Chỉ cần nhắc đến CĐV Hải Phòng, ngay lập tức người ta nghĩ đến những chuyện "độc, lạ và dị" mà họ thể hiện trên khán đài, và cả ngoài sân bóng. Sự cuồng nhiệt đôi lúc đến ngông cuồng của CĐV đất Cảng trở thành một thương hiệu riêng, dù cho thương hiệu ấy không phải lúc nào cũng mang nghĩa tích cực.
Trọng trận đấu với CLB Hà Nội chiều 16/12 trên sân Lạch Tray, CĐV Hải Phòng đã khiến những người theo dõi trận đấu qua truyền hình phải ngã ngửa khi họ văng tục với những từ ngữ thậm tệ nhắm vào trọng tài. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên CĐV đất hoa phượng đỏ có những hành động đáng lên án như thế.
Cách đây cũng phải 7 năm, cũng tại Lạch Tray sau khi để xảy ra sự cố đáng tiếc trên sân Vinh khi CĐV Hải Phòng và CĐV SLNA xảy ra ẩu đã, thậm chí dẫn tới án mạng, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ lúc đó phải thốt lên: "Đi xem bóng đá có nhất thiết, phải đông thế không?!".
Phát biểu của ông Hỷ sau đó đã được xem như một phát ngôn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam và bị CĐV đất Cảng lấy ra để châm biếm. Trên sân Lạch Tray, những câu chửi tục nhắm vào người đứng đầu bóng đá Việt Nam đồng loạt được vang lên. Thậm chí, ngay cả khi BTC sân bắc loa yêu cầu CĐV ngừng chửi tục, họ lại quay sang đồng thanh chửi luôn... BTC.
Thời ấy, người ta gọi CĐV Hải Phòng như là "chí phèo bóng đá". Họ làm bất chấp luật lệ, và không sợ gì cả. Nghiêm cấm đốt pháo sáng, họ không đốt pháo sáng trên sân nhà mà đốt pháo sáng ở sân đối phương để rồi BTC sân đối phương phải lãnh hậu quả.
Đến khi Ban tổ chức phải "đẻ" thêm luật, cứ miễn đốt pháo sáng trên sân là CĐV đội bóng ấy bị cấm vào sân, thì họ chuyển qua đốt pháo ngoài sân... lúc đi diễu hành.
Có thời điểm, CĐV Hải Phòng đi đến đâu cũng là nỗi khiếp sợ và lo lắng cho BTC sân bóng ấy, đến nỗi BTC sân Hàng Đẫy đã phải tăng giá vé cho riêng CĐV Hải Phòng. Đáp lại, họ vẫn bỏ tiền đến sân nhưng phản ứng bằng cách rải tiền âm phủ trên sân Hàng Đẫy.
Không chỉ bày tỏ thông điệp với đội khách, ban trọng tài, ban tổ chức giải, mà ngay cả đội bóng của mình khi thi đấu không tốt, có dấu hiệu tiêu cực, CĐV Hải Phòng cũng không khoanh tay. Họ vẫn đến sân, nhưng bày tỏ bằng cách khác, như mang theo 1 cái hòm khi đội bóng của họ vật vã với cuộc đua trụ hạng. Hay đến sân và tất cả im lặng khi nghi vấn cầu thủ đội nhà đá tiêu cực.
Cách bộc lộ những phản ứng của riêng mình mà CĐV đất Cảng thực hiện luôn mang theo thông điệp rất rõ ràng, dù cho nó nhiều khi mang tính tiêu cực nhưng cũng là những hình ảnh thể hiện những mặt còn chưa được của bóng đá Việt Nam.
Và cũng vì thế, CĐV Hải Phòng dù ngông, dù sai, dù phản cảm, vẫn nhận được nhiều sự đồng tình của người hâm mộ bóng đá cả nước.