Ông Al Khalifa nói: "Không chỉ phát triển trong lĩnh vực các ĐTQG mà VFF còn phát triển trong lĩnh vực trọng tài, giải bóng đá VĐQG V-League, futsal và bóng đá bãi biển. Tôi thấy VFF một trong những Liên đoàn tham gia hầu hết tất cả các giải đấu, các sự kiện của FIFA và AFC. Tôi nghĩ rằng VFF là một ví dụ điển hình để các LĐBĐ châu Á khác cần phải học tập".
Việc VFF có những đóng góp tích cực với FIFA và AFC là sự thực không thể phủ nhận, nhưng nếu bảo VFF là điển hình để các LĐBĐ châu Á phải học tập thì có lẽ là ông Al Khalifa hơi quá lời, bởi bóng đá Việt Nam tuy có thành tích ấn tượng ở World Cup futsal hoặc U20 World Cup, nhưng ở sân chơi khu vực thì kết quả của chúng ta lại rất khiêm tốn, cho dù là AFF Cup hay SEA Games cũng đều như vậy.
Bên cạnh đó, giải VĐQG V-League cũng đang còn rất nhiều vấn đề, và việc BTC V-League mấy mùa giải gần đây đều phải mời trọng tài ngoại điều hành ở những trận đấu quan trọng chỉ để giải quyết công tác tư tưởng cho các đội bóng chính là bằng chứng cho thấy V-League phải phấn đấu hơn nữa mới có thể xứng đáng với cái tên giải VĐQG chuyên nghiệp.
Mà người ta vẫn hay bảo giải VĐQG chính là sức khỏe của ĐTQG nên chúng ta khó lòng có thể sở hữu một ĐTQG giàu sức cạnh tranh nếu như giải VĐQG vẫn còn không ít tồn tại. Vì thế, lời khen của ông Al Khalifa có lẽ chỉ nên được hiểu như là một cách nói xã giao, chứ không phải là lời khẳng định cho chất lượng hiện tại của bóng đá Việt Nam.