Xa đỉnh cao 20 năm, HLV Troussier phải chứng minh đẳng cấp chưa lỗi thời

Xuân Phương |

HLV Philippe Troussier là một chuyên gia giỏi và nổi tiếng toàn cầu nhưng vẫn có những yếu tố khiến khả năng thành công của ông tại Việt Nam bị đặt dấu hỏi.

Với một bề dày thành tích cùng vốn kiến thức bóng đá đồ sộ, Troussier xứng đáng được coi là bản hợp đồng "bom tấn" của VFF. Tuy nhiên, bản hợp đồng này mới chỉ dừng ở mức đáng chú ý trên lý thuyết. Còn thực tế, nhiều điều đáng lo ngại vẫn còn chờ đợi đội tuyển Việt Nam và HLV Troussier.

HLV Troussier xa đỉnh cao 20 năm

Điều đầu tiên là giống như HLV Park Hang Seo, ông Troussier đến Việt Nam làm việc trong giai đoạn cuối của sự nghiệp và đã xa rời môi trường đỉnh cao nhiều năm. Đỉnh cao trong thành công của ông Troussier nằm ở giai đoạn những năm 80, 90 của thế kỷ XX và đầu những năm 2000. Những dấu ấn, thành tựu lớn nhất của nhà cầm quân người Pháp là ở châu Phi và Nhật Bản.

Xa đỉnh cao 20 năm, HLV Troussier phải chứng minh đẳng cấp chưa lỗi thời - Ảnh 1.

Sau thành công cùng đội tuyển Nhật Bản ở World Cup 2002, HLV Troussier không có thành tích nổi bật nào khác.

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, Philippe Troussier không đạt được thành tựu nào ấn tượng trên cương vị HLV trưởng nữa.

HLV Troussier thất bại ở CLB Thâm Quyến ở năm 2010. Ông khiến họ trở thành đội tuyển vô địch giải Trung Quốc đầu tiên phải xuống hạng. Sau đó, ông cũng không có được thành công như các đội bóng khác. Ông Troussier trong giai đoạn này được nhìn nhận là một chuyên gia đào tạo cầu thủ trẻ nhiều hơn là một HLV có thành tích cao.

Sang đến Việt Nam, Troussier làm Giám đốc kỹ thuật PVF trước khi đảm nhận cương vị HLV trưởng U19 Việt Nam. Dấu ấn trong công tác đào tạo, huấn luyện của Troussier đã được các chuyên gia đánh giá rất cao. Nhưng xét trên phương diện thành tích, dấu ấn lớn nhất mà Troussier có được cũng chỉ là giúp U19 Việt Nam vượt qua được vòng loại U19 châu Á 2020.

Tính từ năm 2015 sau khi rời CLB Hàng Châu, HLV Troussier không làm HLV trưởng của một đội bóng nào ở cấp độ chuyên nghiệp cao nhất. Nhà cầm quân người Pháp không cần chứng minh năng lực của mình, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông có còn theo kịp dòng chảy của bóng đá hiện đại hay không, công thức thành công trong quá khứ có còn phù hợp với hiện tại và ông Troussier sẽ điều chỉnh như thế nào.

Ngoài "phù thủy trắng", HLV Troussier còn có một biệt danh khác khi làm việc ở Nhật Bản là "Quỷ đỏ". Truyền thông ở đất nước mặt trời mọc đặt cho ông cái tên này là vì mỗi lần vị HLV nóng tính này nổi cáu với học trò, khuôn mặt của ông cũng đỏ găng lên.

Xa đỉnh cao 20 năm, HLV Troussier phải chứng minh đẳng cấp chưa lỗi thời - Ảnh 2.

HLV Troussier và Park Hang Seo có điểm chung là đến Việt Nam ở giai đoạn cuối sự nghiệp.

Trong một câu chuyện được kể trên tờ New York Times, vào tháng 4/2001 ông Troussier đã bị cầu thủ Ryuzo Morioka ném thẳng giầy vào người vì xô xát và nạt nộ anh trước đám đông. Hay vào năm 2005, ông cũng từng bất đồng với hậu vệ Bixente Lizarazu, dẫn tới việc cầu thủ này từ Marseille chuyển sang chơi cho Bayern Munich.

Trong cuộc phỏng vấn với J Soccer, trợ lý cũ của ông Troussier là David Camhi cho biết quan điểm của vị HLV người Pháp là không tạo ra mối quan hệ thân thiết, thân mật với các cầu thủ. Bù lại, HLV Troussier rất rạch ròi, trực diện để đảm bảo các cầu thủ hiểu được ý mình.

Nhìn chung phong cách của HLV Troussier trong việc cư xử với cầu thủ không giống với người tiền nhiệm Park Hang Seo. Điều này có thể xuất phát từ sự khác biệt trong phong cách làm việc giữa người châu Âu và châu Á.

Nội lực của bóng đá Việt Nam

Một yếu tố quan trọng khác tác động đến khả năng thành công của HLV Troussier không nằm ở nhà cầm quân này, mà là từ nội lực của ĐT Việt Nam hiện tại. Sau giai đoạn gây ấn tượng năm 2018 và 2019, với việc vào top 8 Asian Cup, vô địch AFF Cup 2018 cũng như vào đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022, thành tích của ĐT Việt Nam trong 2 năm qua không tốt. Điều đó cũng đến từ sự suy giảm phong độ và nhạt nhòa khát khao chiến đấu của một số tuyển thủ quốc gia.

Xa đỉnh cao 20 năm, HLV Troussier phải chứng minh đẳng cấp chưa lỗi thời - Ảnh 3.

Đội tuyển Việt Nam cần một cú hích để bứt lên một mức tiêu chuẩn mới.

Nguyễn Quang Hải, cái tên ấn tượng nhất trong 5 năm qua cũng đang bị chững lại, nhất là trong bối cảnh anh không được ra sân thường xuyên tại Pau FC. Các gương mặt như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn cũng không còn là chính mình.

Trong khi đội tuyển Việt Nam có dấu hiệu qua đỉnh cao thì các đối thủ trong khu vực Đông Nam Á lại trỗi dậy. Indonesia đang ngày càng trở nên khó chịu hơn dưới tay ông Shin Tae-yong và Thái Lan qua vài năm khủng hoảng đã dần lấy lại hình ảnh của đội bóng số 1 khu vực.

Thêm vào đó, để hướng tới mục tiêu World Cup 2026 hoặc muộn hơn, đội tuyển Việt Nam không thể chỉ trông cậy vào một HLV giỏi và 1-2 lứa cầu thủ. Nền tảng của bóng đá Việt Nam những năm qua từ công tác đào tạo trẻ chỉ là bước đi rất nhỏ ban đầu. Nâng tầm giải vô địch quốc gia và tiếp tục phát triển đào tạo cầu thủ lứa kế cận là nhiệm vụ bắt buộc.

Nhìn chung, HLV Troussier nhận nhiệm vụ đưa đội tuyển Việt Nam lên một tầm mới. Trong quá trình đó, nhà cầm quân người Pháp cần sự hỗ trợ của rất nhiều thành phần trong nền bóng đá để ông có thể chứng minh rằng mình vẫn chưa lỗi thời sau 20 năm xa đỉnh cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại