Lình xình quanh chuyện sở hữu
5 người bị Công an quận Hai Bà Trưng khởi tố ngày 16/11/2012 là: Phan Minh Thúy, Lê Thị Diệu Hồng, Nguyễn Văn Quảng, Đoàn Hữu Bình, Nguyễn Mạnh Dũng cùng về tội Hủy hoại tài sản. Họ cùng ở chung cư 93 Lò Đúc, phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Điều đáng nói, nguồn cơn của mọi việc lại bắt đầu từ những sai phạm của doanh nghiệp: Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô.
Trong nhiều năm qua, hàng loạt các sai phạm nghiêm trọng đã diễn ra tại chung cư 93 Lò Đúc vì Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã tự ý nâng độ cao căn phòng, cơi nới xây dựng thêm tầng, thêm phòng... trái với quy định trong giấy phép xây dựng. Ngoài ra, công ty này còn tự ý nâng giá điện, nước, giá gửi xe, thuế... Tại đây cũng từng xảy ra vụ côn đồ đến đe dọa người dân.
Ngày 30/10/2012, tại tầng G tòa nhà chung cư 93 Lò Đúc, công ty này lại tiếp tục tiến hành xây dựng trái phép một căn phòng ngay chân cầu thang thoát hiểm. Người dân cho rằng, việc làm trên của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô không chỉ chiếm đoạt không gian sinh hoạt chung của toàn bộ cư dân sinh sống tại chung cư này mà còn xâm hại đến quyền sở hữu chung của các cư dân nơi đây đã được pháp luật quy định và bảo hộ. Thậm chí, việc xây dựng này có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ dân cư nơi đây nếu như có hỏa hoạn xảy ra vì căn phòng mới xây chiếm nhiều diện tích của lối thoát hiểm.
Bất bình trước hành vi xây dựng trái phép và ngang ngược trên, các cư dân trong chung cư đã kéo xuống tầng G yêu cầu công ty này dừng thi công và liên tiếp đi trình báo các cơ quan chức năng về hành vi này.
Tuy nhiên, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô vẫn ngang nhiên tiếp tục hành vi xây dựng trái phép trên và không một cơ quan chức năng nào vào cuộc. Vì vậy, toàn bộ cư dân nơi đây đã phải họp bàn, sau đó buộc họ phải tự phá dỡ bức tường đang xây dở để giải phóng mặt bằng, tự bảo vệ quyền sở hữu chung cũng như an toàn của mình, không phải là hành vi hủy hoại tài sản của người khác.
"Tầng G thuộc sở hữu chung của tất cả các cư dân trong chung cư" - Luật sư Hòe khẳng định
Truy tố có đúng người đúng tội?
Điều trớ trêu là, hành vi vi phạm pháp luật của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã không hề bị truy xét trong khi 5 cư dân của chung cư thì lại bị truy tố trước pháp luật về hành vi “Hủy hoại tài sản” theo Khoản 1 Điều 143 Bộ luật Hình sự.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng văn phòng luật sư Interla: “Hủy hoại tài sản là hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác”, điều này có nghĩa là nếu như một người cố ý hủy hoại tài sản của người khác (với một số dấu hiệu pháp lý đi kèm như: tài sản đó bị mất giá trị sử dụng ở mức độ không thể khôi phục lại được; tài sản trị giá từ 2 triệu đồng trở lên; được cố ý thực hiện...), thì sẽ bị truy tố trước pháp luật theo tội danh đã nêu trên”.
Luật sư Trương Quốc Hòe cũng khẳng định, việc 5 cư dân trong chung cư 93 Lò Đúc bị truy tố theo Điều 143 Bộ luật Hình sự bởi hành vi phá dỡ bức tường mà Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã xây trái phép tại tầng G của tòa nhà chung cư này là không đúng. Bởi vì 5 cư dân này đang bảo vệ quyền sở hữu của mình chứ không hủy hoại tài sản của công ty này: “Vì tầng G của Chung cư 93 Lò Đúc không thuộc sở hữu riêng của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô mà thuộc sở hữu chung của tất cả các cư dân trong chung cư này nên việc xây dựng tại đây là bất hợp pháp và cần phải tháo dỡ, trả lại nguyên trạng cho các đồng sở hữu”, ông Hòe giải thích.
Điều 229 - Bộ luật dân sự năm 1995 quy định: “Sở hữu chung là sở hữu của nhiều chủ sở hữu đối với tài sản”, và Điều 239 quy định về “Sở hữu chung trong nhà chung cư:
1- Phần diện tích, trang thiết bị dùng chung trong nhà chung cư thuộc sở hữu chung của tất cả chủ sở hữu các căn hộ trong nhà đó và không thể phân chia.
2- Chủ sở hữu các căn hộ trong nhà chung cư có quyền và nghĩa vụ ngang nhau trong việc quản lý, sử dụng phần diện tích và thiết bị chung”
Tại điểm a khoản 2 Điều 49 Nghị định 71/2010/NĐ-CP ngày 23/06/2010 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật nhà ở cũng đã quy định về Phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung trong nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu
2. Phần sở hữu chung nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu bao gồm phần diện tích và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư được quy định như sau:
a) Phần diện tích thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư bao gồm: không gian, hành lang, cầu thang bộ, cầu thang máy, sân thượng, khung, cột, tường chịu lực, tường bao ngôi nhà, tường phân chia các căn hộ, sàn, mái, đường thoát hiểm, hệ thống bể phốt, lối đi bộ, sân chơi chung và các phần khác không thuộc sở hữu riêng của các chủ sở hữu nhà chung cư;
Phần diện tích thuộc sở hữu chung quy định tại khoản này được dùng để sử dụng chung cho các chủ sở hữu nhà chung cư theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định này và quy định về quản lý sử dụng nhà chung cư.”
Như vậy, phần diện tích tại tầng G – cầu thang số 7, toàn bộ cầu thang bộ, cầu thang máy và những phần diện tích, trang thiết bị khác dùng chung trong nhà chung cư đều thuộc sở hữu chung của toàn thể các hộ dân tại tòa nhà. Điều đó, đồng nghĩa với việc những phần diện tích và trang thiết bị đó là tài sản chung của các hộ dân tại đây, đó là phần tài sản chung mà không thể phân chia cho từng cá nhân hay gia đình, cũng không phải tài sản riêng của Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô.
Luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, việc khởi tố 5 cư dân của chung cư 93 Lò Đúc với tội danh được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự là hoàn toàn không đúng, gây oan sai cho người vô tội.
Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, việc Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô xây dựng phòng kỹ thuật điện tại tầng G không xin phép ý kiến của người dân ở đây có thể thấy Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô đã xâm phạm đến quyền sở hữu chung nói trên. Đây không phải là lần đầu công ty này xâm hại đến quyền sở hữu chung của các cư dân nơi đây và báo chí thời gian qua đã phản ánh rất nhiều những hành vi trên. Tuy nhiên, Công ty TNHH khách sạn Kinh Đô không hề ngừng các sai phạm cũng như chưa một cơ quan chức năng nào xử lý triệt để những sai phạm kéo dài nhiều năm trời của công ty này.