Ngày 7/8, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTT&DL) đã ký công văn số 633/NTBD-PQL gửi Sở VH,TT&DL các tỉnh, thành trong cả nước yêu cầu tạm dừng cấp phép biểu diễn, kể cả trong quán bar đối với Lê Thị Huyền Anh (nickname “Bà Tưng”).
Trước động thái quyết liệt này của các cơ quan chức năng, PV Tri thức trẻ đã có một cuộc trao đổi với ông Phan Đình Tân - Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về những vấn đề liên quan.
Ông Phan Đình Tân - Phó Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ VH, TT&DL
- Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về lệnh cấm biểu diễn trên phạm vi toàn quốc đối với Lê Thị Huyền Anh (Bà Tưng) của Cục nghệ thuật biểu diễn?
Theo tôi, một hình ảnh hay một biểu tượng nghệ thuật cần phải hướng đến xây dựng theo cách có văn hóa, hết sức tốt đẹp và lành mạnh. Hình ảnh Bà Tưng thì không có gì tốt đẹp cả, không tài năng, không phải là mẫu hình cho giới trẻ học tập. Những hình ảnh như vậy thì đóng góp được gì cho xã hội, mà chỉ làm xã hội rối loạn đi.
Thế thì cấm chỉ tốt hơn cho xã hội. Chúng ta còn nhiều điều khác để quan tâm, còn nhiều nhân vật cần được để ý.
- Có ý kiến bênh vực và cho rằng những hành động đó chỉ để thể hiện sở thích cá nhân của cô ấy?
Ở một góc độ nào đó, nếu anh nói rằng anh đang thể hiện cá nhân của mình, thế thì để cái cá nhân đó trong nhà của anh đi, đừng đưa nó ra cộng đồng.
Rõ ràng là những người tạo ra những scandal như vậy không giúp ích được gì cho xã hội mà họ chỉ thỏa mãn cái cá nhân của họ thôi. Tôn trọng tự do cá nhân nhưng không có nghĩa là vì tự do của một người mà ảnh hưởng đến tự do của nhiều người khác.
Một số người trẻ đang có nhận thức sai lệch về vấn đề này. Quyền công dân của anh tôi không cắt. Nhưng nhận thức công dân của anh đã thực sự đầy đủ chưa. Đừng cứ làm như vậy rồi lại tự nhận mình nổi tiếng.
Vậy là anh đã nhầm về sự nổi tiếng. Bởi vì cái nổi tiếng khác với tai tiếng. Nổi tiếng dùng để nói những người có tài năng, được xã hội tôn vinh, được xã hội thừa nhận.
Đây không phải tài năng, đây là tạo phản ứng phản cảm cho xã hội. Gây ra một cú sốc xã hội chứ đâu phải sự nổi tiếng.
Những hình ảnh phản cảm của Bà Tưng tràn ngập trên mạng
- Vậy lệnh cấm biểu diễn của Bà Tưng biểu diễn trên phạm vi toàn quốc của Cục nghệ thuật biểu diễn có đúng với quy định?
Bất cứ một hành vi một cá nhân nào trong cộng đồng cũng đều phải được điều chỉnh bằng những quy định của pháp luật, những quy định về ngành nghề.
Đồng thời còn có một cái cao hơn, đó là quy định về đạo đức và lương tâm, trách nhiệm công dân, trách nhiệm con người được điểu chỉnh bởi văn hoá. Chúng ta đừng viện dẫn ra rằng cái này không phù hợp cái kia không phù hợp. Luật pháp có cấm một cách cụ thể chuyện vợ chồng 'sinh hoạt' ở ngoài đường không? Nhưng chẳng ai làm điều đó cả. Anh phải chú ý để điều chỉnh hành vi của mình bằng cả đạo đức chứ không chỉ căn cứ vào luật.
- Những nhân vật tương tự Bà Tưng cũng sẽ bị xử lý nghiêm khắc?
Quá trình quản lý của Nhà nước từ các tình huống thực tế sẽ nâng lên để điều chỉnh bằng văn bản. Dần dần sẽ có những quy định quyết liệt hơn, các hình thức xử phạt nặng hơn. Có những cái sẽ cấm đoán mạnh mẽ hơn.
Xã hội mình dân chủ, mọi người đều được biểu hiện những ý muốn, đề đạt những nguyện vọng chính đáng của mình. Còn những nguyện vọng không chính đáng thì sẽ không xã hội nào chấp nhận cả, ở đâu cũng vậy.
Đất nước nào cũng phải có kỷ cương không phải ai muốn làm gì thì làm, gây ra những cái trái khoáy rồi nói rằng tôi tự do tôi thích thì tôi làm. Sau này con cái nhìn tấm gương đấy để học, có đau lòng không? Con cháu cụ kỵ Bà Tưng chẳng hạn?
Chắc chắn trong thời gian sắp tới sẽ có sự kiểm soát chặt chẽ hơn, các hình phạt nghiêm khắc hơn làm sao để chấm dứt được những hành vi đó.
- Lệnh cấm diễn của Bà Tưng chỉ là tạm thời. Vậy nếu trong thời gian sắp tới, Bà Tưng 'hối cải' thì có nhận được sự 'khoan hồng' của cơ quan chức năng không?
Đạo lý của người Việt: đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại. Mọi hình phạt nặng nhất cũng chỉ mang tính răn đe, giáo dục.
Trừ những trường hợp quá lên thì phải loại bỏ khỏi xã hội. Còn những con người trong một phút bồng bột gây ra 'tội', tìm về con đường 'hoàn lương' thì chúng ta vẫn chấp nhận. Không cực đoan, không phải cái gì cũng bất di bất biến, trong mỗi con người đều có cả tốt và xấu. Nếu sau này họ thật sự cảm hóa cầu thiện, quay lại đóng góp cho xã hội. Xã hội sẽ chấp nhận và dang rộng vòng tay.
Ông Tân cho biết rất hy vọng Bà Tưng 'hối cải'
Chúng tôi sẽ theo dõi. Tùy thuộc vào chính hành vi của con người. Anh có thật sự hướng thiện hay không, có cầu thị hay không hay chỉ giả vờ. Nếu thay đổi sẽ xem xét và cân nhắc.
Bà Tưng trong một chừng mực nào đó hôm nay rất phản cảm nhưng chúng ta hy vọng sự tự giáo dục, tự cải thiện để trở thành con người có ích cho xã hội. Tôi hy vọng Bà Tưng sẽ hối cải!
Hãy nhớ ơn đến các đấng sinh thành, dạy dỗ để trả nghĩa, làm sao để cộng đồng và bạn bè không nhìn mình như một 'con ghẻ' và tìm cách tránh xa.
Tôi từng viết Lời tựa cho một Tuyển tập truyện ngắn có tên là 'Không nên khóc', với hiện tượng Bà Tưng tôi nghĩ là cũng 'không nên khóc!'.
Chúng ta cần tỉnh táo, tỏ thái độ đúng mực, đừng cổ súy cho những hành vi phản văn hoá, rồi tự nhiên những hành vi ấy sẽ không còn đất sống nữa.