Trong dòng chảy lịch sử thế kỷ XX, chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) là niềm tự hào, động lực tinh thần, ý chí cho tất thảy các nước thuộc địa, lệ thuộc trên toàn thế giới đoàn kết đứng lên tranh lại quyền độc lập, tự do, tiến bộ xã hội… Chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam góp phần mở ra thời kỳ mới của phong trào giải phóng dân tộc (riêng năm 1960, 17 nước châu Phi đã dành được độc lập), là nguồn cảm hứng cho mục tiêu đấu tranh vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới.
Sau 70 năm, Điện Biên Phủ vẫn luôn là nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhiều tác phẩm báo chí, chương trình truyền hình, phim tài liệu trong nước và quốc tế (Nga, Mỹ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan…).
Nhà báo Trần Thu Hà cùng với nhà báo Khương Quỳnh Liên là 2 thành viên của ê-kíp phim "Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp". Trong cuộc trò chuyện với Thời báo VTV trước khi phim chính thức phát sóng, nhà báo Trần Thu Hà cho biết về lý do lựa chọn đề tài lần này: "Sau khi tìm được kho thông tin, kho lưu trữ của Quốc phòng Pháp và được tiếp cận với những thông tin ở đây thì mình và chị Liên nghĩ khai thác ở góc độ này sẽ hay hơn rất nhiều, bật mí những thông tin mới mà ít người biết - ở góc nhìn bên kia về việc triển khai chiến dịch Điện Biên Phủ".
- Tôi nghĩ là khác khá nhiều. Khi chúng tôi quyết định làm phim này chúng tôi cũng đã xem rất nhiều phim đã làm về Điện Biên Phủ và thấy mọi người đang tập trung chủ yếu nói về góc độ Việt Nam, nói về việc quân đội ta đã triển khai như thế nào trong cuộc chiến đó… Nếu bây giờ chúng tôi cũng nói về những điều đó thì không có gì mới cả. Cũng rất may tôi và chị Liên là dân tiếng Pháp, ngôn ngữ cũng kha khá nên chúng tôi có thể truy cập vào khối tư liệu từ bên kia và thấy là có những điều mình chưa thấy được nói tới bao giờ.
Qua những tài liệu được tiếp cận, chúng tôi muốn thông qua góc nhìn của bên Pháp để biết họ đã triển khai quân ra sao, điều hành như thế nào, tâm lý của họ ra sao… Chúng tôi muốn đi theo góc nhìn này để có được sự khác biệt so với những bộ phim từng làm về Điện Biên Phủ.
- Chúng tôi cố gắng cân bằng thời lượng nội dung phim cho cả bên Pháp lẫn Việt Nam. Phần lớn nội dung sẽ là câu chuyện của phía Pháp để qua đó thấy được chiến lược quân sự tài tình và sự quyết tâm mạnh mẽ của quân đội và nhân dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ phim của chúng tôi sẽ đề cập tới những cuộc tranh luận của các đại biểu tại Quốc hội Pháp về chiến tranh Đông Dương. Các phiên thảo luận diễn ra từ tháng 10/1953. Trong cuộc tranh luận này, nhiều ý phản đối kịch liệt về chiến tranh Đông Dương. Có hai ý kiến trái chiều: Pháp phải dừng lại cuộc chiến tranh hay tiếp tục cuộc chiến? Thực ra, ở thời điểm đó Pháp đã biết họ đang bị sa lầy ở chiến trường Đông Dương. Pháp đã tốn rất nhiều ngân khố để đổ vào cuộc chiến và họ muốn rút ra khỏi cuộc chiến tranh này.
Dù xác định rút ra khỏi cuộc chiến nhưng Pháp muốn phải ở thế mạnh, giữ được danh dự của mình nên Pháp quyết định đánh tại Điện Biên Phủ.
Trong phim này, chúng tôi cũng phân tích những nguyên nhân thất bại của Pháp, gồm nhiều nguyên nhân, trong đó có 4 nguyên nhân chính được đưa ra từ một tướng lĩnh cấp cao của quân đội Pháp.
Chúng tôi cố gắng tìm ra những yếu tố mới và mang đến một góc nhìn khác cho người xem về chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chia sẻ về những nhân vật xuất hiện trong bộ phim, nhà báo Trần Thu Hà cho biết: "Bộ phim sẽ có sự góp mặt của những chuyên gia nghiên cứu hàng đầu Pháp về lịch sử chiến tranh và quân sự Đông Dương. Có 7 các chuyên gia và nhà nghiên cứu Pháp đã tham gia bộ phim này. Trong một thời gian ngắn để thuyết phục các chuyên gia tham gia bộ phim cũng là hành trình vô cùng vất vả bởi họ rất bận rộn. Một chuyên gia đang công tác trong Bộ Quốc phòng Pháp nên thủ tục chấp thuận trả lời phỏng vấn cũng phức tạp và mất thời gian hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia Pháp rất nhiệt tình và chúng tôi đã thành công khi thu được những ý kiến khách quan và giá trị về Điện Biên Phủ từ các chuyên gia Pháp".
"Trong phim "Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp" có 2 nhóm chuyên gia. Một là nhóm chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu, đó là các nhà sử học của Pháp. Có những người chưa từng xuất hiện trên sóng truyền hình. Và nhóm thứ 2 là những người yêu lịch sử Việt Nam, như một cảnh sát Pháp còn rất trẻ, vô cùng yêu Việt Nam và thích nghiên cứu về lịch sử."
Bên cạnh những chuyên gia góp mặt trong Điện Biên Phủ - Nhìn từ nước Pháp, bộ phim cũng sẽ có sự xuất hiện của những cựu chiến binh.
"Các bác cựu chiến binh cũng là 1 tuyến hay của phim" – nhà báo Trần Thu Hà cho biết – "Những cựu chiến binh Pháp hiện còn sống cũng không còn nhiều bởi các bác đã tuổi cao, sức yếu và nhiều người cũng đã mất. Lần này, chúng tôi phỏng vấn được 3 cựu chiến binh Pháp đã từng tham gia chiến tranh Đông Dương và Điện Biên Phủ".
"Các cựu chiến binh chúng tôi gặp rất yêu và có tình cảm với Việt Nam".
Đến Việt Nam từ cuối năm 1948, Pierre Flamen được phân công đến vùng Tây Bắc và chỉ huy 1 phân đội lính bản xứ, thuộc tiểu đoàn lính Thái số 1. Nhiệm vụ của ông là thu thập các thông tin tình báo về Việt Minh.
Nhiều năm sau cuộc chiến, những kỉ niệm về chiến trường năm xưa vẫn rõ nét trong tâm trí ông, đặc biệt là câu chuyện ông 4 lần bị quân đội Việt Minh bắt và 3 lần trốn thoát, hay những lần được tiếp xúc với những người lính Việt Nam mà ông gọi thân thương bằng 2 từ tiếng Việt "Bộ đội". Dù chưa 1 lần trở lại Việt Nam, nhưng ông còn nhớ như in cuộc gặp ấm áp với những người Việt Nam, nhớ cả những nắm xôi lạc mà người dân Việt Nam đã nấu cho ông, hay nhớ cả lần được họ cứu khỏi trận sốt rét nặng… Pierre không khỏi xúc động khi nhớ lại những kỷ niệm ấy: "Anh ấy (một người dân địa phương) đưa tôi về làng. Những người phụ nữ ở đó đã đón tiếp tôi thật tuyệt vời. Họ không coi tôi là kẻ thù mà đón tôi như 1 đứa con đi xa trở về".
Chiến tranh qua đi, chiếc túi chứa các vật dụng cần thiết được quân đội Việt Nam phát trong ngày trao trả tù binh vẫn được ông Pierre Flamen gìn giữ và nâng niu. Đây chỉ là 1 trong rất nhiều kỉ vật được ông mang về để lưu lại những kỉ niệm về 1 đất nước mà ở đó ông đã tham chiến.
Cũng như nhiều cựu chiến binh Pháp ở Đông Dương, Jacques Bouthier đã có những năm tháng tuổi trẻ gắn bó với Việt Nam. Cả ông nội và bố ông đều sống và làm việc ở Đông Dương. Ông theo bố đến Việt Nam khi mới 5 tuổi. Quay trở lại Việt Nam lần thứ 2 vào năm 1947 trong vai trò lính dù và phải trở về Pháp ngay sau đó vì bị thương. Sau đó ông trở lại và tham chiến tại Việt Nam đến hết chiến tranh Đông Dương.
Trong suốt những năm tháng chinh chiến tại nơi đây, Jacques Bouthier đã nhiều lần chạm trán với bộ đội Việt Nam và bị thương nặng 3 lần. Thế nhưng, ông vẫn luôn tôn trọng những người lính Việt Nam: "Tôi rất tôn trọng bộ đội. Họ bảo vệ đất nước của họ. Họ muốn được độc lập. Vì thế, đáng lẽ chúng ta không bao giờ nên gây chiến tranh. Mọi cuộc chiến đều phi nghĩa."
Jacques Bouthier đã kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam. Ông cùng vợ và gia đình đã nhiều lần quay trở lại Việt Nam để thăm lại những nơi đã gắn bó với mình suốt những năm tháng tuổi trẻ.
Trong cuộc trò chuyện với Thời báo VTV, nhà báo Khương Quỳnh Liên cho biết dù đã có kinh nghiệm làm các phim về đề tài lịch sử nhưng với một phim về đề tài Điện Biên Phủ, các thành viên trong ê-kip phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là thời gian thực hiện gấp gáp và chủ đề Điện Biên Phủ được khai thác quá nhiều. Do đó, tìm ra góc nhìn mới để đưa tới khán giả là điều rất khó khăn.
"Chúng tôi bắt đầu ghi hình sản xuất phim trước Tết chỉ khoảng 2 tuần" – nhà báo Khương Quỳnh Liên nói – "Thời gian tìm kiếm thông tin, nghiên cứu vô cùng gấp. Khi tìm kiếm trên mạng, thông tin từ các kho lưu trữ của Pháp được đăng tải chỉ là bảng thống kê danh sách tư liệu. Dù là phỏng đoán có nhiều thông tin hay và điểm mới, nhưng từ Việt Nam, chúng tôi không thể tiếp cận được chi tiết thông tin tài liệu. Thật sự là rất sốt ruột."
Nhà báo Quỳnh Liên cũng cho biết thêm: "Một khó khăn nữa là khi tác nghiệp tại Pháp, với thời gian quá ngắn, chúng tôi buộc phải chia làm hai tuyến. Một người đi ghi hình và một người phải dành thời gian đọc và thu thập khối tài liệu đồ sộ đang được lưu trữ tại SHD. Chỉ kịp đọc và mang về Việt Nam để phân tích".
Nhìn lại quá trình thực hiện phim, nhà báo Khương Quỳnh Liên cho biết: "Nếu so với những phim trước có nhiều thời gian hơn thì mình hài lòng hơn. Phim này vì thơi gian quá gấp gáp nên chưa thật sự hài lòng nhưng phim cũng đã hoàn thành hết những cái mình đặt ra. Nếu còn nhiều thời gian hơn thì tôi sẽ cố gắng để làm được hơn những điều mình đặt ra. Nhưng cho đến thời điểm này, tôi nghĩ cũng đạt được 90% những gì mình mong muốn".
Chia sẻ mong muốn cũng như những gửi gắm tới khán giả thông qua bộ phim này, ê-kíp thực hiện cho biết: "Khi thực hiện bộ phim, được tiếp cận với khối tư liệu chi tiết về quân sự của Pháp tại Điện Biên Phủ, trao đổi trực tiếp với các chuyên gia Pháp, chúng tôi thật sự tự hào về ý chí kiên cường, tài thao lược và tác chiến tài tình của quân đội ta".
"Thật sự là thú vị và bất ngờ khi chính Tổng chị huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương, tướng 4 sao Henri Navarre đã khẳng định trong cuốn hồi ký của mình mang tên "Thời điểm của những sự thật": “Chúng ta luôn đánh giá thấp Việt Minh, cả về chính trị lẫn quân sự. Uy tín ảnh hưởng của họ đối với dân chúng, tinh thần, tính năng động, trình độ quân sự của các cấp chỉ huy của quân đội nhân dân Việt Nam, tất cả họ đều luôn cao hơn so với những gì chúng ta đã nghĩ"".
"Cuộc chiến tranh Đông Dương kéo dài 9 năm và 9 năm ấy là quả quá trình, gian khổ, mất mát nhưng cuối cùng nó đã kết thúc bằng việc người Việt Nam giành được thắng lợi và hơn cả chính là sự hòa giải giữa 2 dân tộc".
"Chúng tôi muốn qua bộ phim này giúp cho khán giả tự hào hơn, hiểu hơn những sự hy sinh của những người chiến sỹ Việt Nam trong trận chiến lịch sử ấy".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!