Van Bakel (hàng đứng, thứ 3 từ trái sang) trong đội hình của Thanh Hóa
Là một người xin việc, thái độ bất cần đôi khi cũng tốt bởi nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn là một ngôi sao. Đó là kinh nghiệm của Danny van Bakel trong những ngày đầu ở Việt Nam. Là một thanh niên ngổ ngáo, một hậu vệ vô danh và cả vô kỷ luật ở Hà Lan, đột nhiên tới Việt Nam sau khi bị tay cò Frank van Eijs rủ rê, anh thấy mình bị đưa vào căn nhà theo đánh giá cá nhân là hôi hám ở Bình Dương với 3 cầu thủ châu Phi đang nằm lăn lóc trên gác xép. Sau một hồi trằn trọc, Van Bakel bỏ về TP Hồ Chí Minh và uống rượu cho tới sáng.
Vừa mới đặt lưng trong khách sạn, Van Eijs đã đập cửa phòng và lôi anh trở lại Bình Dương, nơi các HLV đang chờ anh để tiến hành buổi thử việc. Tay cò nói rằng những người ở Bình Dương khi biết Van Bakel rời đi lúc nửa đêm, đã nghĩ đây hẳn là một ngôi sao lớn mới “chảnh” vậy. Vì thế tha thiết mời anh quay lại. Buổi thử việc diễn ra tốt đẹp và Van Bakel nghiễm nhiên trở thành cầu thủ chuyên nghiệp ở Việt Nam với mức lương không tưởng.
Đó là năm 2011. “Tôi cứ nghĩ mình sẽ trở thành nhân viên cứu hộ hoặc chạy việc ở văn phòng, ai mà ngờ mọi chuyện lại thành ra thế này. Cầm cả đống tiền, tôi gọi điện về Hà Lan khoe mà chẳng ai tin”, Van Bakel kể lại với báo Hà Lan, “Nói chung là choáng ngợp. Trước tôi ở vũ trường nhiều hơn trên sân cỏ, giờ phải tập luyện đều với cái máy từ thời Lý Tiểu Long.
Tại Việt Nam, Van Bakel chơi cho Bình Dương (2011-12), Ðồng Nai (2013) và Thanh Hóa (2014-18). Áo đấu mang tên Nguyễn Văn Bakel của anh tại V-League được đưa vào Bảo tàng bóng đá Hà Lan với tư cách ngôi sao của xứ sở cối xay gió ở nước ngoài.
Tôi cũng chơi trước hàng ngàn khán giả chứ không phải vài trăm như tại Hà Lan. Là hậu vệ ở Việt Nam cũng nhàn. Mọi người sẽ rất kinh ngạc nếu tôi di chuyển lên phía trước. Việc của tôi chỉ là cho đám tiền đạo châu Phi hay Brazil bên phía đối thủ nằm sân. Ở đây ai cũng thân thiện khi bắt đầu trận đấu, sau đó là cuộc chơi của cùi chỏ, đầu gối”.
Ngày ấy báo chí Việt Nam đều hồ hởi với thông tin hậu vệ từng chơi cho PSV nay chạy trên sân cỏ V-League. Nào ai biết rằng Van Bakel chỉ chơi cho mấy đội nghiệp dư ở Hà Lan và thu nhập chính đến từ công việc chạy giấy ở ngân hàng. “Tôi phải nói dối là khoác áo PSV lúc còn trẻ. Nếu biết tôi chỉ đá cho Helmond Sport hay Dijkse Boys họ sẽ tống cổ tôi ngay”, Van Bakel nói.
Bây giờ thời đại thông tin bùng nổ, mọi lời nói dối đều sẽ bị lật tẩy. Phong cách bóng đá ở V League cũng thay đổi theo hướng hiện đại hơn và mối quan hệ với cầu thủ ngoại cũng vậy. Nhưng ngày đó, như Van Bakel nói, có sự phân cấp rõ ràng trong đội và anh bị xếp cuối cùng.
“Bất cứ ai cũng có thể ra lệnh cho tôi, thậm chí cả HLV thủ môn và hậu vệ trái đang ngồi dự bị”, anh nói, “Khi tôi sút họ bảo nên chuyền thì tốt hơn. Lúc tôi tăng tốc, họ bảo cứ từ từ. Lúc tôi thong thả, họ nói phải tăng tốc đi. Cho đến một ngày tôi phát điên và quát lên với họ”.
Vì vậy chuyện va chạm trong đội là không thể tránh khỏi. “Ngày nọ, HLV thủ môn bỗng cấm tôi uống nước sau trận đấu và giằng lấy cái chai. Tôi cảnh báo nên bỏ ra trước khi bị ăn đòn. Ông ta không nghe, thế là bị tôi cho một cú trời giáng. Điều kỳ lạ là chẳng có án phạt nào sau đó. Ông ta bỗng trở nên ngọt ngào và hôm sau vừa thấy tôi đã chạy lại mang cho chai nước”.
Những điều kỳ lạ vẫn chưa hết. Van Bakel còn chứng kiến một vị Chủ tịch trao phong bì cho trọng tài, sau đó nói với anh rằng đó chỉ là “lì xì năm mới”; một gã lạ mặt hẹn gặp và trao cho anh số tiền lớn với mong muốn anh đá lỏng chân; việc chữa chấn thương bằng thuốc cao hoặc chứng kiến đồng đội ăn tiết rắn. Tất cả khiến Van Bakel tưởng như đang sống một cuộc đời khác, đầy màu sắc và có tất cả những thứ mà trước đây anh chỉ dám mơ ước.