Ngay tại SEA Games 32, Vovinam là môn thể thao thứ 4 có nhiều nội dung, chỉ đứng sau 3 môn Olympic là điền kinh (47), bơi (40), vật (30).
Nếu tính từ SEA Games 2011 khi Vovinam xuất hiện lần đầu tại Indonesia với 14 nội dung rồi năm 2013 tại Myanmar với 18 nội dung, lần thứ 3 tại Hà Nội năm rồi với 15 nội dung thì việc chủ nhà Campuchia tổ chức gấp đôi số nội dung thi đấu cùng sự tham dự của 7 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Indonesia, Philippines và Lào là sự khẳng định Vovinam là môn võ đã có chỗ đứng đáng kể.
Các võ sĩ Vovinam Philippines tại SEA Games 32
Chiếc HCV quyền lịch sử của Thái Lan
Nếu như trước đây, những nước như Thái Lan, Philippines đến với Vovinam chủ yếu là tìm thành tích ở nội dung thi đấu đối kháng, thì hiện tại, chiếc HCV ở nội dung Thập tự quyền của võ sĩ xứ chùa Vàng Sutida Nakcharroensri được xem như bước ngoặc lớn cho môn võ Việt.
Với thế mạnh từ những võ sĩ đối kháng có thể mượn được từ các môn như Muay, Taekwondo hay Karate, Kick Boxing, việc giành HCV sau vài tháng tập luyện và cập nhật kiến thức, luật lệ của Vovinam là không khó, bỏi sự tương đồng ở các đòn thế thi đấu gần như nhau.
Tuy vậy, để đẩu tư 1 chiếc huy chương ở nội dung biểu diễn là điều vô cùng phức tạp, bởi tính chất đặc trưng của môn đấu, kèm theo đó là hệ thống đòn thế, tấn đứng… phải được tập luyện mang tính căn bản, quy chuẩn và đầu tư lâu dài.
Võ sĩ Sutida Nakcharroensri đoạt HCV nội dung Thập tự quyền
Do vậy, có thể nói với việc Thái Lan có được chiếc HCV ở nội dung biểu diễn này đã giúp những người đứng đầu bộ môn Vovinam hy vọng về việc lần thứ 3 liên tiếp có mặt tại SEA Games, khi chủ nhà sẽ là Thái Lan. Điều này kéo theo việc Vovinam sẽ trở thành môn thi đấu thường trực tại sân chơi này. Đây cũng chính là tiền đề để môn võ Việt tiến vào các đấu trường mang tính Olympic như Asiad, ĐH thể thao trong nhà…
Không chỉ Thái Lan, ngay cả Myanmar, Lào đều có những bước đầu tư mang tính hệ thống, bài bản cho môn võ Việt
Phát triển rộng khắp
Tại SEA Games 32, việc đoàn Campuchia đang dẫn đầu ở môn Vovinam cũng không gây ngạc nhiên, khi đội tuyển quốc gia của xứ chùa Tháp đã "ăn dầm nằm dề" tại Trung tâm HLTTQG TP HCM gần cả năm, chưa kể 2 chuyên gia Dương Thanh Tiến và Nguyễn Văn Cường gần như trở thành người bản địa, khi tần suất được bạn mời sang huấn luyện dày đặc.
Điều này chứng tỏ việc đầu tư đúng đắn của thể thao Campuchia khi đến với Vovinam để lấy đây làm thế mạnh cho mình, khi mà môn võ Khun Khmer của họ đang bị Muay Thái lấn át, dù cả 2 cùng chung nguồn gốc.
Ngoài ra, ngay tại Indonesia, việc Liên đoàn Vovinam của xứ vạn đảo được Uỷ ban Olympic công nhận là thành viên chính thức, theo Phó Tổng thư ký Liên đoàn Vovinam Đông Nam Á Nguyễn Bình Định: "Đây là tin vui cho cả Đông Nam Á, khi từ đây, Vovinam Indonesia chính thức được đưa vào tập luyện và thi đấu bằng nguồn ngân sách Nhà nước và phát triển trong hệ thống thi đấu của quốc gia".
Nâng tầm trọng tài đang được Liên đoàn Vovinam thể giới đầu tư
Chủ tịch Liên đoàn Vovinam Việt Nam kiêm Chủ tịch Liên đoàn Vovinam thế giới, doanh nhân Mai Hữu Tín cho biết đến thời điểm hiện tại Vovinam đang được tập luyện ở 70 quốc gia trên khắp thế giới với hàng triệu môn sinh. Trong đó, nhiều quốc gia có phong trào Vovinam rất mạnh và hoàn toàn có thể cạnh tranh với Việt Nam như Algeria, Campuchia.
Các giải Vovinam vô địch thế giới, vô địch châu Âu, vô địch châu Á, vô địch Đông Nam Á cũng được tổ chức thường niên.
Ngoài ra, Vovinam cũng trở thành môn thể thao truyền thống ở đấu trường SEA Games khi tổ chức ở 2 kỳ liên tiếp là SEA Games 31 tại Việt Nam (năm 2022), SEA Games 32 tại Campuchia và đang được vận động tổ chức ở SEA Games 33 tại Thái Lan năm 2025.