Một ngày trước khi gõ ra những dòng này, tôi ngồi ở quán cà phê quen thuộc ngay góc đường Phan Bội Châu - Lê Thánh Tôn, đối diện cửa Đông chợ Bến Thành. Đây từng là khu buôn bán & ăn uống tấp nập hàng đầu Sài Gòn, người ra kẻ vào suốt chục năm chưa bao giờ ngớt. Ấy vậy mà trước mặt tôi giờ đây, hình ảnh còn lại là một khu chợ im lìm với hơn 80% sạp đã đóng, chỉ có dăm ba tiểu thương cầm cự bày biện hàng hoá, ngóng chờ những vị khách ít ỏi trong ngày. Giấc ngủ trưa khi xưa là một định nghĩa xa xỉ với người kinh doanh khu vực này, nhưng giờ ngủ trưa… đến tối cũng chẳng thành vấn đề.
Tháng 6 năm nay, cô bạn thân của tôi gọi điện từ Mỹ về, tiếng nói xen lẫn tiếng khóc. Bố của nó trong lúc làm việc chẳng may bị máy… kéo đứt lìa ngón tay, mất rất nhiều máu. Vì tình hình dịch đang căng thẳng nên ngay cả khi bất tỉnh, chú vẫn phải nhập viện một mình, không ai được vào cùng. Đồng nghĩa với việc nếu chẳng may có chuyện gì xảy ra, cả gia đình sẽ không được gặp nhau lần cuối.
May mắn là kịch bản xấu nhất đã không đến. Nhưng những gì xảy ra bên trong bệnh viện mà chú tận mắt chứng kiến là thứ chẳng ai có thể tưởng tượng: 5 - 10 phút loa lại thông báo một người đã mất, bác sĩ đang thăm bệnh phòng này thì nghe tin phòng trước có ai đó không qua khỏi, xác chết la liệt khắp hành lang, chồng chất lên nhau như những món hàng không người nhận. Phòng nghỉ của đội ngũ bác sĩ, y tá biến thành phòng chứa xác. Xe vận chuyển thi thể đến 3 lần/ ngày, chở tất cả đến bãi chôn tập thể, người ở lại không có bất cứ manh mối nào về việc người thân mình đã ra đi như thế nào, nằm xuống ở đâu.
Bãi Sao (Phú Quốc) là cái tên nổi tiếng trên bản đồ du lịch. Tôi ghé thăm nơi này vào một buổi sáng chủ nhật với tâm lý "thể nào cũng sẽ đông ngất", nhưng không, cả một bãi dài bát ngát mà chưa đến 10 người, tính cả nhân viên. Một cô bán trái cây dạo vác chiếc mâm nặng gần 5kg đi bộ giữa cái nắng 40 độ, ngót nghét chục vòng mà chưa bán được dù chỉ là bịch trái cây 20 ngàn. Cô nửa cười nửa mếu bảo hôm nay cuối tuần còn đỡ, chứ ngày thường vắng tanh, không có ai để mời. Nghe nói du lịch Phú Quốc phát triển nên cô chuyển từ Bắc vào đây thuê nhà từ cuối năm ngoái. "Giờ ráng kiếm được đồng nào mừng đồng đó, chứ thật sự không có khách con ơi..." - cô nói trước khi tiếp tục buổi chiều của mình.
Khi nhìn lại một năm cũ, chúng ta thường liệt kê những thành tích, những dấu mốc, những chiến thắng từ be bé đến to đùng mà mỗi người đã vất vả đạt được. 2020 thì khác, nó như một đường chạy việt dã bất tận, đầy căng thẳng nhưng lại chẳng có phần quà nào chờ đợi trước mắt, mà thay vào đó là một danh sách dài những chướng ngại vật được giấu kỹ đến phút cuối cùng. Ba câu chuyện trên là minh chứng cho thấy dù ít hay nhiều, dịch bệnh đã để lại ảnh hưởng nhất định, bất kể bạn là ai, còn sung sức hay đã mệt nhoài, làm công việc văn phòng máy lạnh hay dãi nắng dầm mưa, ở Việt Nam hay sống xa tít nửa vòng trái đất.
Vốn quen với cuộc sống của những kế hoạch được lên kỹ càng, của những to-do-list dài sọc, những ước mơ và hoài bão không ai có thể cản bước nên thật lạ lùng, xen lẫn khó chịu khi chúng ta phải trải qua thời khắc của sự bấp bênh, không chắc chắn. Trong cơn ác mộng hoang đường nhất, chẳng ai nghĩ có ngày thành phố mình sống bị lockdown, nhiều khu vực rơi vào diện cách ly, học sinh phải nghỉ học 3 tháng, người lao động mất việc hàng loạt, các doanh nghiệp lớn nhỏ thi nhau đóng cửa, và những chuyến du lịch nước ngoài bị hoãn vô thời hạn.
Thích nghi và thay đổi - đây là bài học mà chúng ta buộc phải thấm nhuần và làm theo trong năm qua, chẳng phải để phát triển hay bứt phá, mà để tiếp tục tồn tại giữa những diễn biến khắc nghiệt xung quanh. Giống như cách mà Haruki Murakami đã viết trong cuốn Tôi Nói Gì Khi Nói Về Chạy Bộ: "Đời là vậy. Có lẽ điều duy nhất ta có thể làm là chấp nhận nó, dù không thật sự biết chuyện gì đang xảy ra". Nhưng bạn biết điều thú vị nhất là gì không? Đó là trong những lúc tăm tối và tuyệt vọng, khi mà chúng ta tưởng chừng đã buông xuôi và mặc kệ tất cả, thì những điều tốt đẹp lại bất ngờ xuất hiện. Ngọn lửa nhỏ được thắp sáng đúng thời điểm biến thành một phép màu, mang đến nguồn năng lượng dồi dào không ai lường trước.
Giữa lúc thực tại u ám bao trùm cả thế giới, mỗi ngày trôi qua đều ghi nhận số ca mắc tăng nhanh chóng, chính phủ nhiều nước hoang mang không biết bắt đầu từ đâu thì tại Việt Nam, chúng ta may mắn nhận được sự chăm sóc tận tình và bảo vệ tuyệt đối từ nhà nước, các ban ngành liên quan. Bạn và tôi sẽ không thể yên tâm tiếp tục cuộc sống nếu không có những biện pháp, chính sách được đưa ra kịp thời của nhà nước nhằm hạn chế sự lây lan tối đa của dịch bệnh; những hi sinh thầm lặng nhưng vô cùng mạo hiểm đến từ các y - bác sĩ tuyến đầu ngày đêm vật lộn với loại virus mới toanh; đó còn là những chuyến bay "ngạo nghễ" xông vào tâm dịch của các hãng hàng không để đón những người con xa xứ đang lạc lõng nơi đất khách quê người. Hiên ngang, dứt khoát nhưng đủ chan chứa để mỗi trái tim đều hiểu: Mình sẽ không bị bỏ lại, mình không cô đơn!
"Đó là những hành động rất rất nhanh, nhìn có vẻ như cực kỳ khắc nghiệt ở thời điểm đó, nhưng sau này đã được chứng minh là hợp lý. Chính phủ và người dân Việt Nam dường như đã quen thuộc với bệnh truyền nhiễm và thể hiện sự coi trọng với nó, có lẽ là hơn rất nhiều so với các nước giàu có hơn. Họ biết cách đối phó với bệnh dịch như thế nào." - trích lời giáo sư Guy Thwaites, Giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tại TP. Hồ Chí Minh, người đã cộng tác cùng chính phủ trong các chương trình nghiên cứu bệnh truyền nhiễm.
Tạp chí TIME phát hành số cuối cùng của năm với bìa là dãy số 2020 bị gạch chéo cùng dòng chữ: "The worst year ever" (Năm tồi tệ nhất). Nhưng chúng tôi tin rằng ngay tại mảnh đất hình chữ S này, 2020 là năm mà chính sự kết nối giữa người với người, của những yêu thương và sự tử tế lại một lần nữa sống dậy, đương đầu và hạ gục nỗi ám ảnh mang tên Covid-19.
Lần đầu tiên chúng ta nghe đến chiếc máy ATM gạo - nơi mà bất kỳ ai khó khăn có thể tìm đến và nhận một phần gạo đủ cho cả nhà những bữa cơm ấm nóng trong một tuần. Lần đầu tiên chúng ta nghe đến bánh mì thanh long - sáng tạo thức thời nhằm giải cứu hàng trăm tấn thanh long ruột đỏ của nông dân Việt Nam mắc kẹt tại Trung Quốc. Lần đầu tiên chúng ta biết một bài hát kêu gọi toàn dân rửa tay lại có thể trở thành một hit quốc dân, với phần vũ đạo được cả thế giới làm theo, xuất hiện trên hàng loạt đơn vị thông tấn lớn của thế giới như Billboard, chương trình "Last Week Tonight With John Oliver" của Mỹ, bản tin đài truyền hình BFMtv của Pháp, tạp chí mademoiSelle… Lần đầu tiên chúng ta biết đến mặt nạ ngăn giọt bắn - một sản phẩm đơn giản nhưng giúp ích rất lớn trong công tác phòng chống lây lan, được ra đời bởi một người phụ nữ nhỏ bé buôn bán trong chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Lần đầu tiên chúng ta biết đến hệ thống ròng rọc giúp các cửa hàng giao đồ ăn cho khách mà không cần tiếp xúc trực tiếp.
Ngoài việc là những sáng tạo sinh ra trong thời điểm dịch bệnh, tất cả những “lần đầu tiên" trên đều có điểm xuất phát chung là sự vô tư, lòng yêu thương đồng bào và tinh thần tương thân tương ái.
Trong lúc dịch bệnh vẫn đang lửng lơ trên đầu chưa biết khi nào biến mất thì bà con miền Trung tiếp tục gồng mình chống chọi với trận lũ lụt kéo dài suốt 2 tháng. Đây được đánh giá là đợt lũ lịch sử mới với mức báo động IV, thuộc cấp bậc thiên tai nguy hiểm, rủi ro lớn, ảnh hưởng sâu rộng, phá huỷ, trì hoãn và đẩy ngược nền kinh tế của miền Trung Việt Nam, đặc biệt là những địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Ngãi. Trước đó không lâu, đây cũng là những địa phương nằm trong danh sách điểm nóng của đại dịch Covid-19 đợt 2.
Dẫu biết rằng mẹ thiên nhiên khắc nghiệt và luôn tìm cách thử thách sự kiên cường, rắn rỏi của người dân nơi này nhưng đến lúc đọc từng bài báo, xem từng đoạn clip, chứng kiến từng mảnh đời chật vật, nhiều người vẫn không kiềm được nước mắt. Mới hôm trước cả gia đình còn quây quần cười nói, vậy mà hôm sau nước đã ngập quá mái nhà, tài sản bao năm gom góp nhẹ nhàng biến mất sau trận mưa, người thân trôi đi tứ phía chẳng có chút tung tích dù là nhỏ nhoi.
Ngày 12/10, hình ảnh người đàn ông gào khóc thảm thiết khi chiếc thuyền chở người vợ đang mang thai đến bệnh viện bất ngờ bị lật úp, cả mẹ lẫn con chưa kịp chào đời bị nước lũ cuốn mất tích khiến người xem không khỏi ám ảnh và rùng mình trước sự tàn nhẫn của thiên tai.
Ngay sau đó, hàng loạt vụ sạt lở nghiêm trọng như sạt lở Khánh Hoà (Lâm Đồng), sạt lở Nam Trà My (Phước Sơn, Quảng Nam), sạt lở Hướng Hoá (Quảng Trị), sạt lở thuỷ điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế)… lấy đi sinh mạng của nhiều người dân và cán bộ, tiếp tục làm bức tranh 2020 thêm phần tăm tối, đau buồn.
Nhưng cũng ngay lúc này đây, tinh thần lá lành đùm lá rách của người Việt Nam một lần nữa toả sáng. Xen lẫn những mẩu tin thương tâm, chúng ta thấy đồng bào khắp nơi mỗi người một tay giúp đỡ mảnh đất miền Trung đang cắt từng đoạn ruột. Các mạnh thường quân, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động tích cực hơn bao giờ hết.
Đó là gần 90 tỉ đồng và 200 tấn gạo được quyên góp từ cộng đồng doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở Hải Phòng chỉ sau 2 tiếng kêu gọi. Đó là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Ban cứu trợ TP.HCM với số tiền hơn 7,7 tỉ đồng. Đó là Nhà Chống Lũ - dự án phi lợi nhuận với phương châm "triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao" đã hỗ trợ gần 800 hộ dân tại nhiều tỉnh thành trong việc xây dựng và cải tạo nhà, đồng thời phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, lũ lụt. Đó là Thuỷ Tiên - người nổi tiếng đầu tiên xung phong xông vào tâm lũ, huy động được hơn 100 tỉ đồng và kịp thời hỗ trợ hàng chục ngàn hộ dân khó khăn. Đó còn là một loạt những quỹ quyên góp đến từ các trường Đại học như Đại học Y Hà Nội, Đại học Thương mại, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Đồng Tháp, Đại học Văn hóa Hà Nội…
Có những em nhỏ buổi sáng đi học được mẹ cho 10k nhưng mạnh dạn gửi hết số tiền ăn vặt ít ỏi cho những người bạn miền Trung để mua lại sách vở, đồng phục chờ ngày quay lại trường. Những cô bán rau, bán cá mỗi ngày cả vốn lẫn lời chưa đến 200k nhưng vẫn hào phóng dành tặng nhiều ngày lao động của mình cho các quỹ thiện nguyện với hi vọng ở nơi xa, ai đó hôm nay sẽ được ăn cơm nóng với thịt chứ không phải nhai mì sống đến trẹo cả răng. Bà con ở Đắk Lắk thì chung tay gói hơn 2000 đòn bánh tét, bà con Nghệ An khẩn trương nấu bánh chưng và đóng gói đồ ăn khô để chuyển ra hỗ trợ - những bếp lửa nghĩa tình thay nhau đem đến bữa ăn cho vô số người.
Có người xông ra tận nơi để giúp sức, người nào chưa có điều kiện thì ở xa dõi theo động viên, ủng hộ. Người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít. Trong cơn hoạn nạn, mọi người sẵn sàng cắt xén đi quyền lợi và nhu cầu của bản thân vì biết rằng, "một chút" của mình đôi khi là "rất nhiều" của người khác.
Cũng trong mùa dịch, những món quà tinh thần đã tiếp sức cho người dân cả nước cùng vượt qua khoảng thời gian thử thách. Nổi bật nhất là ca khúc Tạm Biệt Con, Cha Đi viết về 13 chiến sĩ hy sinh tại thuỷ điện Rào Trăng 3 của nam sinh Võ Việt Phương (Phổ thông Năng Khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM) hay bản rap Hy Vọng khiến cả trường quay Rap Việt lặng người khi sử dụng chất liệu sáng tác là bão lũ miền Trung. Một cách thể hiện lòng yêu nước văn minh, hiệu quả và đúng chất thế hệ trẻ.
Sau một năm nhiều biến động, WeChoice Awards 2020 - giải thưởng thường niên do Công ty Cổ phần VCCorp tổ chức nhằm tôn vinh những con người có thành tựu, hoạt động truyền cảm hứng; những sự kiện, công trình, sản phẩm có ảnh hưởng tới cộng đồng trong năm chính thức quay trở lại với chủ đề mang tên "Diệu Kỳ Việt Nam".
Diệu kỳ - bởi dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng kinh hoàng tới những cường quốc giàu mạnh, tối tân nhưng ở một đất nước nhỏ bé và khiêm nhường, chúng ta vẫn khiến cả thế giới phải dõi theo vì những thành tựu chống dịch đáng kinh ngạc.
Diệu kỳ - bởi chúng ta đã không đầu hàng số phận, không vì những hạn chế trong công nghệ, thiết bị, chi phí… hay bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào mà ảnh hưởng đến mục đích chung: sự sống và sức khoẻ của cộng đồng.
Diệu kỳ - bởi ngay cả khi điều kiện tài chính có giới hạn nhưng Việt Nam vẫn gửi tặng 550.000 chiếc khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Anh; 390.000 chiếc khẩu trang cho Campuchia và 340.000 chiếc cho Lào. Chưa hết, đích thân Tổng thống Donald Trump cũng lên tiếng cảm ơn sau khi Việt Nam phối hợp cung cấp cho Mỹ 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont hỗ trợ nước này chống dịch.
Diệu kỳ - bởi thiên nhiên và môi trường có thể nói "không", nhưng tại đây, tình người luôn nói "có".
Diệu kỳ - bởi dẫu cho cuộc sống và hoàn cảnh có khắc nghiệt tới nhường nào, chúng ta vẫn không quên dành cho nhau tình người và lòng nhân ái.
Lần đầu tiên chúng ta biết sự diệu kỳ của một đất nước có thể đến từ mỗi cá thể dù là nhỏ nhoi nhất, từ những người đứng đầu cho đến những người dân lao động bình thường, từ những y bác sĩ cho đến những người công an, từ những người cha, người mẹ, người con… Mỗi con người nhỏ bé gom góp sự quyết tâm, cố gắng, nuôi những giấc mơ và góp phần tạo nên thứ ánh sáng kỳ diệu cho đất nước này, và khiến cả thế giới phải hướng về bằng sự ngưỡng mộ khôn nguôi.
WeChoice Awards 2020 sẽ là thời khắc, là không gian mà chúng ta vinh danh sức mạnh ấy. Với lý tưởng truyền cảm hứng tích cực tới cộng đồng, giải thưởng này sẽ tìm kiếm và tôn vinh những tấm gương tích cực, những câu chuyện truyền cảm hứng, để một lần nữa tạo nên một “Diệu Kỳ Việt Nam" đầy ý nghĩa.
Ngay từ bây giờ, các bạn đã có thể truy cập, theo dõi và gửi đề cử cho những câu chuyện truyền cảm hứng trong năm 2020 tại đây .