Vì sao trọng tài Nguyễn Trọng Thư không bị "xử" sau bê bối sân Thống Nhất?

Facebook Nguyễn Hoài Nam |

Rất nhiều khán giả đã vô cùng bất ngờ khi nhìn thấy trọng tài Nguyễn Trọng Thư bước ra sân Hàng Đẫy chiều 26/2 vừa qua.

Sau bê bối của Long An trên sân Thống Nhất, trọng tài Nguyễn Trọng Thư vẫn bình yên vô sự. Ông có mặt trên sân Hàng Đẫy với vai trò là trọng tài bàn ở trận đấu giữa Hà Nội FC gặp Bình Dương, thuộc vòng 7 V-League.

Việc con trai của Trưởng ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi vẫn điềm nhiên làm nhiệm vụ mà không hề bị kỷ luật lập tức khiến rất nhiều người hâm mộ cảm thấy hoài nghi về vai trò của VFF.

Chúng tôi xin được trích đăng ý kiến của một nhà quản lý bóng đá chuyên nghiệp, hiện đang điều hành một trung tâm bóng đá cộng đồng lớn nhất Việt Nam nói về việc này.

"Ơ, SAO THƯ "MÙI" VẪN ĐƯỢC BẮT?

Anh bạn tôi hoảng hốt khi nhìn thấy trọng tài Nguyễn Trọng Thư bước ra sân Hàng Đẫy chiều ngày 26/2/2017 để điều hành trận đấu giữa Hà Nội và Becamex Bình Dương với vai trò trọng tài thứ tư - đúng một tuần sau sự cố đáng hổ thẹn trên sân Thống Nhất...

Sao mà không được bắt? - Tôi hỏi lại, cũng là lúc bắt đầu cuộc tranh luận kéo dài hết cả một trận đấu không có bàn thắng giữa hai đội thuộc hàng mạnh nhất V-League hiện nay. Trước đó, tôi cũng đã trao đổi với nhiều người am hiểu về luật và bóng đá, cùng thống nhất rằng sẽ đưa những tình huống này vào để trao đổi nâng cao chuyên môn:

1. Tình huống thổi penalty trận T.P Hồ Chí Minh và Long An, dù thủ môn Minh Nhựt đã bắt được bóng, dù cầu thủ Dyachenko khó có khả năng tranh chấp tình huống bóng đá, tuy nhiên, khi bóng vẫn còn trong cuộc thì với "động tác" và "tác động" như vậy đủ để nhận một quả phạt, và trong vòng cấm địa là một quả phạt đền. 

Tình huống này khi được các chuyên gia bóng đá ngồi sofa trong trạng thái tâm lý thoải mái và thể lực tốt phân tích bằng những thước phim quay chậm với nhiều góc độ khác nhau thì vẫn có rất nhiều tranh cãi.

Người bảo phạt đền, người bảo không phạt đền, lại có người bảo phạt cũng được không phạt cũng được trong khi trọng tài chính buộc phải ra quyết định khi đã trải qua 30 phút khởi động và 80 phút di chuyển liên tục trong trạng thái căng thẳng, sức ép từ hai đội, từ khán giả đến truyền thông và từ cái cái chức của ông bố mình nữa.

Tôi nêu lại một tình huống rất thú vị trong mùa Giải Ngoại hạng Phủi Hà Nội lần thứ Nhất mà chúng tôi làm cách đây 4 năm. 

Ngay trong trận đấu đầu tiên giữa Thăng Long và An Dương, siêu tiền đạo quái kiệt của Việt Nam và CAHN một thời Nguyễn Tuấn Thành đã tinh quái để cho một cầu thủ phòng ngự đối phương ức chế đến cùng và phạm lỗi với anh trong vòng cấm địa khi mà trái bóng vẫn lăn giữa sân. 

Quyết định phạt đền gây quá nhiều phản ứng quyết từ cả nghìn người xem lúc đó, tuy nhiên, quyết định là không thay đổi, và sau đó là một bàn thắng. Phải đến vài hôm sau, giới phủi mới tìm hiểu kỹ luật để biết và hiểu ra rằng cứ phạm lỗi đâu là phạt đấy, và trong vòng cấm địa là phạt đền dù bóng trong cuộc đang ở đâu đi nữa.

Vì sao trọng tài Nguyễn Trọng Thư không bị xử sau bê bối sân Thống Nhất? - Ảnh 2.

Trọng tài Nguyễn Trọng Thư vẫn bình yên vô sự sau vụ bê bối của CLB Long An.

2. Khi thủ môn Minh Nhựt cố tình đứng lệch cầu môn để phản ứng quyết định của trọng tài, đó là hành vi phi thể thao, khác với việc một thủ môn chủ động đứng lệch để có những chuẩn bị chuyên môn cho việc cản phá tình huống phạt đền, nên trọng tài Trọng Thư đã vận dụng rất tốt tinh thần luật bóng đá để yêu cầu Minh Nhựt đứng giữa khung thành, tránh cho một tình huống phản cảm đáng tiếc. 

Tiếc rằng Minh Nhựt với cái đầu nóng đã quay lưng lại khi bóng bay vào lưới, và rồi sau đó phải nhận án phạt vô cùng tệ với sự nghiệp của anh.

3. Khi mọi thứ trở nên quá tệ, thành màn kịch tồi giữa sân khấu bốn mặt Thống Nhất, thì quyết định cắt còi sớm trận đấu theo cách khác luật cũng đáng để lưu tâm. 

Từng giây, từng phút của vở kịch tồi đó được diễn thêm sẽ là hàng tấn thảm họa đối với hình ảnh bóng đá Việt Nam trong lòng người hâm mộ và bạn bè thế giới, nơi nhiều khi họ đánh giá một quốc gia bằng cách người ta chơi bóng đá - như chúng ta vẫn thường nói người Đức bản lĩnh, người Brazil cá tính, người Ý hào hoa...

Tôi hỏi đùa anh bạn, ý anh là trọng tài Thư lẽ ra phải bị kỷ luật khi mà những xử lý của ông cần đưa vào sách?

Tôi hỏi tiếp anh bạn, biết rằng anh đam mê bóng đá giống tôi, nhưng liệu rằng anh có dám xem và đánh giá bóng đá một cách công chính không, hay thích hùa theo những đám đông ném đá?

Tôi cũng hỏi anh bạn, nếu anh đã làm đúng mà bị cả xã hội tấn công, anh có đủ bản lĩnh nhận nhiệm vụ ra sân để rồi nhận được hàng vạn câu hỏi "Ơ, sao Thư "Mùi" vẫn được bắt?"

TIỆN, TÔI HỎI BẠN LUÔN ĐẤY!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại