Vì đâu vận động viên thể thao còn nghèo, còn khổ?

Hoài Đan |

Sau khi thể thao Việt Nam (TTVN) hoàn thành mục tiêu tại ASIAD 18, một câu chuyện cũ nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự được xới lại là chế độ, thu nhập của VĐV không đủ nuôi sống bản thân và gia đình.

Từ lời tâm sự giải nghệ của Quách Công Lịch

Giữa bữa tiệc mừng công của đoàn TTVN tại ASIAD, VĐV điền kinh Quách Công Lịch đã chia sẻ trên trang facebook cá nhân về quyết định giải nghệ. Lý do được Lịch đưa là vì mức lương 4,5 triệu đồng/ tháng không thể nuôi sống gia đình tương lai của anh. Bên cạnh đó, Lịch thể hiện sự chạnh lòng khi môn điền kinh không được coi trọng như bóng đá.

Sau đó, Lịch nói rằng do tâm lý bất ổn sau khi thất bại ở ASIAD cùng với sự bồng bột của tuổi trẻ nên đã không kiểm soát được bản thân để rồi có những quyết định bộc phát đó. Thế nhưng, đấy là những tâm sự rất thật của Lịch. Bởi anh đã nói ra điều mà rất nhiều VĐV đã muốn kêu nhưng kêu mãi rồi vẫn thế. Thậm chí, Lịch cũng đứng trước những lời mời gọi chuyển từ VĐV sang làm người mẫu.

Lịch cũng như rất nhiều các VĐV thể thao thành tích cao khác, hưởng chế độ của VĐV theo mức thông thường là 150.000 đồng tiền công và 200.000 đồng tiền ăn/ngày. Nếu tập đủ 30 ngày, họ sẽ nhận 4,5 triệu/tháng. Bởi 200.000 tiền ăn đã được quy ra các bữa.

Thực tế, trong rất nhiều cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Chính phủ, Bộ VHTTDL, khi được phát biểu ý kiến, rất nhiều VĐV chỉ lên tiếng cùng với nội dung duy nhất là mong Nhà nước tăng tiền ăn, tiền công để các VĐV bớt khổ. Và cũng chính vì vậy mà nhiều khi lãnh đạo ngành thể thao cũng… ngại để VĐV được phát biểu.

Với VĐV, mục tiêu để thay đổi cuộc đời chỉ trông chờ vào việc có thành tích tại các giải đấu lớn như SEA Games, ASIAD để có tiền thưởng, nổi tiếng để có quảng cáo, tài trợ. Và đặc biệt sẽ có cơ hội nằm trong nhóm các VĐV được đầu tư trọng điểm với số tiền công là 400.000 đồng/ngày và số tiền ăn là 400.000 đồng/ngày. Chỉ có như vậy mới cải thiện được mức thu nhập và có thể lo cho tương lai. Thế nhưng, không phải ai cũng có cơ hội như vậy.

Từ năm 2015, Tổng cục TDTT đã bắt đầu triển khai kế hoạch lựa chọn đầu tư trọng điểm cho các VĐV có thành tích xuất sắc và có tiềm năng đóng góp cho thể thao nước nhà. Theo danh sách HLV, VĐV xuất sắc năm 2017 Bộ VHTTDL đã phê duyệt để đầu tư đặc biệt cho SEA Games 2017 và ASIAD 2018 có 14 HLV, 55 VĐV sẽ được tăng tiền ăn, tiền công tập luyện. Và số VĐV hiện tại cũng dao động trong khoảng 55-60 VĐV được chọn đầu tư trọng điểm.

Theo lãnh đạo ngành thể thao thì danh sách đầu tư trọng điểm cũng đã phải cân nhắc rất kỹ. Dù còn nhiều VĐV xứng đáng nhưng cũng không thể đưa ồ ạt mà phải chọn những người xứng đáng nhất. Bởi lẽ, đây là vấn đề liên quan đến kinh phí còn hạn chế.

Muốn đổi đời phải có thành tích

Chỉ tính riêng U23 Việt Nam, với thành tích giành ngôi á quân Châu Á 2018, đã nhận được tổng số hơn 50 tỉ đồng đến từ khoảng 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, VFF cũng có thêm được 2 nhà tài trợ gắn bó lâu dài bên cạnh 6 đối tác quen thuộc. Điều này đã tạo ra nguồn thu lớn cho VFF trong kinh phí hoạt động hàng năm. Theo báo cáo tài chính trong năm 2017, với việc bán thương quyền của các ĐTQG, vận động tài trợ, ngân sách... khi các đội tham dự giải đấu lớn, VFF đã thu về được khoảng 150 tỉ đồng.

Nhà nước chi chế độ tiền công, tiền lương cho các VĐV như nhau ở tất cả các môn. Thế nhưng, tất cả các VĐV lại chạnh lòng khi nhìn về bóng đá. Bởi đây là môn đặc thù, nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ. Cũng vì thế mà bóng đá nhận được nhiều nguồn tài trợ đến từ các doanh nghiệp lớn nên có sự chênh lệch rõ rệt về thu nhập.

Chẳng nói đâu xa, ngay như bóng đá nữ dù gặt hái được nhiều thành tích thì số tiền thưởng cũng chẳng thấm vào đâu vì không nhận được sự quan tâm của người hâm mộ nên ít tài trợ. Tổng số tiền thưởng cho tấm HCV SEA Games 29 chỉ có hơn 4 tỉ đồng. Chính HLV Mai Đức Chung cũng nhiều lần than thở rằng, lương các VĐV ở nhiều CLB thấp chỉ 2-3 triệu nên không đủ sống. Chính bản thân ông Chung cũng lo ngại, việc tìm nguồn nhân lực kế cận cho bóng đá nữ gặp khó khăn.

Ngay như bộ môn bắn súng, dù sau chiến tích của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 đã tạo ra tiếng vang, thế nhưng tổng số tiền tài trợ cũng chỉ lên đến hơn 5 tỉ. Thực tế sau đó, Liên đoàn bắn súng vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động và tìm kiếm tài trợ dù có thương hiệu Hoàng Xuân Vinh.

Ngay tại ASIAD 18, trước ngày lên đường thì bắn súng vẫn kêu khó khi các nhà tài trợ chỉ treo thưởng, thậm chí treo thưởng lên đến hơn 2 tỉ. Còn lại thì tài trợ bằng hiện vật là chính. Thế nên, sau khi bắn súng thất bại, cũng gần như không có gì.

Ngay cả đoàn TTVN thì sau khi cố gắng tìm kiếm tài trợ cũng chỉ có được hơn 2 tỉ tiền mặt để treo thưởng cho các VĐV. Đấy là trong trường hợp có thành tích, nếu không thì tiền cũng chẳng thể đến được tay các VĐV. Do đó mà với các VĐV thì muốn thay đổi cuộc đời, chỉ còn cách mang về huy chương mà phải là màu vàng. Nhìn cách mà nhà tài trợ treo thưởng đến 300 triệu 1 HCV nhưng chỉ có 30 triệu cho HCB tại ASIAD là đủ hiểu.

Sau ASIAD 18, VĐV có thu nhập tốt nhất chính là Bùi Thị Thu Thảo với tấm HCV môn nhảy xa. Tổng số tiền thưởng theo quy định và thưởng "nóng" của các nhà tài trợ mà Thảo nhận được khoảng gần 700 triệu đồng. Đây là thành quả mà theo Thảo sẽ cải thiện được điều kiện sống cho gia đình cô rất nhiều.

Câu chuyện thu nhập của VĐV thể thao là vấn đề nan giải không chỉ của riêng Quách Công Lịch, mà đó còn là thực trạng chung của ngành thể thao. Và chính các lãnh đạo ngành cũng luôn trăn trở với việc cân đối ngân sách và gìn giữ nhân tài.

Sẽ không bất ngờ nếu một ngày nào đó, hình ảnh Quách Công Lịch xuất hiện trên sàn catwalk chứ không phải trên sân nỉ điền kinh. Bởi nếu không có tiền, sẽ khó có thể nuôi dưỡng những đam mê. Ngay cả lễ mừng công cho các VĐV của đoàn TTVN tại ASIAD 18 cũng vậy, đừng chạnh lòng khi đó là sân khấu mà bóng đá mới là nhân vật chính. Bởi đó mới là thương hiệu có thể tạo ra giá trị bằng “tiền tươi thóc thật”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại