Theo quy trình cũ, sau khi xem xét các tình huống cần đến VAR trên sân (thẻ đỏ, phạt đền, quyết định bàn thắng và việt vị), trọng tài sẽ có phán quyết mới và tiếp tục trận đấu mà không cần giải thích về nguyên nhân dẫn đến thay đổi.
FIFA muốn quy trình này trở nên trọn vẹn hơn. Sau khi tham khảo những gì các trọng tài đã làm tại giải NFL (bóng bầu dục nhà nghề), NBA (bóng rổ nhà nghề) của Mỹ, Pierluigi Collina, chủ tịch Ủy ban trọng tài của FIFA, đã đi đến thay đổi. Ông cho rằng các trọng tài bóng rổ, bóng bầu dục đã làm rất tốt nên trọng tài bóng đá có lẽ “sẽ khá thoải mái với điều này”.
Cụ thể ở các phán quyết cần đến video ở NFL hay NBA, trọng tài sẽ nói lên màn hình về lý do dẫn đến quyết định cho NHM trên sân cũng như qua truyền hình được rõ. Trong bóng đá, phương pháp này đã được thử nghiệm tại FIFA Club World Cup và U20 World Cup 2023. Bây giờ nó sẽ được áp dụng cho World Cup nữ 2023 tại Úc và New Zealand.
Tại World Cup nữ 2019, VAR đã phải can thiệp để yêu cầu thủ môn Scotland thực hiện lại pha bắt phạt đền vì chân không để trên vạch vôi
Video hỗ trợ trọng tài đã trở thành một phần không thể thiếu của bóng đá, nhất là tại các sự kiện lớn. VAR đã được sử dụng tại 2 kỳ World Cup 2018, 2022 của nam, World Cup nữ 2019 và mang đến các thay đổi bước ngoặt.
Ở vòng bảng World Cup nữ 2019, vào phút bù giờ trận Argentina vs Scotland, đại diện châu Âu đang dẫn 3-2 và VAR can thiệp, cho Argentina được hưởng 11m. Đội bóng Nam Mỹ đá hỏng nhưng VAR lại xuất hiện. Trọng tài yêu cầu thực hiện lại cú đá vì thủ môn Scotland đã không để chân lên vạch vôi khi bắt phạt đền.
Trong pha thực hiện thứ 2, Argentina gỡ hòa 3-3, đủ để loại Scotland ra khỏi giải. Với thay đổi tại World Cup nữ 2023 , có lẽ NHM sẽ hiểu hơn về các quyết định của VAR, điển hình như 2 lần bẻ còi của trọng tài ở trận Argentina vs Scotland cách đây 4 năm.