Có một Công Phượng vô hại trước cầu môn
Phải khẳng định rằng so với đồng đội Lương Xuân Trường cách đây 3 năm về trước, Công Phượng may mắn hơn nhiều trong thời gian đầu quân ở Incheon.
Cụ thể tính đến hiện tại, Công Phượng đã thi đấu 9 trận trong màu áo CLB thuộc giải VĐQG Hàn Quốc. Đó thực sự là con số đáng mơ ước đối với Xuân Trường. Bởi ở thời điểm anh khoác áo Incheon, số trận được ra sân tại các giải chính thức của anh là quá ít.
Ra sân nhiều là vậy tuy nhiên Công Phượng lại không tạo được hiệu quả trước cầu môn đối thủ. Sức sát thương của chân sút Việt Nam là quá yếu ớt. Cụ thể, anh mới chỉ tung ra đúng 3 lần dứt điểm. Một trong số đó có thể đưa được bóng đến khu vực cầu môn. Nhưng chừng đó là quá ít ỏi để giúp Phượng ghi được một bàn thắng tại các trận đấu chính thức của Incheon United.
Thực sự, người hâm mộ kỳ vọng Công Phượng có thể làm được một điều gì đó ở Hàn Quốc. Nhưng với đẳng cấp cao hơn hẳn V.League của K.League, cũng như trình độ bản thân chưa đạt tới một tầm vóc cao hơn, Công Phượng thực sự vẫn đang trong giai đoạn tích lũy kinh nghiệm, học hỏi trình độ thay vì có thể đóng góp trực tiếp nơi hàng công của đội nhà.
Và "mong manh" đến đáng thương...
Trong một sự thất vọng không hề nhỏ về khả năng tấn công của Công Phượng, người ta lại… thấy thêm một sự thất vọng nữa trong những màn trình diễn của chân sút 24 tuổi.
Thống kê chỉ ra rằng Công Phượng mất bóng 41 lần sau 8 trận (tương đương 352 phút) ở Incheon United (trung bình cứ 8.6 phút lại mất bóng một lần). Ở mùa giải năm ngoái trong màu áo HAGL, anh cũng mất bóng tới… 197 lần trong 24 trận (tương đương với 1923 phút, trung bình cứ 9.76 phút lại mất bóng một lần).
Tại V.League, Công Phượng có nhiều thời gian và không gian để xoay sở. Anh cũng nhận được nhiều bóng từ đồng đội hơn. Vai trò của anh ở HAGL tất nhiên cũng lớn hơn so với ở Incheon United. Cũng chính vì thế mà Công Phượng thường xuyên rê dắt bóng để rồi… mất bóng vào chân của đối thủ.
Công Phượng ngả bàn đèn đẹp mắt trong ngày đá trọn 90 phút tại K-League
Khi sang K.League, Công Phượng có bóng ít hơn hẳn vì không còn là "ngôi sao" gánh đội như trước. Cũng chính vì thế, Phương biết chắt chiu hơn, tìm cách để xử lý bóng hiệu quả nhất trong tầm khả năng, ít nhất là không để mất bóng "lãng xẹt" như tại V.League.
Thế nhưng khó khăn cho Công Phượng ở chỗ các hàng thủ tại K.League lại mạnh mẽ và "chất" hơn hẳn tại quê nhà. Công Phượng luôn chịu áp lực rất lớn và vô cùng khó khăn ngay từ khâu che người để chuẩn bị nhận bóng.
Không ít lần Công Phượng để mất bóng nguy hiểm, đặc biệt trong trận được cho thi đấu toàn bộ thời gian trước Pohang Steelers. Khi thể lực cạn kiệt, CP23 tỏ ra mong manh đến đáng thương trong các pha tranh chấp.
Đấy là điều đáng được dự đoán từ trước, khi thể hình, sức mạnh là 2 điểm yếu nhất của Công Phượng khi sang K.League chơi bóng.
CP23 đang nỗ lực để xử lý bóng nhanh hơn, chuyền nhiều hơn thay vì giữ bóng lại như tại V.League. Thực tế thì trước Pohang Steelers, Công Phượng cũng cho thấy khả năng phối hợp đồng đội có những tiến bộ nhất định.
Hy vọng rằng trong tương lai, Công Phượng có thể tăng cường về sức mạnh, đồng thời phối hợp đồng đội tốt hơn nữa để tránh là mắt xích yếu trong đội hình Incheon mỗi khi vào sân.