Dân quê mất việc vì lao động người Trung Quốc (Kỳ 1)

Hoàng Sơn |

(Soha.vn) - Từng có lúc được mệnh danh là ‘Chinatown’ (Phố Tàu), vào thời điểm cao nhất, lao động người Trung Quốc đến làm việc tại xã Khánh Phú (Yên Khánh, Ninh Bình) lên đến hàng nghìn người.

‘Tranh việc’ của dân quê

Vừa ngồi trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Đức Hoán (sinh năm 1973), trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình) vừa bấm đốt ngón tay để nhẩm tính số thời gian mà lao động người Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở xã Khánh Phú:“Họ ở đây hơn 3 năm các chú ạ, chính xác là bắt đầu từ khi doanh nghiệp Trung Quốc trúng thầu thi công công trình nhà máy điện đạm Ninh Bình, cụ thể là từ khoảng năm 2008 đến cuối năm 2011”.

Ông Phan Đức Hoán (sinh năm 1973) - trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình): “May mà họ về nước sớm, chứ nếu kéo dài thời gian thì… chưa biết như thế nào”.
Ông Phan Đức Hoán (sinh năm 1973) - trưởng thôn Phú Bình (xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình): “May mà họ về nước sớm, chứ nếu kéo dài thời gian thì… chưa biết như thế nào”.

Ông Hoán kể: “Phú Bình là một trong 8 thôn của xã Khánh Phú, nằm sát với khu công nghiệp Khánh Phú. Trước kia đây là vùng thuần nông, nghề chính là làm ruộng.

Khi tỉnh Ninh Bình bắt đầu triển khai dự án quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Khánh Phú thì có đến hơn 90% diện tích đất nông nghiệp của xã bị thu hồi để làm mặt bằng, vì vậy người dân phải chuyển sang làm nghề khác, hoặc làm công nhân cho khu công nghiệp, hoặc đi nơi khác làm thuê, làm mướn.

Năm 2008 là thời điểm lao động người Trung Quốc xuất hiện trên địa bàn xã. Ban đầu chỉ có vài chục người, chủ yếu là chuyên gia. Sau thì lên đến hàng trăm, rồi hàng nghìn người. Cả xã đi đâu cũng thấy người Trung Quốc.

Ngoài số chuyên gia, đa số là lao động phổ thông. Số lượng lao động phổ thông của họ chiếm đến quá nửa. Những lao động phổ thông người Trung Quốc này họ làm đủ mọi việc, từ thợ xây cho đến cả làm phụ hồ xây dựng…”.

Đoạn đường trước KCN Khánh Phú (thuộc địa bàn xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình) có thời được mệnh danh là
Đoạn đường trước KCN Khánh Phú (thuộc địa bàn xã Khánh Phú, Yên Khánh, Ninh Bình) có thời được mệnh danh là "Chinatown" (Phố Tàu) bởi thường xuyên có mặt hàng nghìn công nhân TQ tại đây.

“Khi đó, do đất nông nghiệp đã bị thu hồi nên số lao động ở quê thừa thãi rất nhiều. Lúc công trình nhà máy điện đạm Ninh Bình chuẩn bị được khởi công, nhiều người hi vọng sẽ kiếm được việc làm ở khu công nghiệp.

Tuy nhiên, khi khởi công thì mọi người mới vỡ lẽ ra là chủ thi công là doanh nghiệp Trung Quốc, họ đem lao động từ nước họ sang, rất ít tuyển người người Việt vào làm. Thành ra rất nhiều lao động ở xã Khánh Phú, dù xã mình có khu công nghiệp đứng chân nhưng vẫn phải vào Nam, ra Hà Nội tìm việc khác để làm thuê kiếm sống.

Khi đó, nhiều người dân ở xã Khánh Phú thường hay nói với nhau:“Lao động TQ sang đây đã tranh hết việc làm của mình rồi còn đâu”. Biết vậy nhưng cũng đâu làm gì khác được, họ là chủ thầu, họ lấy lao động nước họ, không thuê mình thì mình cũng… đành chịu”, ông Hoán nói.

“Xáo trộn làng quê”

Theo ông Hoán, giai đoạn hơn 3 năm lao động người Trung Quốc sang xây dựng nhà máy điện đạm Ninh Bình cũng là khoảng thời gian mà thôn Phú Bình nói riêng và xã Khánh Phú (Yên Khánh) nói chung có nhiều ‘xáo trộn’.

Ông Hoán cho biết: “Trong khoảng hơn một năm đầu, gần như đêm nào người dân chúng tôi cũng bị mất ngủ bởi tiếng chó sủa và tiếng người hò hét.

Sau khi làm ca đêm xong, các công nhân người Trung Quốc thường tụ tập thành từng tốp từ 20 – 40 người đi nhậu nhẹt, uống rượu. Nhậu xong thì ra đường và nghêu ngao hát.

Khu công nghiệp Khánh Phú.
Khu công nghiệp Khánh Phú.

Đêm nào cũng như đêm nào, cứ từ khoảng 1 – 2 giờ sáng là chó khắp nơi trong thôn lại sủa rộ lên inh ỏi bởi tiếng hò hét của các công nhân TQ làm ca đêm khiến người dân chúng tôi rất bức xúc.

Có người chịu không được còn ra tận nơi để gặp họ và yêu cầu họ giữ trật tự cho thôn xóm. Đáp lại họ nói xì xồ gì đó với nhau rồi cười phá lên. Nói thực với các anh chứ, mình có biết tiếng họ đâu, có khi họ đang chửi mình ngay trước mặt cũng không biết chừng”.

Cũng theo ông Hoán, đã có không ít vụ xô xát xảy ra giữa những công nhân là người TQ với nhau, giữa công nhân TQ với thanh niên địa phương xảy ra trên địa bàn. Nguyên nhân phần lớn là do mâu thuẫn vì bất đồng ngôn ngữ hoặc vì công nhân người TQ gây mất trật tự.

“Hơn một năm sau, công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng lẫn đơn vị thi công bố trí sắp xếp chỗ ở cho các công nhân là người Trung Quốc ở nơi khác thì tình hình địa phương mới đỡ phức tạp.

Đến khoảng cuối năm 2011 thì những công nhân TQ mới bắt đầu về nước sau khi công trình nhà máy điện đạm đã thi công xong. Cũng may mà họ về nước sớm, chứ nếu kéo dài thời gian thì… chưa biết như thế nào”, ông Hoán nói.

Ông Vũ Văn Lưu – cán bộ Tư pháp UBND xã Khánh Phú: “Vào thời điểm cao nhất, giai đoạn 2008 – 2009, lao động là người Trung Quốc làm việc tại khu công nghiệp Khánh Phú lên đến hơn 4000 người. Gần như khắp xã Khánh Phú chỗ nào cũng thấy mặt công nhân là người Trung Quốc. Đến nay số lao động này đã về nước, chỉ còn lại khoảng 100 chuyên gia ở lại làm công tác bảo trì và vận hành nhà máy điện đạm”.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại