Thật ra ngay từ sau khi trúng cử chức Chủ tịch FIFA, Gianni Infantino không hề giấu diếm ý định mở rộng World Cup vượt con số 32 đội. Thay vì con số 40 như đề xuất đầu tiên, ông muốn nâng lên mức 48 đội, ý tưởng được đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái và nhận được những phản hồi tích cực trong cuộc gặp mặt ủy viên ban chấp hành FIFA ở Zurich trong tháng đó.
Theo những tiết lộ mới nhất, World Cup 48 đội sẽ có 16 bảng (mỗi bảng 3 đội), kéo dài 32 ngày như cũ nhưng số trận sẽ tăng lên thành 80. Nhiều trận hơn, tiền chắc chắn đổ về FIFA nhiều hơn.
Cơ hội cho những nền bóng đá nhỏ
Đó vừa là cách để Infantino thu hút thêm cơ hội tham dự giải đấu lớn nhất thế giới cấp độ đội tuyển, đồng thời tăng cơ hội để tái đắc cử khi nhiệm kỳ của mình kết thúc vào năm 2019.
Chắc chắn giải đấu năm 2026 sẽ chứng kiến những thay đổi đáng kể về thể thức thi đấu. Thay vì một vòng bảng với 8 bảng, 4 đội và 3 lượt trận như hiện nay, các đội sẽ chỉ góp mặt ở những bảng đấu có 3 đội, yếu tố khiến tất cả liên tưởng tới kỳ World Cup đầu tiên năm 1930 ở Uruguay. Giải đấu năm ấy có 13 đội, chia làm 3 bảng 3 đội và 1 bảng 4 đội.
Sự thay đổi về số đội ở vòng bảng sẽ không làm thay đổi số trận đấu để một đội bóng trở thành nhà vô địch, khi bất cứ đội bóng nào muốn lên ngôi đều phải thi đấu tổng cộng 7 trận.
Đó có lẽ là biện pháp nhằm xoa dịu những lo ngại của các CLB châu Âu, khi họ nhận ra rõ nhất ảnh hưởng tiêu cực từ việc các cầu thủ phải thi đấu ở một giải đấu dài ngày trong mùa hè như World Cup đến quá trình chuẩn bị mùa giải mới.
Ngoại trừ châu Âu, các nền bóng đá khác, đặc biệt là châu Á và châu Phi, có thể được hưởng lợi từ ý tưởng mở rộng số đội tham dự World Cup.
Cơ hội để họ góp mặt vì thế không còn trở nên quá xa vời. Hãy nhớ lại EURO 2016, một giải đấu ở cấp độ châu lục, đã thay đổi ra sao khi mở rộng từ 16 lên 24 đội, với sự xuất hiện lần đầu tiên của một số đội tuyển như Albania, Iceland, Slovakia hay Wales.
Những thách thức & phản ứng tiêu cực
Tuy vậy, việc tăng số đội tham dự World Cup không phải chỉ đem đến toàn những mặt tích cực.
Ngay khi ý tưởng mở rộng giải đấu được hé lộ cách đây 3 tháng, HLV Joachim Loew của đội tuyển Đức, nhà vô địch kỳ World Cup gần nhất, tỏ ra không mấy hào hứng trong một cuộc trả lời phỏng vấn: “Tôi không nghĩ rằng đó là một ý tưởng tốt khi nó có thể làm giảm đi giá trị thể thao của giải đấu”.
Phần lớn phản ứng của truyền thông và người hâm mộ sau khi biết được World Cup 48 đội chính thức được thông qua mang màu sắc tiêu cực.
Đa số đều cho rằng đó là một ý tưởng nực cười, không làm tăng chất lượng của giải đấu, và một cổ động viên tên Oluseyi thậm chí còn đăng trên Twitter cá nhân với một dòng mang tính chất cực đoan rằng: “Đã đến lúc tìm ra một môn thể thao yêu thích khác”.
Nếu cần một bằng chứng rõ ràng để nói lên mặt trái của một kỳ World Cup 48 đội, hãy soi chiếu vào kỳ EURO năm ngoái, giải đấu lần đầu tiên tăng số đội từ 16 lên 24.
Đó là giải đấu nhận được nhiều lời phàn nàn nhất, từ việc các trận đấu ở vòng bảng diễn ra quá nhàm chán, cho đến hành trình lên ngôi của Bồ Đào Nha, khi đội bóng này không thắng nổi một trận nào ở vòng bảng, nhưng vẫn đường hoàng bước tiếp và điều gì diễn ra sau đó thì ai cũng biết.
Bản thân World Cup 2014 cách đây ba năm cũng không tránh được những lời chỉ trích về sự suy giảm chất lượng các trận đấu. Có đến 5 trận ở giai đoạn vòng bảng kết thúc mà không có bàn thắng nào được ghi, và con số 2,67 bàn/trận tương đối thấp so với nhiều kỳ World Cup trước đây.
Bài toán dành cho Infantino và các cộng sự: Nâng số đội liệu có nâng chất lượng của World Cup?