Võ sư Việt tìm ra yếu huyệt "chết người" của võ Trung Quốc

Tiểu Mã |

Khi đối thủ tung cú đá tầm cao, thay vì chao người né đòn thì võ Trung Quốc lại không chấp nhận điều đó bởi họ nghĩ: Người Nho gia, bậc quân tử không thể chui dưới chân kẻ khác…

Khi sự bảo thủ, "sĩ diện" làm hại võ Trung Quốc

Trò chuyện với võ sư – nhà giáo - nhà nghiên cứu võ thuật Trịnh Hồng Minh (trưởng ban vận động thành lập LĐ võ thuật Nhất Nam Việt Nam), võ Trung Quốc luôn có một điểm yếu chết người, đó là luôn bảo thủ với những quy ước khắt khe.

Theo võ sư Hồng Minh, ngoại trừ Vĩnh Xuân Quyền đi theo một trường phái riêng thì phần lớn các môn phái võ Trung Quốc (hay võ Tàu) luôn có những tư tưởng, lý luận rất bảo thủ bởi họ chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo Khổng Tử.

Đó là triết lý của người quân tử, nghĩa là phải đi đứng hiên ngang như kiểu long hình hổ bộ, long hình hầu tướng, hổ bộ ưng phiên…

Đại ý người luyện võ là ngồi phải như con hổ, đi phải như con rồng, lắc người phải như con chim ưng… Với người Trung Quốc, "người quân tử" là phải ngay thẳng, không thể lắt léo, luồn lách.

Bài La Hán Quyền của Trung Quốc dù rất mạnh mẽ, uyển chuyển, đẹp mắt nhưng lại không hiệu quả về tính thực chiến.

"Ở các trường phái ngoại môn (giống như phong cách võ hài của diễn viên Thành Long trong phim), họ chấp nhận chao thấp người khi đối thủ tung một đòn đá cao. Nhưng những trường phái võ thuật của Nho gia, họ không chấp nhận như vậy. Họ bảo: Người quân tử không thể chui dưới chân kẻ khác.

"Ngay cả các trường phái Đạo gia như Bát quái chưởng, Thái cực quyền, Mê tung quyền, Thái ất quyền của Tàu, họ luôn phải đi đứng ngay thẳng, chuyển động hài hòa, mềm mại, kết hợp nội tam hợp, ngoại tam hợp…

Còn võ thuật Nho gia thì đánh là phải quyền cước nhanh mạnh, cuồn cuộn như vũ bão, tấn rộng, bước xa theo kiểu trường kiều đại mã, nhảy nhót, né tránh, phi thân, song phi cước, bàng long cước, nhào lộn… như phong cách của Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan…" – võ sư Hồng Minh nói.

Ông Trịnh Hồng Minh cho rằng, võ Tàu rất nặng về tính lý luận và quy ước. Nhưng trong nhiều trường hợp, chính điều này lại ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của võ Tàu khi áp dụng vào thực chiến.

Ví dụ như võ của Nho gia là phải đánh ào ào như vũ bão, đó là lối đánh của kẻ mạnh. Nhưng khi gặp phải lối đánh lắt léo, bền bỉ, khéo léo và có độ ứng biến cao như võ cổ truyền Việt Nam thì lại gặp rất nhiều khó khăn.

Võ sư Việt tìm ra yếu huyệt chết người của võ Trung Quốc - Ảnh 2.

Các môn phái "chính tông" của Trung Quốc như Thiếu Lâm, Võ Đang... luôn rất nặng về tính quy ước, hình thức.

"Điểm yếu của võ Tàu khác với võ Nhật Bản. Người Nhật tôn thờ triết lý võ sĩ đạo, thần đạo nên họ cũng rất nguyên tắc, luôn muốn vươn tới sự hoàn mỹ tuyệt đối, tôn trọng giá trị danh dự và tinh thần nên họ sẵn sàng tự sát nếu danh dự bị tổn thương hoặc không đạt được sự hoàn mỹ.

Ở góc độ nào đó, đấy là sự cực đoan của người Nhật. Còn với võ Tàu, yếu điểm của họ là quá nặng về lý luận, câu nệ, khuôn thức một cách máy móc. Ngược lại với võ Việt Nam, chúng ta có sự hài hòa, ứng biến và thích nghi tốt hơn hẳn.

Với võ thuật truyền thống Trung Quốc, nếu đã học môn phái này mà học thêm một môn phái khác sẽ bị coi là phản đồ, nhưng với Việt Nam hay nhiều quốc gia khác, chúng ta không quá câu nệ chuyện đó" – võ sư Trịnh Hồng Minh khẳng định.

Nghi vấn chuyện Trung Quốc, Thái Lan "vay mượn" võ Việt Nam

Từ trước tới nay, chúng ta chỉ nghĩ rằng võ Việt Nam vay mượn và chịu ảnh hưởng lớn của võ Trung Quốc, nhưng theo ý kiến của võ sư Trịnh Hồng Minh, điều này không hẳn đã đúng 100%.

Võ sư Việt tìm ra yếu huyệt chết người của võ Trung Quốc - Ảnh 3.

Ngoài là võ sư, ông Trịnh Hồng Minh còn là một kỹ sư, nhà giáo, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa.

Võ sư cho rằng, theo các tài liệu khảo cổ thì võ cổ truyền Việt Nam có nhiều nét tương đồng với những hình vẽ điêu khắc xuất hiện ở phía nam dải núi Lĩnh Nam (nay thuộc lãnh thổ Quảng Đông, Quảng Tây, Trung Quốc nhưng theo lịch sử cổ đại thì vùng đất này vốn thuộc lãnh thổ của nhà nước Văn Lang).

Tại đây, trên vách đá Hoa Sơn rộng khoảng 300 m2 có rất nhiều hình vẽ tương đồng với các tài liệu về võ Nhất Nam.

Cách đây vài tháng, ở cuộc triển lãm về nền văn minh Việt cổ do Hội Cổ vật và Bộ VH-TT-DL tổ chức có nhiều cổ vật với niên đại hàng vài ngàn năm, cũng khắc họa hình vẽ những tượng người cởi trần đóng khố đánh nhau với mãnh thú.

Theo đặc trưng về nhân chủng học thì những nhân vật trong các bức phù điêu đều là người Việt cổ chứ không phải một dân tộc nào khác, và những cổ vật này hầu hết được đào ở vùng Đông Sơn (Thanh Hóa ngày nay).

Võ sư Hồng Minh cho biết, cuốn tài liệu Võ thuật thần kỳ của Viện Nghiên cứu Bắc Kinh thì cho rằng các hình vẽ trên vách đá Hoa Sơn là sản phẩm của dân tộc Choang của Trung Quốc. Nhưng thực tế bản thân dân tộc Choang ở Quảng Tây trước kia lại từng là 1 phần của dân tộc Việt.

Vậy thì, một vấn đề đặt ra là võ cổ truyền Việt Nam hoàn toàn có thể chính là nguồn gốc và tạo nên sự ảnh hưởng tới một số khu vực phía Nam của Trung Quốc ngày nay. Nói cách khác, một bộ phận của võ Trung Quốc ngày nay có sự "vay mượn" từ võ cổ truyền Việt Nam.

Võ sư Việt tìm ra yếu huyệt chết người của võ Trung Quốc - Ảnh 4.

Võ cổ truyền Việt Nam không quá hoa mỹ như võ Trung Quốc nhưng lại rất thực chiến.

Theo võ sư – nhà giáo Trịnh Hồng Minh, không chỉ Trung Quốc mà ngay cả Thái Lan cũng có nhiều hình vẽ mô tả về môn Muay Boran rất giống võ cổ truyền Việt Nam.

Nếu đặt hai nền võ thuật này so sánh, có thể thấy nhiều kỹ thuật của Muay Boran rất giống với kỹ thuật của môn Tượng quyền của người Việt (đánh theo kiểu con voi, rất cương mãnh).

Võ sư Minh còn khẳng định ở Thái Lan đã từng có một nhóm võ thuật từng "ăn cắp" một số bài viết, hình vẽ của môn phái Nhất Nam (do thầy Ngô Xuân Bính – Chưởng môn phái biên soạn) để đăng trên một số sách và tạp chí xứ chùa Tháp.

"Việc một bộ phận người Trung Quốc và Thái Lan có "vay mượn" võ cổ truyền Việt Nam là có cơ sở. 

Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn cần sự đầu tư tìm hiểu chuyên sâu của những nhà nghiên cứu võ thuật cũng như lịch sử, văn hóa thì mới có thể tìm ra câu trả lời thỏa đáng" – võ sư Trịnh Hồng Minh khẳng định.

(Còn nữa)  

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại