Đầu tiên, phải truy cứu trách nhiệm của tổ trọng tài điều khiển trận đấu giữa Hà Nội FC và HAGL (vòng 3), vai trò của các Giám sát trận đấu và Giám sát trọng tài, rồi Ban Trọng tài (VFF) – đội ngũ những người đã mổ băng và báo cáo không thật chuẩn xác về hành vi phi thể thao của Samson.
Ngoài ra, trách nhiệm của BTC V-League, với người đứng đầu là Trưởng Ban Nguyễn Minh Ngọc phải tính tới.
Tháng 8/2013, Ban Kỷ luật đã từng phạt khiển trách Trưởng BTC V-League là ông Trần Duy Ly (Quyết định số 291/QĐ-LĐBĐVN), do vi phạm khoản 13, điều 35, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp về lỗi nhận định liên quan đến “bàn thắng ma” trên sân Thanh Hoá (trận đấu giữa Thanh Hoá và XMXT Sài Gòn). Ban Kỷ luật VFF, đứng đầu là ông Nguyễn Hải Hường, là người ký các quyết định.
Mùa 2008, cựu Trưởng BTC V-League, ông Dương Nghiệp Khôi, từng bị phế ghế, sau sự cố đau lòng xảy ra trên sân Vinh, để rồi lại được phục ghế năm 2011…
Tức là, không thiếu những tiền lệ mà người đứng đầu giải đấu, nếu không tự đứng ra nhận trách nhiệm, thì cũng phải được xem xét trách nhiệm một cách thấu đáo. Công/tội phân minh, BTC có lỗi thì cũng bị xử như dân thường, như tuyên bố của ông Hường.
V-League bước qua tuổi 17, cùng với đó, đây đã là mùa giải thứ 6, kể từ khi VPF đứng ra “thầu” các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, song có cảm giác như, người trong cuộc vẫn vừa chạy vừa xếp hàng.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp hiệu đính liên tục, nhưng vẫn chưa hợp thời, khi vẫn xảy ra tình trạng “bên trọng bên khinh”, trong các quyết định kỷ luật, nhằm hướng tới một giải đấu công bằng tương đối.
Nhiều ý kiến cho rằng, các án phạt được đưa ra không thể giúp giải đấu trở nên hấp dẫn hơn, hay đẹp hơn, khi cái nóc nhà vốn đã bị dột. Những người đứng đầu giải đấu, mà cao hơn là VFF, một khi hành xử bất minh, thì việc họ không nhận được sự tôn trọng của người chơi, là điều bình thường. Báo đài tốn giấy mực, khản cả cổ, từ năm này qua năm khác vấn nạn gần như không thuyên giảm.
Trở lại vụ Samson, thói côn đồ của tiền đạo nhập tịch này đã ăn vào máu, kể từ khi anh còn mang cái tên Samson Kayode, đá trong màu áo của Than Quảng Ninh (mùa giải 2007).
Theo nguồn tin của Thể thao & Văn hoá, trước khi Ban Kỷ luật phải xuống tay với “Sam”, VFF đã phải nhận chỉ đạo từ cấp thượng tầng, để yên dư luận. Nhà tổ chức giải đấu (VPF), mà không thể nắm được cuộc chơi, e là rất dễ sinh biến.
Cuối tuần này, các trận đấu thuộc vòng 5, V.League 2017 sẽ tiếp tục diễn ra, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng chưa có gì là đảm bảo những hạt sạn như lỗi nhận định, hay bạo lực sân cỏ sẽ thuyên giảm.