Sự siêu phàm của Dịch Cân Kinh qua ngòi bút Kim Dung
Trong các tác phẩm kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung, Dịch Cân Kinh là một bí kíp võ công đặc biệt, được coi là một loại "thần công" do Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra với uy lực vô song.
Dịch Cân Kinh xuất hiện trong khá nhiều tác phẩm như Thiên Long Bát Bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Lộc đỉnh ký… Cùng với Tẩy Tủy Kinh thì Dịch Cân Kinh là một trong hai môn công pháp trấn phái của Thiếu Lâm Tự. Tương truyền, Dịch Cân Kinh là nội công tối thượng do Đạt Ma sư tổ phải diện bích 9 năm mới sáng tạo ra.
Theo truyền thuyết thì Dịch Cân Kinh là công phu do Bồ Đề Đạt Ma sáng tạo ra sau 9 năm ngồi quay mặt vào tường.
Có lần, Tuệ Khả đại sư, một đệ tử của Đạt Ma đã nhặt được cuốn Dịch Cân Kinh. Tuệ Khả đoán đây là bí kíp vô cùng uyên thâm nhưng không tài nào hiểu nổi, nên vị đại sư dắt theo cuốn kinh đi khắp giang hồ để tìm bậc cao nhân giải nghĩa. Nhưng ông đi suốt 20 năm dòng mà không thể có kết quả gì.
Cho đến một ngày ông gặp nhà sư Thiên Trúc pháp hiệu Ban Thích Mật Đế trụ trì núi Nga Mi. Hai người lấy bí kíp ra để cùng nghiên cứu. Sau 19 ngày, cả hai đã cùng giải mật được hết cuốn Dịch Cân Kinh.
Trong tiểu thuyết thì Dịch Cân Kinh là môn võ công tuyệt diệu. Khi luyện sẽ đả thông toàn bộ kinh lạc, khí lực sẽ chạy khắp châu thân, tâm động là nội lực tự phát như nước thủy triều dâng, giống như bơi thuyền trên sóng dữ, đợt sóng dâng lên hạ xuống thì thuyền lúc cao lúc thấp, không cần dùng sức.
Một số tranh vẽ ở Trung Quốc mô phỏng các động tác trong Dịch Cân Kinh.
Tác giả Kim Dung mô tả rằng: "Với Dịch Cân Kinh, hàng trăm năm qua không phải bậc kì nhân thì không truyền thụ, mà dẫu kì nhân nhưng không gặp kì duyên thì cũng không truyền thụ. Dù có là đệ tử xuất chúng của Thiếu Lâm chánh phái mà không có phúc duyên thì cũng không thể truyền".
Trong tác phẩm Thiên Long Bát Bộ, Dịch Cân Kinh được cho là bí kíp rất khó luyện thành, người luyện cần phải đạt đến cảnh giới "vô ngã vô tướng" trong Phật môn, nếu cưỡng cầu luyện có thể dẫn đến tẩu hỏa nhập ma như trường hợp của nhân vật Khưu Ma Trí. Nhưng một khi đã luyện thành thần công thì người luyện sẽ trở thành một cao thủ có nội lực thượng thừa, có thể đứng đầu thiên hạ.
Võ sư Việt Nam giải mã những khả năng có thật của Dịch Cân Kinh
Đồng quan điểm với nhiều nhà nghiên cứu võ thuật ở Trung Quốc thì võ sư Ngô Xuân Thi, Chưởng môn phái Thiếu Lâm – Long Quyền Pháp (người từng có nhiều năm dạy võ tại Nga) cũng cho rằng Dịch Cân Kinh là bí bíp võ công hoàn toàn có thật.
"Dịch Cân Kinh là bộ công phu hoàn toàn có thật chứ không phải hư cấu. Trên thực tế, Dịch Cân Kinh đúng là một tài liệu rất tuyệt vời từ đời xưa còn truyền lại tới ngày nay.
Theo tôi, Dịch Cân Kinh có nghĩa là phép chuyển dịch gân cốt. Cân ở đây tức là gân. Dịch Kinh là kinh điển. Dịch Kinh gồm rất nhiều phép chuyển dịch gân, trong đó có thổ nạp. Hơi thở trong bài Dịch Cân Kinh tức ý khí. Đời người chỉ cần luyện thành thục được 1 trong 36 Dịch Cân là có thể sở hữu sức khỏe vô biên, tinh thần minh mẫn.
Võ sư Ngô Xuân Thi cho rằng Dịch Cân Kinh có nhiều lợi ích cả trong chiến đấu lẫn rèn luyện sức khỏe.
Nói đến nội công thâm hậu của các võ sĩ thi đấu trên sàn ngày nay cũng có thể coi đó là Dịch Cân. Dịch Cân ở đây là gân cốt săn chắc, bền dẻo và nó có lực co dãn như một sợi dây thun, sẵn sáng bật ra với một tốc độ kinh khủng mà đối phương không kịp phản ứng.
Theo tôi được biết, Dịch Cân Kinh ngoài những bài nội kình còn có những bài động công, giúp người tập đả thông kinh lạc, làm cho người tập khỏe mạnh và tự chữa trị được một số bệnh tật.
Đối với người luyện võ nội công thì Dịch Cân Kinh là một thử bảo bối vô cùng quan trọng. Làm cho người luyện đạt đến cảnh giới tối đa, có thể làm những việc mà người bình thường không làm được".
Trước câu hỏi rằng Dịch Cân Kinh dành cho những đối tượng nào và cách tập luyện công phu này trên thực tế sẽ ra sao, võ sư Ngô Xuân Thi cho rằng:
"Theo tôi, ai cũng có thể tập Dịch Cân Kinh được. Có điều người thầy có dậy hay sẽ giấu. Tôi nói đơn giản như nội công trong môn Hồng Gia La Phù Sơn mà tôi đang dậy học trò cũng chính là Dịch Cân Kinh đó.
Tập Dịch Cân điều quan trọng nhất là phải kiên nhẫn vì nó đơn giản và khô khan, người tập dễ nhàm chán. Bởi một thức phải tập rất nhiều lần, tập đi tập lại trong nhiều ngày, mà chỉ đứng một tư thế như lập tấn hoặc trung bình tấn.
Hoặc ví dụ như bài Ban Chỉ Công chẳng hạn. Đó cũng là một phần của Dịch Cân Kinh. Đây là bài tập với kỹ thuật vẩy tay kết hợp với động tác hít thở. Đó là bài tập đơn giản nhưng có nhiều lợi ích để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai cho cơ thể".
Võ sư Ngô Xuân Thi dạy khí công tại Nga.
Võ sư Ngô Xuân Thi còn cho rằng không chỉ các võ sư Trung Quốc mới luyện Dịch Cân Kinh: "Theo tôi, ở Việt Nam hiện nay có nhiều võ sư hiểu rõ về Dịch Cân Kinh và có tập môn này.
Để đánh giả tổng thể về Dịch Cân Kinh, tôi cho rằng đây là thứ công phu có thật. Mặc dù không thể "vô địch thiên hạ" như trong truyện kiếm hiệp nhưng công phu này mang lại những lợi ích tuyệt vời để rèn luyện gân cốt, tăng cường sức khỏe, tăng sức chịu đựng, phòng ngừa và tự chữa khỏi một số loại bệnh tật…".
Võ sư Ngô Xuân Thi (đai trắng, đứng giữa) khi còn dạy võ tại Nga.
Võ sư Ngô Xuân Thi thi triển một bài khí công.