Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả "núi tiền" để sa thải HLV Troussier?

Linh Đan |

Có tới 4 HLV mất việc sau Asian Cup 2023 vì thành tích gây thất vọng. Tuy nhiên, trong số này không có HLV Troussier của đội tuyển Việt Nam.

LĐBĐ HÀN QUỐC PHẢI ĐỀN BAO NHIÊU CHO HLV KLINSMANN?

Đầu năm 2023, LĐBĐ Hàn Quốc (KFA) bổ nhiệm HLV Jurgen Klinsmann với bản hợp đồng có thời hạn hơn 3 năm, với tham vọng tạo giành vé dự World Cup 2026 và sau đó tạo nên dấu ấn tại VCK.

Tuy nhiên chỉ sau 12 tháng, hai bên đã đường ai nấy đi. Thất bại tại Asian Cup 2023 và drama ồn ào giữa Son Heung-min với Lee Kang-in khiến HLV Klinsmann bị chỉ trích dữ dội.

Dư luận Hàn Quốc cho rằng chiến lược gia người Đức vừa kém chiến thuật vừa không thể hiện được vai trò quản trị, không có phương án xử lý phù hợp khi nội bộ đội bóng xảy ra bất hòa.

Sau nhiều bàn bạc, KFA quyết định sa thải HLV Klinsmann. Tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc đơn vị này phải bỏ ra số tiền khổng lồ để đền bù.

Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả

HLV Klinsmann nhận khoản bồi thường kếch xù sau khi bị sa thải.

Theo thông tin ban đầu, KFA sẽ phải chi ra số tiền lên đến 10 tỷ won (tương đương hơn 183 tỷ đồng, gần 7,5 triệu USD). Số tiền đền bù này bao gồm tiền lương cho hơn 2 năm còn lại trong hợp đồng của HLV Klinsmann và phí phạt theo các điều khoản khác.

Đây là số tiền không hề nhỏ, tương đương với khoảng 8-20% kinh phí hoạt động của KFA trong năm tài khoá 2024. Tuy nhiên chủ tịch KFA Chung Mong-gyu tỏ ra không quá e ngại với khoản đền bù này. Thậm chí ông còn tuyên bố:

"Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đang thảo luận kĩ lưỡng và nói chuyện với luật sư của các bên liên quan. Nếu khoản tiền đền bù phát sinh quá lớn, tôi cân nhắc bỏ tiền túi để giải quyết vấn đề. Chúng tôi vẫn chưa nói về vấn đề này, KFA sẽ bàn bạc, thương thảo để xử lý mọi việc".

Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả

Son Heung-min muốn HLV Klinsmann loại Lee Kang-in khỏi trận bán kết với Jordan sau hành vi không đúng mực của đàn em. Tuy nhiên chiến lược gia người Đức đã không đồng ý, đồng thời ông cũng không thể dàn xếp được ổn thỏa nội bộ đội tuyển Hàn Quốc, dẫn đến thất bại sau đó.

VÌ SAO VFF KHÔNG LÀM ĐIỀU TƯƠNG TỰ KFA?

Jurgen Klinsmann là 1 trong số 4 HLV mất việc sau Asian Cup 2023, sau HLV các đội tuyển Oman, Trung Quốc, Bahrain. Đây đều là những đội bóng không có được kết quả như kỳ vọng ở giải vô địch châu Á, còn bản thân HLV trưởng vấp phải nhiều chỉ trích về vấn đề sử dụng nhân sự.

Với đội tuyển Việt Nam, HLV Troussier cũng phải nhận vô số những ý kiến không hài lòng từ dư luận. Việc để thua cả 3 trận tại Asian Cup 2023, đặc biệt là thất bại trước Indonesia, khiến chiến lược gia người Pháp bị chỉ trích dữ dội.

Tuy nhiên trong cuộc gặp gỡ truyền thông cách đây ít lâu, tổng thư ký VFF Dương Nghiệp Khôi nhấn mạnh:

"Tôi là người ký hợp đồng với ông ấy. Hợp đồng nào cũng có những điều khoản, quy định, trách nhiệm với các mục tiêu. Nhưng quan trọng hơn là sự kiên nhẫn với HLV, tin tưởng và hỗ trợ cho HLV.

VFF sẽ luôn ở bên ông Philippe Troussier và đội tuyển Việt Nam để giúp sức trên chặng đường đạt được các mục tiêu. Trong năm 2024, mục tiêu chính của đội tuyển Việt Nam là vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2026 khu vực châu Á".

Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả

VFF vẫn đặt niềm tin vào HLV Troussier. (Ảnh: Linh Đan)

Sự tin tưởng của VFF cho thấy trước mắt chiếc ghế của HLV trưởng của Troussier vẫn sẽ được đảm bảo. Ngoài sự kiên nhẫn mà tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi nói ở trên, còn một yếu tố khác cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng trong trường hợp này.

Hợp đồng của HLV Troussier có thời hạn từ ngày 1/3/2023 đến ngày 31/7/2026, với mức lương khoảng 60.000 USD/tháng (tương đương 1,46 tỷ đồng).

Nếu sa thải HLV này ngay sau Asian Cup 2023, VFF sẽ phải đền bù 30 tháng lương còn lại. Đó là chưa kể đến những điều khoản khác trong hợp đồng giữa hai bên. Khi ấy, số tiền đền bù có thể ở mức 45 tỷ đồng trở lên.

Đây là con số không hề nhỏ với ngân sách của VFF. Cần biết, mục tiêu tài chính trong năm 2024 của VFF là thu hơn 317 tỉ đồng, chi hơn 310 tỉ đồng và dự kiến lãi 7,4 tỉ đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc số tiền đền bù hợp đồng cho HLV Troussier có thể chiếm tới 14% nguồn thu của VFF, gấp khoảng 6 lần số tiền lãi dự tính.

Rõ ràng, câu chuyện sa thải HLV Troussier cần cân nhắc rất kỹ lưỡng. Và khi tuyển Việt Nam vẫn còn nguyên cơ hội ở vòng loại thứ hai World Cup 2026, ghế của HLV Troussier vẫn sẽ vững bởi sự cộng hưởng của nhiều lý do.

Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả

HLV Troussier vẫn còn cơ hội lấy lại niềm tin nơi người hâm mộ Việt Nam. (Ảnh: Linh Đan)

VFF TỪNG PHẢI NHẬN ĐÒN ĐAU KHI SA THẢI HLV

VFF từng dính đòn đau khi sa thải HLV Christian Letard vào năm 2002. Khi ấy, VFF bị chiến lược gia người Pháp kiện lên Tòa án trọng tài thể thao quốc tế (CAS), đòi bồi thường toàn bộ 13 tháng lương còn lại trong hợp đồng.

VFF chỉ muốn đền bù 3 tháng lương sau khi sa thải HLV Letard bởi màn trình diễn tệ hại của U23 Việt Nam trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 22 trên sân nhà. Ủy ban tư cách cầu thủ FIFA sau đó cũng xử VFF thắng kiện. Tuy nhiên CAS lại nghĩ khác.

Vì sao VFF không thể làm như LĐBĐ Hàn Quốc, chi cả

Các quan chức VFF đón HLV Letard (cầm hoa) đến nhậm chức vào tháng 2/2002.

Kết quả là đến ngày 30/9/2004, CAS bác bỏ phán quyết của Ủy ban tư cách cầu thủ FIFA, đồng thời yêu cầu VFF phải đền bù cho HLV Letard 197.800 USD, gồm 13 tháng tiền lương (khoảng 140.000 USD) và 57.800 USD tiền phạt nảy sinh trong quá trình khiếu kiện.

Thế nhưng thông tin này sau đó chỉ được hé lộ vào đầu tháng 1/2005, khi hạn bồi thường đã cận kề. VFF nếu không hoàn tất bồi thường thì đội tuyển Việt Nam sẽ bị cấm thi đấu quốc tế 2 năm. Nên nhớ vào năm 2005, tiền tài trợ cho ĐTQG chỉ có khoảng 3,7 tỷ đồng.

Vụ việc lộ ra khiến tổng thư ký VFF khi đó là ông Phạm Ngọc Viễn phải viết đơn xin từ chức do "không chịu nổi sức ép dư luận và cảm thấy không nên ngồi lại vị trí".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại