chứng ban đầu của bệnh sởi, cách phòng bệnh như thế nào, bé nhà tôi đã tiêm đủ 2 mũi sởi thì có bị nhiễm sởi không thưa bác sỹ? (độc giả Đỗ Thị Minh Sương)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Đọc câu hỏi của bạn tôi thấy rằng bé nhà bạn đã tiêm đủ 2 mũi sởi, vì thế bạn có thể yên tâm rằng cháu ko mắc sởi nữa kể cả khi cháu tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Tuy nhiên việc tiếp xúc với bệnh nhân sởi cũng cần hạn chế.

PGS.TS Bùi Vũ Huy

PGS.TS Bùi Vũ Huy trong buổi giao lưu

- Tôi có con gái được gần 3 tháng tuổi, xin hỏi có cách nào giúp tôi phòng bệnh sởi cho cháu được không? (Maitrang8990…@gmail.com)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Đối với các cháu nhỏ dưới 9 tháng tuổi, nếu người mẹ đã từng tiêm phòng sởi hoặc đã từng bị sởi thì trong quá trình mang thai sẽ chuyển kháng thể này cho các cháu, vì thế các cháu sẽ không bị mắc sởi trong 9 tháng đầu đời.

Tuy nhiên việc các bà mẹ hạn chế cho các cháu tiếp xúc với môi trường có nguồn bệnh lúc này là cần thiết. Các bà mẹ cần lưu ý vệ sinh tắm rửa cho con khi từ môi trường ngoài về. Việc này sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm sởi cho các cháu.

Chào bác sĩ Cường, bác sĩ cho cháu hỏi, con cháu năm nay được 2 tuổi rưỡi, trước kia cháu được 5 tháng rưỡi, tiêm phòng vắcxin về cháu bị sốt và ngủ li bì. Cháu đi chữa ở Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ kết luận cháu bị viêm não và đã điều trị khỏi bệnh. Giờ cháu phát triển bình thường. Nhưng cán bộ tiêm phòng ở xã không dám cho cháu tiêm nữa. Vậy xin hỏi bác sĩ, con nhà cháu giờ có tiêm phòng lại được không và đến đâu để tiêm phòng lại ạ? Cháu xin cảm ơn! (Độc giả Vũ Trọng An)

TS.BS Nguyễn Văn Cường
TS.BS Nguyễn Văn Cường

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Nếu con của bạn đã 2,5 tuổi thì cháu cần được tiêm 1 số loại vắcxin  để phòng bệnh. Bạn không cho biết trước đây cháu đã được tiêm những loại vắcxin gì. Thông thường, nếu cháu được tiêm vắcxin thì sẽ được ghi lại tại cơ sở nơi cháu tiêm chủng và cháu cũng được cán bộ y tế phát phiếu ghi lại loại vắcxin cháu đã được tiêm. Vì vậy bạn cần phải được biết cháu đã được tiêm những loại vắcxin gì thông qua phiếu ghi chép tiêm chủng của cháu.

Việc tiêm chủng các loại vắcxin mà cháu chưa được tiêm là cần thiết. Hiện nay cháu đã 2,5 tuổi, nếu cần tiêm các loại vắcxin để phòng bệnh cho cháu thì phải đưa cháu đến cơ sở dịch vụ tiêm chủng. Khi đưa cháu đến cơ sở y tế thì gia đình nhớ mang theo phiếu tiêm chủng và thông báo với cán bộ y tế về loại vắcxin đã được tiêm trước đây.

Bệnh sởi sơ cứu bằng biện pháp dân gian nào là hợp lý nhất trong trường hợp bệnh viện quá tải thưa PGS? (Độc giả Phan Sáu)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Các anh/chị hãy bình tĩnh, bản chất bệnh sởi là so virut gây nên. Các loại virut này thông thường có thể tự ổn định sau 7-10 ngày chỉ bằng phương pháp chăm sóc bình thường. Ví dụ như các cháu có sốt thì dùng thuốc hạ nhiệt, vệ sinh cơ thể, răng miệng cho các cháu, ăn uống đủ chất, khi có các dấu hiệu biến chứng thì cần đưa ngay tới các cơ sở trung tâm y tế gần nhất.

Nếu chúng ta có điều kiện chăm sóc tại nhà thì nên chăm sóc tại nhà là tốt nhất, để hạn chế quá tải tại bệnh viện.

- Thưa BS Cường, BS cho em hỏi: Con em được hơn 11 tháng mới tiêm 01 mũi 5 trong 1 vào tháng thứ 6, bây giờ tiêm vắcxin phòng sởi trước rồi tiêm 2 mũi 5 trong 1 sau có được không? Hiện bé đang bị sốt nhẹ thì có tiêm vắcxin sởi được không? Em xin cảm ơn! (độc giả Đinh Như Quang)

TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Cháu đã hơn 11 tháng mà chưa được tiêm vắcxin phòng sởi thì gia đình cần đưa cháu đến trạm y tế hoặc các cơ sở y tế có tiêm chủng để cháu được tiêm vắcxin. Các bác sĩ sẽ thăm khám cho cháu trước khi tiêm chủng để  kiểm tra sức khỏe của cháu có được tiêm chủng hay không. Gia đình nhớ báo cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe hiện tại của cháu và thời gian trước đó để giúp bác sĩ có chỉ định thích hợp.

TS.BS Nguyễn Văn Cường
TS.BS Nguyễn Văn Cường

Con gái tôi được 12 tuổi, tôi đã làm mất sổ và không chắc chắn cháu đã được tiêm phòng sởi chưa, xin hỏi PGS tôi có phải cho cháu đi tiêm không? Cháu thứ hai của tôi được 5 tuổi, đã tiêm mũi 2 MMR lúc 20 tháng tuổi, xin hỏi cháu có phải tiêm nhắc lại cho chắc chắn phòng bệnh không? Trân trọng cám ơn bác sĩ! (Trần Như Quỳnh - Cống Vị - Hà Nội)

PGS.TS Trần Đắc Phu

PGS.TS Trần Đắc Phu

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Nếu bạn làm mất sổ mà chưa chắn chắn con gái 12 tuổi đã tiêm chưa thì bạn nên cho cháu đi tiêm phòng. Tuy nhiên, hiện nay việc tiêm phòng trong việc tiêm chủng mở rộng chỉ tiêm cho trẻ 9 tháng tuổi mũi 1 và mũi 2 là 18 tháng tuổi. Trong đợt dịch này, có thể tiêm cho các cháu 6 tuổi mà chưa được tiêm chủng. Vì vậy nếu bạn muốn cho cháu tiêm thì tiêm dưới dạng dịch vụ.

Thưa bác sĩ Cường, em có hai con sinh đôi vào tháng 5/2010. Vào tháng 3/2011, hai cháu có được chích ngừa mũi sởi đầu tiên và sau khi chích xong, các nhân viên chích ngừa rằng khi nào thì cháu chích mũi 2 thì họ trả lời rằng vào năm bé được 6 tuổi. Nhưng hiện nay dịch sởi đang diễn ra và vì lo ngại cho sức khỏe của hai cháu, em có đi hỏi để cho hai bé chích mũi 2 nhưng họ không cho chích và bảo rằng không chích cho bé 4 tuổi mà chỉ chích mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi. Vậy bác sĩ cho em hỏi trường hợp của con em phải giải quyết ra sao, khi nào có thể chích mũi 2 và nếu em cho 2 bé chích mũi vắcxin 3 in 1 (sởi, quai bị, rubella) thì có được không hay là phải đợi đến năm hai bé 6 tuổi ạ? Xin cám ơn bác sĩ! (Độc giả Trần Thị Ngọc Diệp).

TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Nếu các cháu đã được tiêm 1 mũi vắcxin sởi lúc 10 tháng tuổi thì có thể cháu đã được bảo vệ phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, nếu trẻ chỉ tiêm 1 mũi vắcxin sởi thì khả năng bảo vệ, phòng bệnh sởi chỉ khoảng 85%. Nếu trẻ tiêm 2 mũi vắcxin sởi thì khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi sẽ là 90 – 95%.

Hiện nay, cháu đã 4 tuổi, gia đình cũng có thể đưa cháu đến cơ sở y tế tiêm vắcxin sởi mũi 2 để phòng bệnh sởi.

Con tôi đã tiêm mũi sởi vào lúc 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 tôi quên không đưa cháu đi tiêm. Vậy bây giờ cháu được 3 tuổi, tôi có thể cho cháu đi tiêm mũi 3 trong 1 (sởi, rubila, quai bị) được không? Cháu đang bị ho và đã nghỉ uống thuốc kháng sinh được 1 ngày rồi. Vậy đã đi tiêm vacxin được chưa? Xin chân thành cảm ơn! (Độc giả Hoàng Thị Diệu Linh)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY:  Con của bạn đã được tiêm vacxin mũi 1 lúc 9 tháng tuổi, như vậy cháu đã được phòng sởi, tuy nhiên để bảo vệ lâu dài cả cuộc đời cho cháu thì việc chị tiêm mũi 2 là hoàn toàn đúng. Chị có thể tiêm mũi 2 bằng loại vacxin 3 trong 1 cũng có ác dụng tương tự. Tại mỗi điểm tiêm chủng sẽ có bộ phận tư vấn để quyết định nên tiêm ngay hay ko mỗi khi các cháu đang ốm.

Khí hậu ở Việt Nam có những thuận lợi gì để dịch sởi phát triển? Thời điểm nào trong 4 mùa ở Việt Nam là dịch sởi dễ bùng phát nhất? Trong đời sống hàng ngày, người dân nên làm cách nào để phòng ngừa hiệu quả nếu trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng vắc xin?

Hình ảnh trẻ em mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Hình ảnh trẻ em mắc bệnh sởi được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Tại miền Bắc Việt Nam có khí hậu 4 mùa, mỗi dịp vào cuối đông đầu xuân thì virut sởi, thuỷ đậu, cúm có xu hướng tăng hơn. Đây là thống kê hàng năm tại Việt Nam, có thể thời tiết vào mùa xuân thích hợp với những loạt virut này. Tại thời điểm hiện nay đang có dịch sởi lưu hành, vì vậy chúng ta nên hạn chế tụ họp nơi đông người, giao lưu.

Nên đeo khẩu trang (kể cả cho các cháu), ăn uống đầy đủ và đặc biệt là khi có dấu hiệu nghi ngờ, đang ốm cần được đi khám ngay để cách ly, tránh lây lan dịch sang xung quanh. Theo tôi đây là những biện pháp cần thiết để hạn chế sự lan rộng của dịch sởi.

Thưa ông, con tôi sinh ngày 26/06/2013. Cháu đã được hơn 9 tháng. Hôm 20/4 vừa rồi gia đình có đưa cháu đi tiêm phòng sởi. Vì biết rằng cháu cũng đã hơn 9 tháng tuổi và hiện tại bệnh sởi đang có dấu hiệu lây lan nhanh nhưng khi em mang cháu xuống trạm y tế xã thì nhân viên nói rằng do cháu 2 tháng trước tiêm vắcxin Quinvaxem mũi thứ 2 bị phản ứng thuốc nên từ bây giờ không tiêm bất kỳ loại vắcxin nào nữa. Gia đình tôi lại mang cháu về nhưng hiện tại rất lo lắng vì không được tiêm phòng sởi. Mong bác cho gia đình xin lời khuyên? (Dương Hải Quyết - Tam Tầng, Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Thứ nhất, phải xem xét cháu có phải có cơ địa hay bị phản ứng không. Nếu cơ địa phản ứng thì việc tiêm vắcxin sởi cũng phải xem xét có nên tiêm hay không theo chỉ định của cơ quan y tế. Nếu cháu không phải có cơ địa dị ứng thì có thể cháu bị phản ứng với vắcxin này mà không bị phản ứng với vắc xin khác. Đây có nghĩa là cháu có thể bị phản ứng với vắc xin Quinvaxem mà không bị phản ứng với vắcxin sởi thì có thể xem xét tiêm phòng sởi được. Tuy vậy, việc tiêm hay không phải quyết định của các nhân viên y tế tại điểm tiêm chủng. Và việc tiêm sởi cho cháu phải theo dõi rất chặt chẽ để tránh có những phản ứng xảy ra.

- Đối với người lớn thì cách phòng tránh sởi như thế nào thưa bác sĩ? Có nhất thiết phải đi tiêm phòng không ạ? Vì em lo lắng người lớn mà có bệnh thì lây sang trẻ nhỏ. (Độc giả Vũ Hiếu)

TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Bệnh sởi là bệnh lây theo đường hô hấp. Những người chưa mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắcxin phòng sởi đều có thể mắc bệnh sởi nếu phơi nhiễm với virut sởi. Nếu chưa được tiêm vắcxin phòng sởi và chưa mắc bệnh sởi thì cần đi tiêm.

Truyền hình trực tiếp từ tâm dịch sởi

- Thưa ông, những đối tượng nào dễ bị mắc sởi nhất và nếu thuộc nhóm đó thì nên có biện pháp nào để phòng ngừa sởi?

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Nói chung, bệnh sởi là bệnh lây theo đường hô hấp nên rất dễ lây lan vì vậy mọi đối tượng từ 9 tháng tuổi trở lên đến người già nếu chưa đc tiêm phòng sởi ít nhất 1 mũi thì rất dễ mắc sởi khi tiếp xúc với nguồn sởi.

Cũng cần lưu ý rằng đối với những bà mẹ đã từng mắc sởi, hoặc tiêm phòng sởi thì sẽ truyền kháng thể cho con và bảo vệ con trong 9 tháng đầu đời. Tuy nhiên, trong trường hợp bà mẹ chưa được tiêm phòng và mắc sởi thì sẽ ko thể truyền kháng thể cho con, và bản thân người mẹ cũng dễ bị mắc sởi. Điều này giải thích vì sao bà mẹ và trẻ nhỏ mắc sởi cùng 1 lúc.

- Con tôi 5 tuổi, đã tiêm phòng và chưa bị sởi. Cách đây 5 hôm, lớp cháu đã có 1 bé xin nghỉ học, 3 ngày sau đó tôi mới biết lý do cháu bé đó nghỉ là do bị sởi. Tôi rất lo lắng con mình sẽ mắc sởi, xin bác sĩ cho tôi lời khuyên?

TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Nếu con của bạn đã được tiêm văcxin sởi để phòng bệnh sởi thì con bạn có thể được bảo vệ không mắc bệnh sởi. Nếu cháu chỉ tiêm 1 mũi vắcxin sởi thì khả năng phòng bệnh sởi chỉ khoảng 85%. Nếu cháu được tiêm 2 mũi vắcxin sởi thì khả năng phòng bệnh sởi cho cháu là 90 – 95%.

- Em năm nay 26 tuổi, chưa từng bị sởi lần nào. Em không nhớ mình đã tiêm phòng sởi hay chưa. Liệu em có nguy cơ mắc sởi hay không? Em nên làm cách nào để phòng tránh sởi, có nên đi tiêm phòng hay không? (Độc giả Nguyễn Lê My, Cầu Giấy)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Bạn đã biết lo lắng đến sức khỏe bản thân như vậy là tốt. Đối với bất kể ai chưa được tiêm phòng sởi hoặc mắc sởi thì đều có nguy cơ mắc sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc bạn quyết định đi tiêm phòng là nên.

Các phụ huynh đồng loạt đưa con đi tiêm phòng sởi trong những ngày gần đây.

Các phụ huynh đồng loạt đưa con đi tiêm phòng sởi trong những ngày gần đây.

Con trai tôi 3 tuổi, đã tiêm phòng sởi. Bình thường buổi chiều tôi vẫn thường đưa cháu ra công viên gần nhà chơi đùa cùng các em bé khác. Tuy nhiên do thời gian này dịch sởi khá nguy hiểm nên chồng tôi nhất quyết không cho tôi đưa con đi chơi ở những chỗ có nhiều trẻ con, dù không gian thoáng chứ không ẩm ướt hay kín. Vậy tôi muốn hỏi việc này có cần thiết? Tôi có phải cách ly hoàn toàn con tôi với những chỗ đông người, đặc biệt nhiều trẻ em không?

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Nếu con của bạn đã được tiêm văcxin phòng bệnh sởi thì cháu sẽ được bảo vệ phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, không phải 100% trẻ được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi thì không bị mắc sởi. Nếu ở địa phương bạn đang có nhiều người bị bệnh sởi thì tốt  nhất hạn chế cho cháu tiếp xúc ở chỗ đông người, không cần phải cách li hoàn toàn.

Theo ông, nếu các ông bố, bà mẹ chỉ "biệt giam" các cháu bé trong phòng thì có tăng được khả năng phòng nhiễm bệnh? Vì sự giao tiếp bên ngoài ngôi nhà của các thành viên hàng ngày là rất lớn, liệu có ảnh hưởng đến các bé?

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Ở những nơi có nhiều người mắc bệnh sởi thì cần hạn chế tiếp xúc ở chỗ đông người, đặc biệt, những người chưa bị mắc bệnh sởi hoặc chưa được tiêm vắcxin phòng sởi. Nếu cháu chưa được tiêm vắcxin phòng sởi thì cần phải đưa cháu đến cơ sở y tế để được tiêm chủng.

Ông có thể nêu những triệu chứng của bệnh sởi và cách phòng ngừa hiệu quả nhất? (Độc giả Phan Văn Hùng, Từ Liêm, Hà Nội)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Sởi là bệnh truyền nhiễm lây theo đường hô hấp. Cháu bị mắc bệnh sởi thường có những triệu chứng sốt, ho, viêm long, viêm kết mạc mắt. Sau sốt vài ngày thì cháu có phát ban (ban màu đỏ, thường mịn như nhung, thường mọc từ đầu, mặt, cổ xuống tay chân…). Sau đó, ban bay đi để lại vết lằn như da hổ. Tuy vậy, việc chuẩn đoán một cách chính xác thì cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán và đôi khi cơ sở y tế lớn có thể làm xét nghiệm để khẳng định.

Trong mùa đông xuân thì sốt phát ban có nhiều loại mà không phải sởi, có thể chẩn đoán nhầm với sởi.

Giai đoạn lây của sởi thì thường trước khi và sau khi phát ban vài ngày. Bệnh sởi thường không nặng, tuy vậy sau khi mắc sởi thì gây suy giảm miễn dịch,  trẻ rất dễ bị biến chứng như viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng viêm mạc. Vì vậy, cần phải giữ gìn cho những trẻ sau khi mắc sởi khỏi bị biến chứng hoặc sau khi mắc sởi mà có dấu hiệu sốt, viêm phổi, tiêu chảy thì đến ngay cơ sở y tế khám điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa hiệu quả nhất của bệnh sởi là tiêm vắc xin.

Vì sao dịch sởi lại bùng phát diễn biến phức tạp nhất từ trước đến nay?

Ông có thể nêu những loại thuốc và vắcxin sử dụng liên quan tới phòng, chống bệnh sởi và cách dùng như thế nào? (Hương Lan - Hải Phòng)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Hiện nay, sởi là bệnh thường nhẹ nhưng e ngại nhất là trẻ sau khi mắc sởi thì suy giảm miễn dịch và dễ biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy. Việc điều trị trong giai đoạn mắc sởi chủ yếu là nâng cao thể trạng, đảm bảo dinh dưỡng cho cho để trẻ đề kháng tốt không bị biến chứng. Nếu trẻ bị biến chứng thì phải căn cứ tùy vào bệnh cảnh lâm sàng để điều trị.

Bạn nên đến cơ quan y tế để khám, tư vấn và điều trị một cách phù hợp. Tôi cũng khuyên bạn nên theo dõi bởi vì phần lớn các cháu mắc bệnh là lứa tuổi nhỏ nên diễn biến bệnh rất phức tạp. Đôi khi chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh chóng. Nếu chúng ta không theo dõi và đáp ứng kịp thời thì sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.

Hiện nay, phòng bệnh sởi hiệu quả nhất vẫn là sử dụng vắcxin. Để tránh trẻ mắc sởi thì chúng ta không nên để trẻ tiếp xúc với trẻ mắc sởi và hạn chế đến những nơi đông người và thực hiện các vấn đề liên quan đến vệ sinh cá nhân…

Mong ông cho biết những biện pháp phòng ngừa tốt nhất dành cho các bé khỏi tình hình bệnh dịch phức tạp như hiện nay? (Hoàng Vân - Khâm Thiên - Hà Nội)

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Biện pháp phòng ngừa tốt nhất dành cho các bé khỏi tình hình bệnh dịch hiện nay là tiêm vắcxin phòng bệnh sởi. Tuy nhiên, không phải 100% trẻ được tiêm vắcxin đều không mắc bệnh sởi. Trẻ cần được chăm sóc vệ sinh cá nhân tốt, có chế độ dinh dưỡng tốt và hạn chế tiếp xúc ở nhưng nơi đông người.

Thưa ông, sởi xuất phát do nguyên nhân chính từ đâu? Theo khuyến cáo của các bác sỹ thì cần mở cửa sổ để có không khí thông thoáng, nếu nền nhà có thảm, bật điều hòa thì trẻ em mới sinh có dễ bị lây nhiễm không? (Thu Phương - Thanh Trì - Hà Nội)

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG:  Người bị mắc bệnh sởi là do không được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi hoặc chưa bị mắc bệnh sởi trước đó.

Bệnh sởi là bệnh lây theo đường hô hấp vì vậy trẻ cần được ở trong môi trường có không khí thông thoáng. Nếu gia đình sử dụng điều hòa thì không nên sử dụng liên tục mà phòng của các cháu cần có không khí trong lành từ môi trường.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm các bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đến thăm các bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thưa ông, con trai tôi 23 tháng tuổi, đã tiêm phòng theo lịch của phường. Nay lớp cháu có bạn bị sởi phải nghỉ học. Liệu tôi có nên cho cháu nghỉ luôn để cách ly không? Cô giáo nói không sao nhưng tôi rất hoang mang. (Độc giả Cao Thị Nhung, Xuân Thủy)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Con của bạn đã được tiêm phòng sởi dù là 1 mũi vẫn có tác dụng bảo vệ cháu không mắc sởi. Trong trường hợp hiệu quả của mũi tiêm lần 1 thấp (nếu chỉ tiêm 1 mũi)  cháu có mắc sởi cũng rất nhẹ. Việc cô giáo nói là rất đúng, chị hãy yên tâm.

- Con tôi năm nay đã 2 tuổi. Trước đó, tôi đã quên không cho cháu đi tiêm vắc xin, vậy bây giờ tôi phải làm thế nào thưa bác sỹ? Tôi đang rất lo lắng. Cho trẻ ở yên trong nhà, không tới trường, không tiếp xúc chỗ đông người có phải là giải pháp tốt nhất?

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Nếu cháu đã 2 tuổi mà chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh thì cháu cần được đưa đến cơ sở y tế để được các bác sĩ tư vấn và tiêm chủng các vắcxin cần thiết. Để phòng bệnh sởi, cháu cũng cần được tiêm ngay vắcxin sởi. Bệnh sởi là bệnh lây theo đường hô hấp, vì vậy cần hạn chế cho cháu tiếp xúc ở những chỗ đông người.

Trên thế giới, có những quốc gia chỉ có 1- 2 người chết đã công bố dịch để người dân có biện pháp phòng tránh. Vậy tại sao khi có đến mấy chục cháu nhỏ mất vì bệnh sởi mà Bộ Y tế lại chưa công bố dịch? Trách nhiệm của những người làm trong ngành y tế nói chung và những người dứng đầu nói riêng ở đâu trong vụ việc này, thưa ông? (Nguyễn Thị Thúy Hà, 42 tuổi, ngõ 22, Trung Kính, Hà Nội)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Thứ nhất, tôi xin lý giải rằng không công bố dịch không có nghĩa là không có dịch và cũng có hai khái niệm: Thông báo dịch và công bố dịch. Thực tế ở Việt Nam đã thông báo dịch từ đầu, ngay từ khi xuất hiện dịch sởi ở Yên Bái, Hà Giang… cuối 2013. Bộ Y tế đã thông báo và triển khai các biện pháp phòng chống dịch và đến nay ở đó đã khống chế được dịch.

Bộ Y tế cũng đã triển khai Hội nghị Phòng chống dịch sởi vào ngày 23/2/2014 với sự tham gia chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ với tất cả UBND các tỉnh và đã triển khai chiến dịch tiêm vét vắcxin sởi cho toàn bộ số trẻ từ 9 tháng đến 2 tuổi trên phạm vi cả nước. Tại các tỉnh có những ổ dịch tập trung thì đã triển khai tiêm ở các đối tượng lứa tuổi cao hơn.

Những hàng ghế đều chật cứng người ngồi chờ đến lượt

Mỗi ngày số trẻ nhập viện vì bệnh sởi vẫn đang tăng lên

Đối với Việt Nam, hiện nay việc công bố dịch đang thực hiện theo Quyết định số 64 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có nêu:

Số mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số người mắc dự tính bình thường của cơ quan tuyến tỉnh, thành phố và có ít nhất một trong các yếu tố: Quy mô, tính chất của dịch bệnh vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế; Bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh…

Bệnh sởi là bệnh nhóm B, thẩm quyền công bố dịch thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh thành phố, Bộ Y tế công bố khi có 2 tỉnh tiến hành công bố dịch và đề nghị Bộ Y tế công bố. Cũng căn cứ vào điều kiện trên thì điều kiện công bố dịch cũng đồng nghĩa với việc tỉnh/ thành phố đó không kiểm soát được tình hình và cần sự trợ giúp từ bên ngoài và cũng có thể cần những biện pháp mạnh như đóng cửa trường học, hạn chế đi lại…

Nếu công bố dịch khi chưa có đủ điều kiện so với tình hình thực tế thì có thể có những ảnh hưởng không tốt với cộng đồng. Vì vậy, đến nay các tỉnh thành phố chưa công bố dịch. Nhưng tôi thiết nghĩ, phải xem xét hành động đáp ứng với dịch như thế nào là quan trọng trước tình hình như vậy các cấp các ngành, địa phương đã đáp ứng mạnh mẽ hay chưa là điều rất quan trọng. Trong thời điểm hiện nay, Chính phủ, Bộ Y tế, UBND các tỉnh đã vào cuộc một cách rất mạnh mẽ từ vấn đề đầu tư. Ví dụ, Chính phủ đã cấp 80 tỷ đồng và suất dự trữ quốc gia cho công tác phòng chống dịch; Tại Hà Nội đã cấp hơn 70 tỷ đồng và đã huy động toàn xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh.

Thưa TS, hiện con tôi đang bị viêm phế quản nên tôi muốn đưa con đi khám. Nhưng nghe nói rằng thời điểm này không nên tới bệnh viện vì sợ lây sởi. Vậy không hiểu tôi phải đưa con tôi tới đâu để được điều trị mà tránh nguy cơ lây nhiễm phổi? (Chị Lê Thị Mai, 35 tuổi, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Hiện con bạn bị viêm phế quản, tôi cho rằng bạn phải đưa con bạn đi khám và hiện nay Bộ Y tế đang chỉ đạo các cơ sở y tế phải thực hiện phân luồng, thực hiện cách ly bệnh nhân để tránh việc các cháu bị bệnh đến cơ sở y tế mà bị mắc sởi. Nhưng đồng thời cũng tránh việc các cháu đến cơ sở y tế điều trị sởi mà lây nhiễm các bệnh khác. Vì vậy, bạn yên tâm đưa cháu đi khám, nhưng tôi khuyên trước tiên bạn nên đến cơ sở y tế vì ở đó môi trường truyền nhiễm bệnh tật không phức tạp, các vấn đề lây chéo không nhiều vì ít bệnh nhân; Các bác sỹ ở đó sẽ khám và đưa ra phương thức điều trị một cách thích hợp. Nếu cháu nhẹ thì có thể cho thuốc và điều trị ở nhà.

Trong thời gian này, ông và các bác sĩ đã và đang áp dụng các biện pháp gì để ngăn ngừa khả năng biến chứng của bệnh? Nếu biến chứng thì ông và các bác sĩ sẽ làm thế nào để tránh "trường hợp xấu nhất"? (Vũ Dương - Cầu Giấy - Hà Nội)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Tôi rất cảm ơn câu hỏi này của bạn, đây là nỗi lo lắng không chỉ của riêng tôi mà còn cả nhân viên của tôi. Chúng tôi đang cố gắng vượt qua những thử thách này. Đầu tiên chúng tôi cố gắng cách ly các cháu để tránh lây chéo.
Thứ 2, chúng tôi thường xuyên tư vấn các bà mẹ cho các cháu ăn uống đầy đủ để nâng sức đề kháng cho các cháu, giữ vệ sinh cá nhân.
Tại các phòng bệnh chúng tôi cũng áp dụng các biện pháp khử khuẩn thường xuyên, như dùng khí ozon, lau chùi sàn nhà...
Trong trường hợp nghi ngờ các cháu có biến chứng, chúng tôi chủ động dùng các thuốc hỗ trợ thích hợp ví dụ như kháng sinh, gamaglobulin. Trên thực tế những cháu có biến chứng, các cô điều dưỡng đều tận tình chăm sóc, hướng dẫn, thậm chí cả ngày lẫn đêm ví dụ cho thở oxy, khí rung để giảm nhẹ mức độ nguy hiểm của các biến chứng.
Những điều tôi nói ở trên, đã được chúng tôi thực hiện nghiêm túc và thường xuyên. Một lần nữa cảm ơn chị đã hiểu những khó khăn của chúng tôi.

Thưa ông, hiện nay việc sử dụng vắcxin được thực hiện như thế nào với bệnh sởi này? Chúng ta đã sản xuất được loại vắcxin này chưa hay vẫn phải nhập khẩu? Chất lượng vắcxin hiện nay ra sao?

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Lịch tiêm chủng vắcxin phòng bệnh sởi là lúc 9 tháng tuổi và 18 tháng tuổi. Ngoài ra, trong các chiến dịch tiêm chủng khác, trẻ cung được tiêm  vắcxin nếu cần thiết.

Từ năm 2009, Việt Nam đã tự sản xuất được vắcxin sởi đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của Việt Nam. Vắcxin sởi sản xuất tại Việt Nam được chuyển giao công nghệ từ Nhật Bản. Đây là vắcxin có hiệu quả cao trong việc phòng bệnh sởi.

Con tôi bị sốt khá cao, theo ông thì tôi có nên cho cháu đi khám không nếu chưa có biến cố quá lớn? Tôi thấy bảo giờ vào bệnh viện là vô cùng nguy hiểm, dễ lây bệnh. (Việt Hưng - Hải Dương)

- PGS.TS BÙI VŨ HUY: Ở các cháu nhỏ dưới 3 tuổi khi sốt cao trên 39 độ có thể có nguy cơ co giật, vì vậy những trường hợp này bác sĩ thường khuyên dùng thuốc hạ nhiệt để duy trì nhiệt độ dưới 38,5. Trong trường hợp chị chưa xác định được bệnh của con thì cũng cần đi khám nhưng chị cần chú ý cho cháu đeo khẩu trang, khám tại cơ sở nơi gần nhất, tránh nơi đông người để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Có nhiều trường hợp dù đã tiêm vắcxin phòng sởi nhưng vẫn mắc bệnh sởi, ông có thể giải thích rõ điều này?

- TS.BS NGUYỄN VĂN CƯỜNG: Cũng như tất cả các loại vắcxin khác, việc tiêm chủng vắcxin không có khả năng bảo vệ 100% đối tượng được tiêm chủng. Từng người khác nhau thì khả năng sinh miễn dịch phòng bệnh khi được tiêm chủng vắcxin là khác nhau.

Nếu được tiêm 1 mũi vắcxin sởi thì khả năng bảo vệ phòng bệnh sởi là khoảng 85%, tiêm 2 mũi đúng lịch thì khả năng phòng bệnh sởi từ 90% – 95%.

Thưa ông, Cục Y tế Dự phòng có biện pháp nào để công tác tiêm phòng cho trẻ nhỏ được tiến hành một cách hiệu quả, tránh để người dân phải xếp hàng chờ đợi quá lâu hoặc tình trạng phải đưa tiền 'lót tay' mới được tiêm cẩn thận, chu đáo, nhanh chóng? (Ông Lê Văn Dương, Q. Thủ Đức, TP.HCM)

- PGS.TS TRẦN ĐẮC PHU: Hiện nay, vắcxin tiêm phòng sởi đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm miễn phí cho trẻ em thực hiện hàng tháng tại các cơ sở xã, phường. Chúng tôi nghĩ rằng, không có chuyện phải chờ đợi quá lâu, chắc bạn nói việc xếp hàng là bạn đưa con bạn đến các cơ sở tiêm dịch vụ. Do người dân đổ xô đi tiêm quá nhiều trong khi các điểm tiêm chủng dịch vụ chưa đáp ứng kịp với nhu cầu của người nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay. Vì vậy, tôi nghĩ rằng bạn cũng có thể cho con bạn đi tiêm tại điểm tiêm chủng mở rộng miễn phí tại các xã, phường.

Còn ý bạn nói cần phải đưa tiền “lót tay” mới được tiêm cẩn thận, chu đáo, nhanh chóng là có đúng thực tế hay không. Nếu là đúng thực tế, thì bạn cũng có thể cho tôi biết để chấn chỉnh ngay. Trong thời gian tới, nếu nhu cầu của người dân tiêm dịch vụ nhiều, chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các cơ sở y tế có thể mở thêm các điểm thêm dịch vụ để phục vụ người dân. Nhưng thực tế, đây là những cơ sở tiêm tự hạch toán, tự chi trả nên cũng phải phụ thuộc vào điều kiện của các cơ sở y tế có khả năng thực hiện được để duy trì và tồn tại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại