img
Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 1.

Cử động cơ thể ngài nghiêm trang như bộ quân phục và huy hiệu ngài mang. Gương mặt vị minh quân không để lộ chút cảm xúc nào. Như một người chép tiểu sử từng viết, ngài là nhà vua không bao giờ cười. 

Thật vậy, khi xuất hiện trước công chúng hay trong cả nghìn buổi lễ long trọng mà ngài chủ trì, Vua Bhumibol Adulyadej đóng vai trò là "dhammaraja" - vị vua Phật giáo chân chính mang vẻ bình thản của người kế tục một hoàng gia trị vì đã 800 năm, là nhân vật chủ chốt trong lịch sử hiện đại Thái Lan.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 2.

Nhưng những ký ức sống động nhất của tôi về nhà vua trị vì lâu nhất trên thế giới lại không giống hình ảnh trên. 

Lần cuối tôi yết kiến nhà vua là vào năm 2008. Ngài mặc bộ complet phương Tây, ngồi thư giãn trên ghế bành - và mỉm cười. Phía sau cánh cửa luôn khép của cung điện Chitralada tại Bangkok, vua Bhumibol tỏ ra thích thú khi đối đáp với một nhóm nhỏ phóng viên nước ngoài. 

Hoàn toàn khác với thứ ngôn ngữ xa cách, mơ hồ của những bài diễn văn, nhà vua điểm xuyết những câu nói của mình bằng các mẩu chuyện sống động và pha trò bằng thứ tiếng Anh hoàn hảo. Trong hơn hai giờ đồng hồ, ngài nói về nhạc jazz, về gia đình và các chú chó ngài yêu thích, về tuổi già, những mặt trái của việc xây sân golf và đập thủy điện. 

Về sau này, vài cố vấn của nhà vua nhận thấy rằng ngài tỏ ra thoải mái hơn với người nước ngoài, vì không có những rào cản lễ nghi như với hầu hết nhân dân Thái. 

Buổi tối hôm đó là một trong số nhiều lần tôi được thoáng thấy những nét đối lập trong một nhân cách phức tạp, mà có lẽ chẳng có ai hiểu thấu được qua ánh hào quang thần thánh và đạo luật nghiêm cấm việc phê bình nhà vua và hoàng tộc Thái Lan.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 3.

Nét đối lập đó thể hiện qua sự tuân thủ truyền thống cứng rắn bên phong cách tân thời gần gũi của ngài, thái độ nghiêm túc bên óc hài hước sẵn có, lối sống đơn giản bên khối tài sản 30 tỷ USD của hoàng gia giàu có nhất thế giới. 

Nhà vua còn hòa hợp tâm hồn Phật giáo Thái với nét tính cách phương Tây một cách tự nhiên, do ngài ra đời tại Massachusetts (Mỹ) và lớn lên ở Thụy Sĩ bên người mẹ kính yêu. "Mẹ khen ngợi khi ta làm điều gì tốt, nhưng ngay lập tức bà sẽ nói, "Đừng tự mãn." Mẹ đặt ta vào một quả bóng rồi lại lấy kim chọc vỡ," ngài nói với tôi trong cuộc phỏng vấn năm 1982 - một trong những lần phỏng vấn hiếm hoi.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 4.

2008 là năm nhiều biến động của Thái Lan. Buổi gặp gỡ năm đó cũng phảng phất nỗi buồn của nhà vua. 

Đó là thời kỳ vô cùng khó khăn, và đã thay đổi nhà vua theo góc độ nào đó so với lần đầu tiên tôi diện kiến ngài vào cuối những năm 1970, theo ngài đi tới vùng núi phía bắc, ruộng lúa phía đông bắc và cộng đồng Hồi giáo ở xa tít phía nam. 

Khi ấy, khoảng 80% dân chúng vẫn sống ở thôn quê, và Thái Lan chưa sở hữu tiềm năng kinh tế hòa nhịp với xu hướng thế giới, cũng như chưa là thỏi nam châm hút hàng triệu khách du lịch nước ngoài. Thập niên 70 có lẽ là mười năm cuối cùng của một Thái Lan "xưa cũ", với những phong tục dễ mến, làng mạc hữu tình dù nghèo đói lan rộng. 

Thời gian này cũng là những ngày sáng lạn dưới sự trị vì của Bhumibol. Ngài đích thân thiết lập và giám sát nhiều công trình y tế, giáo dục, xóa đói giảm nghèo, trị thủy và xóa bỏ cây thuốc phiện.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 5.

"Họ nói rằng một vương quốc cũng giống kim tự tháp: Vua ngự trên đỉnh, các con dân ở dưới. Nhưng ở đất nước này thì ngược lại," nhà vua trả lời một bài phỏng vấn, gương mặt nở nụ cười tươi và chỉ tay lên vai. "Thế nên thỉnh thoảng ta bị đau ở quanh chỗ này đấy." 

Ở tuổi 40, sức khỏe nhà vua đạt độ chín: Ngài chạy bộ 3 kilomet 1 ngày, sau đó tập chống đẩy. Tôi cũng giảm được vài ký nhờ theo chân ngài lên các đồi dốc bên những quan chức bụng phệ và triều thần thở hổn hển. 

Một ngày trong nhiều chuỗi ngày mệt mỏi liên tiếp, nhà vua, hoàng hậu cùng công chúa cả đã đi máy bay trực thăng đến một trạm thử nghiệm nông nghiệp thuộc Chiang Mai, trước đó ngài thức đến 2h sáng để chuẩn bị công việc. Mặc áo khoác thể thao xám và đi giày nhà binh xanh rằn ri, ngài cầm tấm bản đồ, máy ảnh 35mm và bộ đàm trên tay.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 6.

Cả ngày hôm đó, ngài đi bộ và ngồi xe jeep cùng người dân, ghi chép những lời ca thán của họ, hội ý với các quan chức. Nhà vua yêu cầu thông tin bằng cả mệnh lệnh nghiêm khắc lẫn đùa giỡn dịu dàng. Vào 8.30 tối, ba người trở về cung điện Bhuping; hoàng hậu vội vã thay phục trang để gặp gỡ khoảng 100 vị khách. 

Không khí buổi tiệc êm dịu và mê hoặc, thực đơn món Pháp tuyệt vời. Nhưng phía bàn hoàng gia lại có tiếng trò chuyện: "Đập và đập tràn... thành phần đất... phân bón...".

"Ta nghĩ hoàng hậu có thể đã nói với ông: Chúng tôi chẳng có cuộc sống riêng," nhà vua sau đó cho hay. Mặc dù phần lớn lễ nghi hoàng gia được tạm bỏ qua trong các chuyến đi tỉnh, tại hoàng cung Bangkok và nơi tiếp đón, các quan chức, triều thần sẽ quỳ xuống trước khi vấn an nhà vua bằng ngôn ngữ hoàng gia cổ xưa. 

Chỉ một tháng sau chuyến thăm trạm nông nghiệp, nhà vua đã trở lại đồi núi để gặp 5 người Lahu cầu xin ngài giúp đỡ giành lại vùng đất bị một bộ lạc khác chiếm mất. Mồ hôi của nhà vua hòa cùng bụi đất đỏ, ngài trải bản đồ lên mặt đất và quỳ xuống tìm hiểu trong khi những người Lahu vô tư đứng xung quanh. 

Nhà vua rất yêu thích những lần gặp gỡ như vậy, khi ngài đùa cợt với dân địa phương và cố gắng tìm hướng giải quyết cho các vấn đề của họ, kể cả chuyện cưới xin. Ngài từng kể cho tôi chuyện vợ một thổ dân chạy trốn sau khi chồng cô trả giá 2 con lợn để mua cô về. Vua Bhumibol xử cho người chồng nhận tiền đền bù để cô gái được tự do. 

"Nhưng vấn đề là ta lại là người trả tiền," nhà vua nói đùa. "Thế nên cô gái ấy lại thuộc về ta."

Thời gian làm việc ở thôn quê có thể đã góp phần lớn vào việc hình thành quan điểm về Thái Lan lý tưởng của vua - một đất nước nông nghiệp tự cung tự cấp chứ không phải những giấc mộng thành thị và các giá trị hiện thời.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 7.

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 8.

Trong bài phỏng vấn năm 1982 cho tờ National Geographic, vua Bhumibol cho rằng ở thời hiện đại, thành công của hoàng gia phụ thuộc rất lớn vào người ngồi trên ngai vàng chứ không phải ở ngai vàng. Và rằng thành công của ngài khi làm vua là nhờ vào tài trí của bản thân, không phải nhờ quyền thừa kế. 

Để làm rõ quan điểm, nhà vua cho biết: "Cha của một trong số cung nữ của ta là hoàng tử Sri Visar, người rất giỏi xem chỉ tay. Ông ấy thường cầm tay ta, xem xét rồi nói: "Thưa Hoàng thượng, chỉ tay cho thấy ngài là người tự làm nên thành công của bản thân."

Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 9.

Vua Bhumibol nói, ngai vàng đã sa xuống vực thẳm sau khi chế độ quân chủ tuyệt đối bị bãi bỏ vào năm 1932. 

"Khi ta còn trẻ, chúng ta chẳng có gì," nhà vua hồi tưởng lại, giọng nói thường ngày vững vàng khi đó run run vì xúc động. "Vải bọc và thảm trong cung điện đều rách rưới. Sàn nhà kêu kẽo kẹt. Thứ gì cũng cũ kỹ. Chúng ta cũng có một chiếc đàn dương cầm được Hội Mỹ thuật trao tặng. Nhưng nó bị lệch tông." 

"Hồi đó chẳng có những thứ thế này," nhà vua nói, chầm chậm chạm vào tấm vải bọc thổ cẩm tinh xảo, gối lụa và kệ lò sưởi đặt nhiều tấm ảnh chụp các nguyên thủ nhiều quốc gia trên thế giới mà ngài từng gặp gỡ. 

Cách chỗ chúng tôi vài mét là một chiếc đàn dương cầm lộng lẫy, bóng loáng. Người hầu đảm bảo với chúng tôi rằng chiếc đàn có âm thanh hoàn hảo.


Vua Thái Lan: Người vực dậy ngai vàng từ vực thẳm - Ảnh 10.

Linh Nguyễn
Quỳnh.
Theo Trí Thức Trẻ