Trọng tài Ngô Duy Lân. (Ảnh: Đoàn Ca)
ĐAU ĐẦU TÌM NGƯỜI GIỎI
Thái Lan và Malaysia là hai nước có nhiều trọng tài FIFA nhất Đông Nam Á ở mùa giải 2022 với 6 người. Singapore và Indonesia mỗi liên đoàn có 5 người, còn Myanmar xếp sau với 4 trọng tài đạt chuẩn FIFA. Việt Nam vẫn được coi là nền bóng đá hàng đầu khu vực, tuy nhiên số lượng trọng tài FIFA lại chỉ nằm ở nhóm giữa.
Điều này khiến những nhà điều hành V.League gặp phải không ít khó khăn. Các trận đấu có tính chất gay cấn ngày càng nhiều lên. Đội bóng nào cũng mong muốn có người cầm còi uy tín điều hành trận đấu, nhưng các trọng tài FIFA Ngô Duy Lân, Hoàng Ngọc Hà và Nguyễn Mạnh Hải thì không thể căng mình để quán xuyến hết.
"Chúng tôi không thể nào bố trí trọng tài đi theo suốt một đội bóng. Như thế cũng gây áp lực cho chính trọng tài. Chúng tôi sẽ phân công tùy theo tính chất của từng trận đấu", trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền từng chia sẻ cách đây ít lâu.
Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền.
Tuy nhiên trọng tài là công việc có tính rủi ro cao. Ngay cả trọng tài được đánh giá là số 1 Việt Nam lúc này như ông Ngô Duy Lân vừa qua cũng đã mắc sai sót dẫn đến việc bị treo còi.
Trong vòng cấm địa, Duy Mạnh (Hà Nội FC) giẫm vào chân Bruno nhưng trọng tài Ngô Duy Lân không cho HAGL được hưởng 11m. Tình huống này dẫn đến dư luận ồn ào suốt nhiều ngày sau. Ban trọng tài sau đó thừa nhận ông Ngô Duy Lân đã quyết định sai.
Một trọng tài FIFA khác là ông Nguyễn Mạnh Hải cũng trở thành tâm điểm với những quyết định ở trận đấu giữa Hà Nội FC và SLNA ở vòng 10. Dù giới chuyên môn đánh giá việc rút thẻ đỏ với Olaha và thổi phạt 11m ở tình huống Thái Bá Sang để bóng chạm tay trong vòng cấm là có lý, tuy nhiên trọng tài Nguyễn Mạnh Hải vẫn phải nhận không ít chỉ trích từ dư luận.
Trước đó, trọng tài Hoàng Ngọc Hà thậm chí còn bị một CĐV "phun mưa" vì không cho CLB Hải Phòng được hưởng quả đá phạt đền ở vòng 8.
Ông Ngô Duy Lân hiện là trọng tài Việt Nam duy nhất đạt đẳng cấp Elite của FIFA.
Vì đâu dư luận lại có những góc nhìn thiếu thiện cảm như vậy với các trọng tài, ngay cả ở các tình huống "vua áo đen" không hề đưa ra quyết định sai? Nguyên nhân có lẽ bởi những gì đã xảy ra trong quá khứ.
Tất nhiên ban trọng tài cũng luôn xem xét kỹ lưỡng những tình huống gây tranh cãi và thẳng thắn phản hồi với truyền thông về tính đúng sai trong các quyết định của tổ trọng tài.
Tuy vậy với một vài trường hợp gây tranh cãi mà góc quay truyền hình khó xác định rõ, khiến khán giả còn cảm thấy mơ hồ dù ban trọng tài đã giải thích bằng luật, nên chăng cần có thêm việc công bố băng kỹ thuật để tất cả đều được thông suốt, qua đó sẽ tránh được dư luận không hay rằng đội bóng này, đội bóng kia được hưởng lợi nhờ trọng tài.
Nếu có VAR, các trọng tài ở V.League sẽ được hỗ trợ tốt hơn.
GIẢI PHÁP NÀO ĐỂ CẢI THIỆN CÔNG TÁC TRỌNG TÀI?
Mỗi khi lỗi sai của trọng tài xuất hiện, người hâm mộ V.League lại nhắc tới việc đưa VAR vào các trận đấu. Tuy nhiên sau vài năm, phương án này vẫn khó khả thi tại Việt Nam. Chi phí lớn, cộng thêm chưa đủ nguồn lực nhân sự để vận hành khiến VAR vẫn chỉ là câu chuyện ở thì tương lai.
"Nếu giải đấu chưa thể có VAR, Ban tổ chức V.League có thể xem xét đưa thêm hai trọng tài nhằm giám sát khu vực cầu gôn của hai đội. Đó cũng là cách châu Âu đã làm trước khi áp dụng công nghệ VAR", chuyên gia Vũ Mạnh Hải bày tỏ quan điểm của mình.
Trong khi đó, giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn cho rằng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho trọng tài là điều hết sức quan trọng.
Theo ông Tấn, cách làm của VFF về mỗi đợt tập huấn trọng tài là hợp lý, bởi nhiều giải đấu trên thế giới thậm chí không có những đợt rà soát công tác trọng tài như vậy. Tài liệu tập huấn trọng tài giờ đây cũng rất phong phú, được FIFA chuyển tới các liên đoàn bóng đá quốc gia đầy đủ. Phương tiện giúp các trọng tài hình dung nắm bắt các tình huống khó cũng đã nhiều, vô cùng tiện lợi.
Giảng viên trọng tài FIFA Đoàn Phú Tấn. (Ảnh: Đoàn Ca)
Tuy nhiên, việc làm sao để chọn lọc và bồi dưỡng được ra những trọng tài chất lượng là cả vấn đề. Số lượng trọng tài FIFA của Việt Nam so với nhiều nước Đông Nam Á còn ít, chứ chưa cần so với châu lục hay thế giới.
"Bóng đá Việt Nam có lẽ cần phải chọn ra những ‘hạt giống đỏ', những trọng tài có triển vọng và không ngừng bồi đắp, hướng dẫn đặc biệt thay vì chỉ tạo điều kiện như bao người khác. Trọng tài trẻ, tiềm năng cần được sắp xếp làm việc với những người giỏi hơn trong các trận đấu lớn. Từ đó, lứa trẻ trưởng thành và ngày một bản lĩnh", ông Đoàn Phú Tấn chia sẻ.
Cựu giám sát trọng tài V.League nói thêm: "Trọng tài bắt sai nhưng Ban trọng tài VFF cần phân tích kỹ và đúng để tránh lặp lại".