Khi ngồi trên chiếc ghế đá ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, dưới những tán cây và nhìn ra đường chạy, nơi chịu ánh nắng gay gắt của buổi chiều hè, tôi tự hỏi Nguyễn Thị Oanh đang nghĩ gì.
Đó là một ngày như nhiều ngày, Oanh tập luyện để trở nên tốt hơn. Theo giáo án, cô cần hoàn thành quãng đường 16km, tương đương 40 vòng sân. Trong khoảng thời gian hơn một giờ đồng hồ, tiếng bước chân nhịp đều trên đường pitch và mồ hôi chảy xuống gương mặt đầy căng thẳng. Vậy Oanh nghĩ gì khi ấy, về cuộc sống, gia đình hay điều gì khác để giết thời gian, hoặc đơn giản là chống lại sự nhàm chán?
Rồi quãng đường 16km kết thúc, Oanh bước ra ngoài, tiếp tục chạy thả lỏng, giãn cơ, sau đó mới ngồi xuống và giải đáp thắc mắc của tôi.
“Tôi không nghĩ gì cả”, Oanh chia sẻ với phóng viên báo Tiền Phong, “Hay đúng hơn, tôi không thể nhớ chính xác về suy nghĩ của mình lúc ấy. Có thể là về những điều tích cực nhằm giúp bản thân thêm động lực, sự phấn chấn”.
Câu trả lời của Oanh khiến tôi nhớ đến SEA Games 32, nơi cô gái bé nhỏ quê Bắc Giang giành 4 Huy chương Vàng điền kinh, gồm: 1.500m, 5.000m, 3.000m vượt rào và cuối cùng là 10.000m. Trên đường pitch Morodok Techo, tôi có hỏi bí quyết nào để làm nên kỳ tích? Và cô đáp, không gì khác ngoài “sự tập trung cao độ, gạt bỏ hết tất cả để giải phóng tâm trí, sau đó bước vào thi đấu với tâm lý thoải mái nhất có thể”.
Điều làm nên sự khác biệt giữa một vận động viên bình thường và một vận động viên ưu tú chính là sự tập trung. Hoặc theo cách nói của nhà văn Áo Stefan Wzeig, “tập trung là bí mật vĩnh cửu của mọi thành công”. Khả năng tập trung của Oanh thực sự khiến tất cả phải kinh ngạc. Hẳn nhiều người vẫn nhớ khoảnh khắc cô lắc đầu từ chối cốc nước mà Elvina Naibaho của Indonesia đưa cho trên đường chạy 10.000m SEA Games 32. Oanh không muốn tâm trí bị xao nhãng khi đang trực chỉ hướng đến mục tiêu.
Trong suốt quá trình hoàn tất 40 vòng sân quanh Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia, Oanh cũng không cần tiếp nước. Phần vì cô muốn “tăng khả năng chịu đựng, thúc đẩy bản thân vượt qua giới hạn”, phần vì cô đang loại bỏ sự xao lãng. Sự tập trung không chỉ giúp cô cải thiện hiệu suất mà còn quên đi nỗi đau thể xác.
Có một câu chuyện gây ám ảnh, chỉ vài năm trở lại đây Oanh mới bình tĩnh đề cập đến. Khoảng cuối năm 2014, trở về từ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7 tại Nam Định, cô đột nhiên tăng cân. Trong vòng một tuần cơ thể đã tăng thêm 4kg. Ban đầu Oanh cho rằng mình ăn uống thiếu kiểm soát sau giải đấu. Nhưng kỳ lạ hơn, khuôn mặt cô trở nên sưng phù. Oanh tiếp tục trấn an mình, có lẽ bị viêm xoang, mỗi khi thay đổi thời tiết mặt thường đau nhức rồi sưng tấy.
Tất cả đều sai. Bác sỹ nói cô bị viêm cầu thận.
Oanh nghe mà như sét đánh ngang tai. Cô hiểu nó có nghĩa là gì. “Mới 19 tuổi và sự nghiệp đang chớm nở với một chút thành tích ở các giải trẻ, vậy mà đùng một cái, cánh cửa đóng sầm lại. Bác sỹ nói tôi không được vận động, ngừng chạy và nghỉ hoàn toàn”, Oanh nhớ lại.
Thật khó diễn tả tâm trạng rối bời khi đó. Oanh không chỉ sốc, mà còn rơi vào khủng hoảng. Ngoài sự nghiệp bị đe dọa, cô còn đau khổ trước những ánh mắt tò mò vì khuôn mặt biến dạng. Rồi sau đó là chuỗi ngày giam mình trong phòng bệnh, làm bạn với bốn bức tường cùng sự tĩnh lặng đến đáng sợ, chỉ thỉnh thoảng vang lên tiếng lạch cạch của chiếc xe lấy mẫu xét nghiệm.
“Quãng thời gian ấy quá kinh khủng và tôi không bao giờ muốn trải nghiệm lại”, Oanh nói, “Vốn ưa hoạt động và thích chạy nhảy, nay nằm im một chỗ khiến muôn vàn suy nghĩ tiêu cực nảy sinh. Tôi lo lắng về sức khỏe, về dung nhan, và nhất là chặng đường tiếp theo, liệu tôi có thể làm gì khi thôi chạy?”.
Oanh kể tiếp, cố gắng kìm nén sự xúc động: “Tôi vẫn nhớ những đêm hai mẹ con cùng nằm trên chiếc giường bệnh viện. Những đêm thật dài. Hai mẹ con nói chuyện tâm sự, cổ vũ nhau, nhưng đến một lúc cả hai nằm xoay lưng lại, mỗi người chìm vào dòng suy nghĩ của riêng mình.
Chiếc giường rất nhỏ và tôi hiểu tâm tư của mẹ qua từng nhịp thở. Mẹ đã nhiều tuổi nhưng vẫn phải vất vả ngược xuôi, giờ lại bỏ tất cả lên đây chăm sóc và lo lắng cho tôi”.
Dĩ nhiên quá trình trở lại không hề dễ dàng.
Oanh đã bắt đầu chạy từ năm lớp 4 trên đường đất xã Mỹ Hà (Lạng Giang, Bắc Giang). Thoạt đầu không nghĩ sẽ tiến xa với môn thể thao này, nhưng tiếng hoan hô, cổ vũ sau mỗi lần về nhất đã thúc đẩy cô. Và tình yêu với chạy ngày một lớn dần lên. Bây giờ nó trở thành sự bức bối khi chứng kiến người khác chạy mà cô thì không. Sau khi ra viện, thể trạng Oanh vẫn còn rất yếu.
“Mọi người tập luyện ngoài kia trong khi mình chỉ có thể đứng nhìn. Với đam mê nhiệt huyết chảy trong từng thớ thịt, một cảm giác thực sự khó chịu. Nhưng, như tôi nói, khó khăn nào cũng sẽ qua. Tôi đi bộ, rồi chạy nhẹ nhàng 1, 2 vòng sân. Khi sức khỏe tốt hơn, quãng đường tăng từ 2km lên 4km, rồi 6km, 8km. Sau khoảng 4, 5 tháng chạy được hơn 10km, tôi sung sướng khi biết mình đã có thể tái xuất trên đường đua”, Oanh kể.
Giải chính thức đầu tiên Oanh tham dự khi trở lại là TP.HCM mở rộng. Tuy nhiên cô chỉ đủ sức thi đấu duy nhất nội dung tiếp sức 4x800m dù HLV đăng ký cả nội dung 5.000m. Mặc dù vậy, được đắm mình trong bầu không khí náo nhiệt và một lần nữa sống với niềm đam mê đủ để mang lại cho Oanh niềm hạnh phúc lớn lao.
Theo thời gian, cô dần lấy lại thể trạng tốt nhất, tăng dần khối lượng và bám đuổi giáo án của huấn luyện viên (HLV). Tấm Huy chương Đồng ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật tại giải VĐQG là dấu hiệu cho thấy Oanh đã sẵn sàng cho những thách thức lớn hơn, tạo tiền đề để cô quay lại đội tuyển điền kinh Việt Nam vào đầu năm 2016.
Vậy là mỗi ngày cô lại đi về bằng xe máy từ Từ Sơn- nơi đang học ĐH Thể dục thể thao- sang Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia. Như HLV Trần Văn Sỹ nói, đó là khoảng thời gian “ở nhà trọ, ăn cơm sinh viên, tập cùng tuyển”, và ông “khâm phục ý chí của Oanh những ngày ấy”.
Là người phát hiện ra Oanh, HLV Trần Văn Sỹ nhìn thấy ở cô gái bé hạt tiêu tuổi Ất Hợi khát khao, ý chí sắt đá. Ông so sánh Oanh “ỉn” với “cây xương rồng trên sa mạc”, luôn kiên cường trong nghịch cảnh. Không gì có thể đánh bại cô gái này, nhất là khi đã xác định rõ mục tiêu, cô không một lần ngoái lại phía sau, chỉ tiến về phía trước.
Sau này nhớ lại khó khăn đã trải qua, mặc dù vẫn bị ám ảnh song Oanh tìm thấy những điều tích cực trong đó. Cô bắt đầu trân quý sức khỏe, theo đuổi chế độ ăn lành mạnh, luôn lắng nghe cơ thể để chăm sóc tốt bản thân. Đồng thời, sau đe dọa phải từ bỏ điền kinh, cô nhận thấy điền kinh chính là cuộc sống của mình. Cô không thể thiếu nó. Vì vậy, tập trung hoàn toàn cho tình yêu này.
Từ nội dung chủ đạo 3.000m vượt chướng ngại vật, Oanh bắt đầu thử thách bản thân ở các cự ly 1.500m, 5.000m rồi 10.000m. Cô liên tục thách thức bản thân, như việc hạn chế tiếp nước trên đường chạy hoặc sẵn sàng tham gia cả hai nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật tại SEA Games 32 với thời gian cách nhau chỉ 16 phút. Rồi cô giành 12 Huy chương Vàng SEA Games ở 4 kỳ liên tiếp, sau đó bước ra châu lục, viết nên lịch sử cho điền kinh Việt Nam với tấm Huy chương Đồng ASIAD 2018, Huy chương Vàng giải Vô địch điền kinh trong nhà châu Á 2023.
“Điều tôi luôn tâm niệm là phải cố gắng nhiều hơn mỗi ngày, mỗi buổi tập và mỗi giải đấu”, Oanh nói, “Mỗi ngành nghề, mỗi môn thể thao đều có sự vất vả riêng. Với điền kinh là những ngày chạy dưới tiết trời oi bức hay những hôm trời mưa tầm tã chạy bì bõm trên sân, lại có lúc trời đông giá rét. Điều chúng ta phải làm là đón nhận, coi đó là một phần của việc đạt được mục tiêu”.
“Vậy sau những gì đã đạt được, bây giờ mục tiêu của Oanh là gì?”, tôi hỏi. “Oanh thường đặt ra mục tiêu cụ thể trong ngắn hạn. Ví dụ như vừa rồi, cố gắng hoàn thành quãng đường để nhanh chóng thoát khỏi cái nắng nóng này. Sau đó nỗ lực để ngày mai tốt hơn hôm nay”, cô cười, rồi xách đôi giày sờn rách đã theo cô trong những buổi tập suốt 2 năm qua và tiến về khu ký túc.
Một ngày tập luyện khép lại trước khi mở ra một ngày mới. Oanh sẽ lại đặt ra những mục tiêu mới trên đường chạy, dồn hết tâm trí để hoàn thành, để trở nên tốt hơn, và tốt hơn nữa. Đơn giản vì đó là cuộc sống của cô.